24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lao đao vì đường ngoại nhập

Trong quý I/2021, đã xảy ra một hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số nước Asean vốn không có thế mạnh về đường gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia tăng vọt lên tới 57 lần với 188.202 tấn.

Cơ quan điều tra thuộc Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương vừa có buổi tham vấn công khai bằng hình thức trực tuyến về vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Tại buổi làm việc này, cơ quan điều tra đã lấy ý kiến của đại diện tất cả các bên liên quan về vụ việc, đồng thời các ý kiến, quan điểm sẽ được tổng hợp, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng trong kết luận điều tra cuối cùng và đảm bảo việc điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và WTO.

Nguyên nhân trước đó là do Bộ Công thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước đối với đường nhập từ Thái Lan.

Bộ Công thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với một số sản phẩm và áp dụng thuế chống BPG và CTC tạm thời với mía đường Thái Lan với 2 mức (44,88% đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô). Tuy nhiên, tính từ thời điểm áp thuế tạm thời, tháng 2/2021, đường giá rẻ nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan vẫn tăng mạnh so với thời điểm trước khi có quyết định điều tra chống bán phá giá.

Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước cho biết, ngành mía đường Thái Lan được Chính phủ hỗ trợ ở thị trường nội địa thông qua việc hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần, kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào… Chính vì vậy, khi đường Thái Lan nhập vào Việt Nam sẽ có mức giá rẻ hơn nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất mía đường trong nước, khiến lượng hàng tồn kho tăng cao, sản xuất đình đốn, nông dân mất việc làm…

Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, trong tháng 3 và tháng 4/2021, đường nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khuynh đảo thị trường đường Việt Nam nhờ ưu thế giá rẻ. Trong đó, một lượng đường lớn đã được các nhà nhập khẩu tìm mọi cách đưa về trước và kể cả sau thời điểm Bộ Công thương sử dụng công cụ phòng vệ thương mại tạm thời. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 1/2021, đường nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục, lên đến 113.000 tấn.

Không chỉ tăng nhập khẩu về số lượng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, có dấu hiệu lẩn tránh thuế, khi đường nhập khẩu từ 5 quốc gia Asean khác cũng tăng vọt. Trong quý I/2021, đã xảy ra một hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số nước Asean vốn không có thế mạnh về đường gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia tăng vọt lên tới 57 lần với 188.202 tấn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, các quốc gia trên còn phải nhập khẩu đường từ Thái Lan. Lượng đường bùng nổ nhập khẩu sau khi áp thuế có hiệu lực về bản chất vẫn là đường Thái Lan, nhưng vẫn được hưởng thuế theo ATIGA ở mức 5%, và đó là nguyên nhân lý giải lượng đường nhập khẩu vẫn tăng cao sau quyết định áp thuế có hiệu lực.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đã nâng giá mía để khuyến khích nông dân quay lại sản xuất, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao. Chính vì vậy, thực tế ngành đường trong nước vẫn đang phải đối mặt với khó khăn. Quý I/2021, doanh nghiệp sản xuất đường nội đã ép được 5,8 triệu tấn mía với hơn 611.000 tấn đường, thấp hơn 700.000 tấn so với niên vụ 2019-2020. Con số này cho thấy sự thiệt hại nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam đang phải gánh chịu trước sự tấn công ồ ạt của đường nhập khẩu” - ông Lộc nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối Asean, nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam rất mong chờ quyết định áp thuế chính thức với mức thuế sớm được áp dụng để bảo đảm giá mía đường tương đương với các nước trong khu vực tạo điều kiện cho nông dân và các nhà máy được hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Trước thực tế này, Bộ Công thương cho biết đang hoàn tất các bước tiếp theo để đưa ra kết luận điều tra cuối cùng, dự kiến trong tháng 6/2021 đối với sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan bán phá giá trên thị trường, gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả