24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lấp hồ Thành công để cải tạo chung cư: Chuyện ngược đời!

Đây là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ.

Mới đây, Công ty Việt Hưng vừa trình UBND TP Hà Nội 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công, trong đó có phương án đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Đề xuất này đã và đang nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như giới chuyên gia.

Khách quan mà nói, cải tạo chung cư cũ là một vấn đề bế tắc hàng thập kỷ của Thủ đô, gần đây lại trở thành câu chuyện “nóng”. Điều này bắt đầu từ việc, lãnh đạo Hà Nội thực sự sốt ruột, tuyên bố sẽ có những thay đổi quyết liệt, tháo gỡ các nút thắt trong cải tạo chung cư cũ.

Cụ thể, một trong những nút thắt khó giải quyết nhất là tỷ lệ đền bù, điều này khiến người dân và doanh nghiệp luôn trở thành những đường thẳng song song không tìm được tiếng nói chung.

Và bài toán đầu tiên cần phải giải lại là việc, các hộ dân sẽ đi đâu, sống như thế nào trong suốt thời gian phá bỏ chung cư cũ, xây lại chung cư mới? Khi đa số người dân đều khẳng định, họ muốn tái định cư tại chỗ, không muốn dời đi đâu bởi có quá nhiều bất cập phát sinh trong việc di dời ấy.

Hơn nữa, chung cư cũ hay nhiều người vẫn quen gọi là nhà tập thể ở Thủ đô không đơn thuần là tên một loại nhà để ở, nó còn bao hàm cả những giá trị tinh thần, giống như một kho di sản lưu giữ tất cả nếp sống của người Hà Nội những năm bao cấp. Và vì thế, yếu tố tinh thần, gắn kết cộng đồng ở đây rất lớn.

Lẽ đó, trở lại với đề xuất lấp một phần hồ Thành Công, theo đại diện Công ty Việt Hưng, đây là phương án táo bạo song được nhiều các hộ dân chấp thuận, bởi họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của các chuyên gia lại khác. Bởi vì, hồ nước tự nhiên ở Hà Nội nói chung và hồ Thành Công nói riêng liên kết với nhau tạo thành một chuỗi hồ có tác dụng điều hòa không khí, nước mưa. Bây giờ, thay đổi 1ha hồ Thành Công sẽ làm sẽ phá vỡ hệ thống đó và làm thay đổi đến cảnh quan, sinh vật trong lòng hồ.

Hồ và công viên Thành Công không chỉ giữ vai trò là “lá phổi” của khu vực Thành Công mà còn là hồ điều hòa, không gian đô thị xanh của cả khu vực rộng lớn Láng Hạ, Đống Đa của TP Hà Nội. Trong khi nhiều nước trên thế giới đang lấy thêm quỹ đất để xây hồ, trồng cây xanh thì doanh nghiệp lại đề xuất giải pháp ngược lại.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1495 của UBND TP Hà Nội ngày 18/3/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển của thành phố là tối ưu hóa quỹ cây xanh, mặt nước tự nhiên; Tích hợp các giải pháp cảnh quan với các giải pháp môi trường như gắn liền các mặt nước hiện có thành các công viên, mảng xanh đô thị, kết hợp thoát nước mưa; Bảo tồn diện tích mặt nước hiện có và cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội,…v..v.

Liên quan đến vấn đề này, nếu như GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Nói chung là không nên làm vì điều đó là rất mạo hiểm và cực kỳ tốn kém. Hơn nữa, nếu dở dang ra rồi, làm cái gì nữa thì không ai kiểm soát được”.

Thì bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII thẳng thắn nói: “Đây là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ. Hồ là lá phổi để điều hòa nước, không khí và môi trường. Chúng ta đã nhìn rõ hậu quả của việc lấp hồ, lấp cống trong quá trình xây dựng, đó là tình trạng ngập lụt trong thành phố”.

Còn đại diện chính quyền cũng chưa dám quyết với đề xuất lấp một phần hồ của Công ty Việt Hưng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng từng thừa nhận: “Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được”.

Thế mới nói, trong cuộc sống, việc doanh nghiệp có những “đề xuất” này đề xuất kia là bình thường. Ở đó, có những doanh nghiệp đề xuất xin dự án bằng cái tâm, nhưng cũng có doanh nghiệp để được nhận dự án, họ sẵn sàng công khai (bằng thủ đoạn) hoặc ngấm ngầm cố thực hiện để “vơ đầy túi” tham..v..v. Điều quan trọng là Chính quyền ứng xử thế nào đối với quyền và lợi ích của số đông người dân mới là quan trọng.

Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp thì nay càng chật hẹp hơn, nếu đề xuất trên được phê duyệt thì hồ Thành Công sẽ biến thành “ao làng” tù túng. Quả thật, thưa thấy quá trình đô thị hóa ở đâu mà lấp hồ chỗ này để đào hồ chỗ khác như vậy.

Thật ngược đời!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả