Lao động chờ, doanh nghiệp lo
Trong đề án thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7 sẽ có cả phần tăng lương tối thiểu vùng. Đây là phần mà người lao động sẽ rất quan tâm trong khi các doanh nghiệp thì lo lắng về nguồn chi trả.
Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.
Dự kiến cuối năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo đời sống người lao động. Trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng, nhiều người lao động ngóng chờ. Anh Nguyễn Thưởng - công nhân công ty may tại Khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, lương cơ bản hằng tháng gần 4,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hằng tháng anh Thưởng có thêm phụ cấp như chuyên cần 450.000 đồng/tháng, phụ cấp đi lại 300.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ chịu tác động nhiều của đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. (Ảnh minh hoạ)
“Nếu làm tăng ca, mỗi tháng tổng tiền lương, phụ cấp của tôi khoảng 8 triệu đồng. Nghe tin sắp tăng lương tối thiểu vùng, tôi rất mừng vì phần lương cơ bản sẽ tăng thêm, bù chi phí sinh hoạt hằng ngày”, anh Thưởng chia sẻ.
Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất tăng lương tối thiểu ở mức 6% so với mức hiện hành. Mức lương tối thiểu tháng của Vùng I lên mức 4,96 triệu đồng/tháng; Vùng II 4,41 triệu đồng/tháng; Vùng III 3,86 triệu đồng/tháng; Vùng IV 3,4 triệu đồng/tháng.
Với địa phương chuyển vùng này, dự kiến người lao động sẽ được tăng lương 410.000 - 550.000 đồng/tháng (tuỳ từng địa phương).
Khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hằng tháng, người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: tăng tiền lương ngừng việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa...
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mức lương tối thiểu vùng dành cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động tại doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng người lao động theo thoả thuận. Với đối tượng này, sẽ có hàng chục triệu người lao động được tăng lương khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được thông qua.
Trái ngược với sự háo hức, chờ đợi của người lao động, trong bối cảnh chưa thoát khỏi khó khăn, nhiều doanh nghiệp lo lắng về việc tăng lương tối thiểu vùng sắp tới.
Ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Cty may Nam Hà cho biết, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng tác động tới doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, đồ gỗ, chế biến. Trong khi đây là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn hậu thời kỳ dịch bệnh, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của các thị trường lớn.
“Doanh nghiệp mong ngóng sự phục hồi thị trường xuất khẩu, sự hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp sớm phục hồi, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong bối cảnh bình thường, chi phí tăng lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, chỉ một phần nhỏ chi phí tăng lương cũng khiến doanh nghiệp khó chồng khó”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng có 2 mặt. Về phía người lao động, tăng lương luôn được ngóng chờ và giúp người lao động có thêm động lực. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, việc tăng lương sẽ thêm phần lo lắng khi chi phí tăng lên giữa lúc khó khăn.
“Công chức, viên chức tăng lương cơ sở 30% trong khi người lao động tại doanh nghiệp không tăng lương hoặc tăng thấp quá sẽ ảnh hưởng tâm lý. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp phục hồi, làm ăn hiệu quả sẵn sàng ủng hộ chính sách tăng lương cho người lao động”, ông Dũng cho biết.
Từ năm 2008 tới năm 2019, lương tối thiểu vùng tăng đều qua các năm với mức tăng 120.000 - 650.000 đồng/tuỳ từng năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận