Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Các giao dịch lớn tại VGC, HNG, ACB và FLC
Thống kê các giao dịch nội bộ trong tuần giao dịch 01/03 - 05/03/2021 cho thấy bên bán đang chiếm thế chủ động. Trong đó, HAG hoàn tất bán 75 triệu cp HNG, quỹ ngoại muốn thoái vốn tại ACB. Ở chiều ngược lại, ông Trịnh Văn Quyết đã nâng sở hữu tại FLC lên hơn 30% và GEX muốn sở hữu quyền chi phối VGC.
HAG hoàn tất bán 75 triệu cp HNG
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã bán thành công 75 triệu cp của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG). Sau giao dịch, HAG vẫn là cổ đông lớn tại HNG với tỷ lệ sở hữu 29.78%, tương ứng gần 330.17 triệu cp.
Các giao dịch vừa qua được thực hiện thỏa thuận từ ngày 05/02-02/03. Trong khoảng thời gian này, VietstockFinance ghi nhận lượng giao dịch thỏa thuận lớn đối với HNG tại mức giá quanh vùng 11,000 đồng/cp. Ước tính, thương vụ này đã mang lại cho HAG nguồn tiền xấp xỉ 825 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ tại ngân hàng.
Trước đó, đơn vị này cũng đã bán thành công 47.5 triệu cp HNG từ ngày 31/12/2020-19/01/2021 theo phương thức thỏa thuận.
Tại thời điểm cuối năm 2020, khoản nợ phải trả của HAG ghi nhận 26.6 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm. Các khoản nợ lớn nhất của HAG đến từ trái phiếu (7.6 ngàn tỷ đồng), vay dài hạn ngân hàng (3.7 ngàn tỷ đồng), CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) (5.1 ngàn tỷ đồng)…
Ông Trịnh Văn Quyết nâng sở hữu tại FLC lên hơn 30%
Từ ngày 04/02 - 03/03/2021, chủ tịch Trịnh Văn Quyết vừa báo cáo mua vào 15 triệu cp FLC của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Theo đó, ông Quyết đã nâng sở hữu từ mức 200.4 triệu cp (28.23% vốn) lên thành 215.4 triệu cp (30.34% vốn).
Chiếu theo mức giá trung bình giai đoạn trên, ước tính vị Chủ tịch này đã chi ra khoảng 95 tỷ đồng để gom vào 15 triệu cp.
Lũy kế cả năm 2020, FLC lỗ gộp hơn 3,246 tỷ đồng, nhưng nhờ có hơn 4,715 tỷ đồng lãi từ bán các khoản đầu tư nên FLC thoát lỗ, ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm gần 293 tỷ đồng và sau thuế hơn 183 tỷ đồng, giảm 63% và 74% so với năm trước. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC ghi nhận hơn 38,460 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng mạnh đến 90%, đạt hơn 1,200 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn gấp 3.56 lần đầu năm, lên hơn 6,246 tỷ đồng.
ACB: “Rục rịch” ở nhóm quỹ liên quan đến Thành viên HĐQT
2 quỹ ngoại First Burns Investments Limited và Asia Reach Investments Limited cùng lần lượt đăng ký bán hết 53.5 triệu cp Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) (2.51%) và 54.3 triệu cp (2.48%) từ ngày 10/03-08/04/2021. Nếu bán thành công, First Burns Investments và Asia Reach Investments Limited sẽ không còn là cổ đông của ACB.
Cùng thời gian, thành viên nhóm Dragon Capital là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên mức 0.36% khi đăng ký mua 5 triệu cp ACB. Hiện, thành viên này đang sở hữu 2.83 triệu cp ACB, tỷ lệ sở hữu tương đương 0.13%.
Được biết, cả 3 nhóm quỹ trên đều là thành viên của cổ đông lớn Dragon Capital - đơn vị có liên quan đến bà Trương Ngọc Phượng - Thành viên HĐQT ACB.
GEX dự chi 810 tỷ đồng sở hữu quyền chi phối VGC
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSE: GEX) vừa đăng ký mua 22.5 triệu cp VGC của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) từ ngày 08/03 - 06/04/2021. Nếu giao dịch thành công, GEX sẽ nâng sở hữu tại VGC từ 26.64% (119 triệu cp) lên 31.65% (142 triệu cp).
Với thị giá 36,000 đồng/cp (tính tới 04/03), dự kiến GEX sẽ chi 810 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Tính đến cuối năm 2020, Bộ Xây dựng đang là cổ đông lớn nhất tại VGC với tỷ lệ sở hữu 39%. 2 cổ đông lớn còn lại là GEX và Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - Công ty con của GEX nắm giữ tổng cộng 46% vốn tại VGC. Nếu thương vụ gom hàng lần này hoàn tất, GEX sẽ nâng sở hữu lên 51.08% và chính thức trở thành công ty mẹ của VGC.
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 01/03 - 05/03/2021
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 01/03 - 05/03/2021
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận