Lật mặt các sàn 'đầu tư siêu lãi'
Tan nhà nát cửa, sợ bị giang hồ đòi tiền, không muốn sống nữa... là tình cảnh những 'nhà đầu tư' đang trải qua sau khi gom từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng đổ vào các sàn giao dịch tài chính cam kết bao thắng 100%, lợi nhuận từ 50-400%/tháng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến nay đã có hàng ngàn người thông báo không thể lấy lại tiền vì sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn Coolcat bị sập. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn tố cáo của nhiều người về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư trên Coolcat.
Khoảng 1 tuần trước, một ứng dụng khác có tên Shopping Mall hứa hẹn tặng hoa hồng cao cũng sập khiến nhiều người điêu đứng. Các chuyên gia và không ít người chơi cho rằng các "chủ sàn" dùng chiêu trò tự đánh sập để mở sàn mới nhằm tiếp tục lừa đảo.
Lấy lòng tin - nhận tiền - biến mất
Làm thợ xây, quần quật cả ngày anh P.Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mới kiếm được 300.000 đồng tiền công, nhưng không phải lúc nào cũng có việc đều đặn.
Trong lúc lướt mạng, một người lạ giới thiệu anh vào sàn Coolcat. Chỉ cần tải phần mềm Coolcat về điện thoại, đăng nhập bằng số điện thoại rồi mỗi ngày bấm dự đoán giá Bitcoin (tiền mã hóa), giá vàng lên hay xuống.
Nếu đoán đúng thì nhận được 73% tiền thắng. Nếu thua 6 lần liên tiếp phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%. Coolcat bán 6 gói bảo hiểm với mức phí từ 54 đến 9.146 USD (1,26 - 210 triệu đồng). Khi mua gói bảo hiểm có phí 210 triệu đồng, mỗi ngày người chơi sẽ nhận lãi từ 3,3 - 9,7 triệu đồng.
Chơi dễ, có lãi, anh Hà thử rút thì tiền về rất nhanh. Nghĩ sàn uy tín, kiếm tiền dễ dàng nên người thợ xây này dốc toàn bộ 22 triệu đồng tích cóp đổ vào Coolcat. Sau đó, anh còn chia sẻ "may mắn" cho bạn mình.
"Tôi có thằng bạn đang phải nuôi con gái 5 tuổi, vợ nó bỏ đi lâu rồi. Thấy tội nó nên rủ vô chơi, nó vay tiền nóng của giang hồ, lãi 12%, bỏ hết tiền vô đây chưa đến 10 ngày thì sàn sập. Làm khổ cực, ăn không dám ăn, giờ mất hết", anh Hà nói giọng buồn.
Nhiều người chơi thấy dễ thắng và rút tiền về dễ dàng nên dốc hết tiền vào sàn. Chị P. (TP.HCM) bỏ ra 53 triệu đồng mua gói bảo hiểm 100% vốn, ứng dụng hiển thị mỗi ngày nhận về tiền lãi 800.000 đồng.
Nghĩ ngon ăn, chị P. quyết định đổ hơn 700 triệu đồng và nhận tiền của một cô bạn ủy thác để chơi giùm. "Giờ tôi sợ lắm, chồng con bạn là dân anh chị, tới hăm dọa gia đình tôi", chị P. nói trong lo sợ.
Sức hấp dẫn còn đến từ tiền thưởng hoa hồng lên đến 1,8 triệu đồng khi giới thiệu cho người mới tham gia đổ tiền vào mua gói "bảo hiểm" có phí cao.
"Có tiền lãi mỗi ngày, rồi còn tiền hoa hồng nữa, quá ngon", chị N.Th. (36 tuổi) nói lý do rủ thêm 3 người em nữa chơi cùng, rồi tất cả cùng mất hàng trăm triệu đồng.
Và sau khi gầy dựng lòng tin để người chơi dốc túi đổ tiền vào, các sàn này tự đánh sập, ôm theo tiền tỉ biến mất.
Một trong các kiểu Coolcat quảng cáo đến người chơi - Ảnh: BM
Biết rủi ro vẫn chơi một lúc 2-3 sàn
Điều đáng nói là nhiều người chơi biết rõ các ứng dụng giao dịch tài chính này đầy rủi ro nhưng vì tin sẽ gặt "siêu lợi nhuận" nên vẫn đổ tiền vào, thậm chí đổ tiền vào 2-3 sàn cùng lúc.
"Biết là mấy dạng này thể nào cũng sập, nhưng sàn này mới mở nên tôi đoán khoảng 2 tháng nữa mới sập, định bỏ tiền vô có lời thì rút ra nhanh, ai ngờ mới bỏ mấy trăm triệu chưa tới 3 ngày đã banh xác rồi", chị T. (36 tuổi) nói khi mất tiền ở sàn Coolcat.
Trong lúc ngồi cùng hàng chục người đang làm đơn tố cáo sàn Coolcat, một phụ nữ kéo tôi lại và nói: "Em ơi, chị đang đầu tư hơn 100 triệu bên sàn Forex, giờ chị lo quá, xong vụ Coolcat chị liên hệ em nha".
Coolcat vừa sập thì những nạn nhân phát hiện có thêm một sàn tương tự tên Giant Digger, giống đến cả sử dụng chung biểu tượng hình con mèo của Coolcat. Ứng dụng có tên Gold Digger thì sẵn sàng tặng 3 triệu cho "anh em trải nghiệm thử".
Nhiều lời hứa hẹn có cánh như gửi tiền lần đầu tặng 10%, bảo hiểm vốn 100% cho thành viên mới, nói không với rút tiền chậm hoặc lừa đảo, có nhóm kéo lãi 40-50% vốn mỗi ngày, trải nghiệm xong được rút lãi, không chơi nữa cũng không vấn đề.
"Tỉ lệ thắng lên đến 100%, lợi nhuận cao, mỗi tháng lợi nhuận lên đến 200-400%, tự do tài chính, rút tiền trong 5 phút", một người quảng cáo cho sàn Gold Digger nói.
Hàng loạt chiếc bẫy đặt sẵn kèm mồi ngon dâng trước mặt nhiều người, chỉ chờ "con mồi" nhảy vào.
"Nhiều người vay xã hội đen, giờ không có tiền để trả, cứ nghĩ quẩn, mình phải thức cả đêm để nhắn tin động viên, sợ họ có chuyện gì", chị A.M. (một trong những người đang tập hợp đơn tố cáo Coolcat giùm nhiều người khác) nói.
"Khoảng 10 tỉ. Bọn chị là giáo viên, giờ nói ra không biết có bị kỷ luật không, chị sợ lắm", một người chơi ở Sơn La chia sẻ trong hoảng loạn.
Theo tìm hiểu, đến nay đã có hàng ngàn người báo bị mất tiền do bỏ vào các sàn giao dịch tài chính, mỗi người bỏ vốn ít thì vài triệu, nhiều hơn thì vài tỉ hoặc vài chục tỉ đồng.
"Lừa nhanh, rút lẹ" sao trở tay kịp
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho hay trước vụ Coolcat đã có hàng loạt vụ lừa như vụ xem video kiếm tiền, lừa nộp tiền cho vay, lừa gửi tiền lãi suất cao...
"Có thể thấy nhà đầu tư quên những câu chuyện trong quá khứ và nhiều người thường vì lợi nhuận quá cao mà quên đi những đề phòng bình thường. Đây chính là hành vi tài chính mà tội phạm thường lợi dụng khi dựng nên các thương vụ lừa", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, nạn nhân của nhiều vụ lừa thường là những người đang bế tắc trong cuộc sống, trong làm ăn, không có niềm tin làm ăn dài hạn, muốn kiếm tiền nhanh.
Các đối tượng tội phạm dùng các loại hình công nghệ để người dân tin rằng hoạt động của họ có thể sinh ra lời cao.
Do ý thức được đây là hành vi phạm pháp nên tội phạm thường "lừa nhanh, rút lẹ" khi cơ quan chức năng chưa kịp vào cuộc. Và những người vào sau là những người trắng tay vì chưa kịp thu lời thì app đã sập.
"Nhà đầu tư đừng bao giờ bỏ tiền vào loại hình kinh doanh mình không hiểu biết chỉ vì lợi nhuận cao. Khi có cơ hội làm ăn gì thu lợi cao mà mình chưa hiểu biết nên hỏi những người am hiểu để họ giải thích, nếu không sẽ liên tục có những vụ lừa tương tự như Coolcat", ông Hiển khuyến cáo.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng hiện nay có rất nhiều loại hình kiếm tiền không hợp pháp đang chào mời người chơi với mức lãi suất rất cao nhắm đến những người ham lợi nhuận cao không đủ kiến thức.
Ông Khánh cảnh báo các lời hứa hẹn hơn gấp 3 lần lãi suất ngân hàng đều là lừa đảo, bất kể là loại hình đầu tư gì. Những sàn hoặc công ty lừa này thường có lịch sử hoạt động ngắn dưới 1 năm rồi tự đánh sập để lập thương vụ lừa đảo khác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho rằng gần đây nở rộ các trò lừa theo kiểu kiếm tiền dễ dàng, chỉ cần nạp tiền rồi không cần làm gì vẫn được hưởng lãi 5-7%/ngày.
Ai cũng biết nguyên tắc đầu tư là có thắng có thua nhưng các app lừa đảo luôn quảng bá "lợi nhuận cao kèm đảm bảo 100% gốc, lãi".
Nhiều người vẫn tin và tham gia, sau khi gom được số tiền lớn, những đối tượng này đánh sập hệ thống, đẩy người chơi vào cảnh trắng tay.
"Gần đây các ngân hàng đã siết rất chặt việc sử dụng thẻ tín dụng trong các giao dịch cấm, lừa đảo, gian lận... Ngân hàng Nhà nước TP.HCM khuyến cáo người dân đừng vì ham lãi cao mà bất chấp chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Việc bỏ tiền đầu tư vào các sàn này, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra sự cố và nguy cơ trắng tay rất cao", ông Minh nói.
ÁNH HỒNG
Dùng thẻ tín dụng đánh bài, chơi điện tử... bị phạt tới 150 triệu đồng
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo đến khách hàng về việc sử dụng thẻ tín dụng trong các giao dịch cấm sẽ bị phạt hành chính 150 triệu đồng, nghiêm trọng có thể bị khởi tố hình sự.
Eximbank lưu ý khách hàng không sử dụng thẻ tín dụng cho các giao dịch bị cấm theo quy định của pháp luật VN như: đánh bạc, giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận, thanh toán các trò chơi điện tử trên mạng chưa được cấp phép phát hành tại VN, giao dịch mua bán ngoại hối trên website... và rút tiền mặt tại các đơn vị chấp nhận thẻ.
A.H.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận