Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP.HCM cần chuyển tư duy chống dịch Covid-19 từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chậm thắng chắc" và sớm phục hồi kinh tế để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khác trong tình huống dịch bệnh lây lan.
Sáng 17.9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến các chuyên gia về chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế thành phố.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM) nhìn nhận với những kết quả của ngành y tế thời gian qua, TP.HCM cần chuyển tư duy ứng phó với dịch Covid-19 từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chậm thắng chắc”.
TP.HCM cần đi sớm hơn các địa phương khác. Trước mắt, TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cho phép hoạt động các ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu với yêu cầu đảm bảo chặt chẽ điều kiện chống dịch.
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19 bởi vì "không thể quét sạch F0”. Bên cạnh đó, cần phải xác định cuộc chiến này là lâu dài và không quá phí sức cho một trận đánh mà không đảm bảo chắc chắn tháng sau, năm sau vẫn không còn F0 trong cộng đồng.
“Nếu đánh trận cuối cùng thì dùng hết sức, còn không thì phải tính toán sao cho hiệu quả”, PGS-TS Dũng nói và cho biết chúng ta sẽ "tiêu diệt" Covid-19 trong vài năm tới cùng với các việc khác.
Khi TP.HCM không thể xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách toàn bộ F0, cần tập trung xét nghiệm người có nguy cơ cao để phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị cho những người có triệu chứng.
PGS-TS Dũng đồng tình với việc quan điểm mở cửa kinh tế từng bước thận trọng, bên cạnh quan tâm đến sức khỏe, thể chất thì cũng cần quan tâm đến yếu tố tinh thần, đảm bảo sinh kế. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng nhưng với TP.HCM khi đạt được một số tiêu chí quan trọng thì có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở TP.HCM đạt khoảng 95% mũi 1 và 35% mũi 2, đây là một trong những điều kiện quan trọng để mở cửa. PGS-TS Dũng nhìn nhận khi thánh phố tái khởi động nền kinh tế thì sẽ đảm bảo nguồn lực sẵn sàng giúp đỡ các địa phương lân cận khi dịch bệnh lây lan.
Trước đó, Hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 14.9 đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố gồm: giai đoạn 1 từ ngày 1 - 31.10, giai đoạn 2 từ ngày 1.11 - 15.1.2022 và giai đoạn 3 từ 15.1.2022 trở đi.
Đừng xét nghiệm diện rộng nữa, hãy xét nghiệm có tập trung
Trả lời cho câu hỏi thành phố có nên mở cửa hay không, PGS Phúc đưa ra 5 chỉ số quan trọng gồm: tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nhân nặng nhập viện và dự phòng rủi ro để lãnh đạo thành phố tham khảo.
Hiện tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong đang bị nhiễu, do nhiều F0 đưa vào bệnh viện dã chiến chỉ nằm và dần hết bệnh chứ không cần điều trị gì nhiều.
Khi mở cửa, điều chuyên gia này lo ngại chính là phải đảm bảo điều kiện dự phòng rủi ro bởi số ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng lên. Hiện nay khả năng truy vết xét nghiệm của thành phố đã sẵn sàng, có thể đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, năng lực điều trị thì cần đánh giá lại. Qua khảo sát, PGS Phúc nhận định hiện số bệnh viện dã chiến nhiều nhưng số giường có ô xy và máy thở lại thấp. PGS Phúc cũng cho biết trên thế giới, các nước chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến nhưng lại ít xài, lý do là họ chỉ sử dụng khi nhận bệnh nhân nặng và tập trung lực lượng tinh nhuệ để cứu chữa. Thay vào đó, họ mở rộng phòng cấp cứu ICU trong bệnh viện. Do vậy, TP.HCM cũng cần tính đến phương án chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ ở bệnh viện dã chiến hoặc tăng cường ICU lên gấp đôi ở các bệnh viện đa khoa để giảm bớt số lượng bệnh viện dã chiến lại.
Về việc xét nghiệm tầm soát diện rộng, PGS Vũ Minh Phúc cho rằng không nên làm nữa vì tốn kém chi phí rất nhiều, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung đối tượng có nghi ngờ, nguy cơ cao như giao thương, sân bay…
Mở cửa kinh tế thì chắc chắn số bệnh nhân sẽ tăng nhưng miễn sao F0 đừng nhập viện, đừng chết là được, bởi khi toàn dân đã chích ngừa thì sẽ bớt lo. Đối với người mắc, cũng không nên đưa họ đi cách ly khỏi cộng đồng mà nên điều trị tại nhà. “Chính người mắc tiếp xúc với người đã chích ngừa trong gia đình thì họ sẽ được miễn dịch thêm một lần nữa, giống như chích ngừa mũi 3, miễn dịch sẽ tăng lên. Nếu “nhốt” hết F0 thì sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng. Điều này không thể tránh được vì trẻ em hiện chưa được tiêm chủng và chắc chắn sẽ bị lây”, PGS Vũ Minh Phúc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận