Lần thứ hai trong tám năm, nữ ứng viên tổng thống thất bại: Vì sao?
Chiến thắng của ông Donald Trump có nghĩa là truyền thống bầu chọn một người đàn ông vào vị trí cao nhất của nước Mỹ vẫn không thay đổi sau hơn 200 năm.
Cơ hội phá bỏ một rào cản dành cho phụ nữ có từ thời nước Mỹ mới thành lập đã biến mất khi ông Donald Trump đánh bại bà Kamala Harris để trở thành tổng thống thứ 47 của quốc gia này, gây thất vọng cho những cử tri hy vọng bà có thể làm nên lịch sử.
Chưa đủ ấn tượng
Đối với nhiều phụ nữ Mỹ (phần lớn dường như ủng hộ bà Harris), đó là một thất bại đầy cay đắng và tuyệt vọng. Một nữ ứng cử viên lại thất bại lần thứ hai trong tám năm và chỉ hai năm sau khi quyền phá thai bị tước bỏ ở nhiều bang.
Tuy nhiên, đối với những phụ nữ khác, có sự nhẹ nhõm và hân hoan khi bà Harris không trở thành tổng thống. Nhiều người nói rằng tư tưởng quan trọng hơn giới tính và họ sẽ vui mừng khi thấy một phụ nữ đắc cử tổng thống nếu ứng cử viên đó thấu hiểu chính trị của đảng Cộng hòa hoặc đảng Bảo thủ.
Một số người khác cho rằng, bà Harris (bắt đầu chiến dịch của mình chỉ từ tháng Bảy sau khi Tổng thống Joe Biden chấm dứt tái tranh cử) đã không thuyết phục được họ rằng bà sẵn sàng cho vị trí này.
Cheryl Dulac, 66 tuổi, một y tá ở bang Bắc Carolina, người thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, đã để trống dòng bầu cử tổng thống trên lá phiếu của mình. Bà Dulac không thích ứng viên Trump, nhưng ứng viên Harris không gây ấn tượng với bà.
Các khảo sát thực hiện trước bầu cử chỉ ra một khoảng cách rộng (và có thể là lịch sử) về giới trong sự ủng hộ hai ứng cử viên, với phần lớn phụ nữ ủng hộ bà Harris và phần lớn nam giới ủng hộ ông Trump.
Trong một chiến dịch ngắn ngủi và đầy tổn thương, hai ứng cử viên đã có những cách tiếp cận khác nhau rõ rệt đối với vấn đề giới tính.
Không giống như ứng viên Hillary Clinton vào năm 2016, bà Harris đã giảm bớt yếu tố tiên phong trong việc tranh cử của mình, mà điều đó có thể đưa bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ngồi trong Phòng Bầu dục và cũng là phụ nữ da màu gốc Nam Á đầu tiên nắm giữ vị trí này.
“Vâng, tôi rõ ràng là một phụ nữ”, bà Harris đã nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC tháng trước. “Điều mà hầu hết mọi người thực sự quan tâm là bạn có thể làm tốt công việc này không và liệu bạn có một kế hoạch thực sự tập trung vào họ không”.
Phó Tổng thống Kamala Harris rời khỏi một cuộc mít tinh ở thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 2/11/2024. Ảnh: The Washington Post.
Truyền thống nam tính
Trong khi đó, ứng viên Trump tiến hành chiến dịch của mình với những bài phát biểu thống trị nặng nề, đề cao sức mạnh và những biểu hiện của nam tính. Ông gọi bà Harris là ngu ngốc, lười biếng và yếu đuối; ông đã chia sẻ những lời xúc phạm thô tục về bà trên mạng xã hội và nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đối xử với bà “như một món đồ chơi” nếu bà được bầu. Trong những ngày cuối của chiến dịch, ông Trump tuyên bố sẽ bảo vệ phụ nữ, “cho dù phụ nữ có thích hay không”.
Đối với ông Trump, những lời lẽ đó có một mục đích, theo lời Nicholas Valentino, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Michigan. Có vẻ như phi lý khi đưa ra “những phát ngôn phân biệt giới tính với năm ngày cuối của chiến dịch trong khi khoảng cách về giới ở mức cao lịch sử”, ông Valentino nói. Nhưng “câu trả lời là ông ấy thu hút nam giới trong khi mất đi phụ nữ”.
Valentino và các đồng nghiệp của ông, Carly Wayne và Marzia Oceno, đã nghiên cứu thái độ của cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016. Họ phát hiện ra một điều bất thường không xuất hiện trong ba cuộc bầu cử tổng thống trước đó: Những người có điểm cao hơn trên một chỉ số thái độ phân biệt giới tính tinh vi - bao gồm việc cho rằng sự thúc đẩy bình đẳng giới là quá mức - có khả năng bỏ phiếu cho ông Trump cao hơn, ngay cả khi đã kiểm soát các biến số như lập trường chính trị và tư tưởng.
Trong cuộc tranh cử năm 2024, “bà Harris không sử dụng lá bài giới tính; ông Trump đã làm điều đó”, theo lời Susan Faludi, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Backlash” (nội dung về phản ứng ngược đối với những tiến bộ về quyền phụ nữ). Faludi nói rằng, bà Harris đã “rất hoàn hảo” trong suốt chiến dịch ngắn ngủi của mình, khiến thất bại của bà “càng tồi tệ hơn đối với các thế hệ phụ nữ đầy tham vọng trong tương lai”.
Sự thất bại của bà Harris khiến Mỹ vẫn nằm trong cùng một nhóm với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới: Chỉ 7% trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc có phụ nữ đứng đầu chính phủ. Chỉ có 30% trong số đó từng có lãnh đạo là phụ nữ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiêu vũ bên cạnh cựu Đệ nhất phu nhân Melania Trump ở bang Florida, ngày 6/11/2024. Ảnh: AP.
Không giống như trong các hệ thống nghị viện, nơi lãnh đạo đảng trở thành thủ tướng, các ứng cử viên tổng thống ở Mỹ hầu như luôn xuất hiện từ một chuỗi bầu cử sơ bộ dài. Bà Harris đã có thể bỏ qua quá trình này, một quá trình đã tỏ ra là rào cản đối với phụ nữ muốn tìm kiếm vị trí cao nhất.
Cũng có một thách thức mang tính biểu tượng hơn, theo lời Jackson Katz, một nhà làm phim và tác giả đã viết về chính trị của nam tính. Ông Katz cho rằng, tổng thống chiếm giữ một vai trò gắn liền với bản sắc quốc gia theo những cách truyền thống nam tính - là chỉ huy của lực lượng quân sự Mỹ và là người đứng đầu gia đình đầu tiên, làm phức tạp con đường cho bất kỳ phụ nữ nào muốn phá vỡ khuôn mẫu đó.
Ông Katz đánh giá cao bà Harris về việc giải quyết một phần trong câu đố mà phụ nữ phải đối mặt khi tìm cách lãnh đạo ở Mỹ: Nhu cầu phải thể hiện cả sức mạnh và tính dễ mến. Đó là “một trong những điều mà bà ấy có thể làm tốt hơn bất kỳ phụ nữ nào từng làm trong chính trị Mỹ ở cấp độ này”, Katz nói, nhắc đến khả năng của bà Harris trong việc thể hiện sự thân thiện, quan tâm và sẵn sàng cười chính mình (mà không nhượng bộ đối thủ của mình).
Phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản trong sự nghiệp, nhất là sự nghiệp chính trị. Minh họa: The Washington Post.
Hậu quả sâu rộng
Sự thất bại của bà Harris có thể mang lại những hậu quả sâu rộng cho các cuộc tranh cử tương lai, theo một số chuyên gia. Diana O’Brien, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Washington, lo ngại những chiến thắng của ông Trump trước bà Clinton và bà Harris có thể khiến đảng Dân chủ “thuyết phục bản thân rằng phụ nữ không thể thắng”, bà O’Brien nói. Thái độ đó trở thành: “Chúng ta đã thử hai lần rồi và nó không hiệu quả”.
Ruth Simmons, 79 tuổi, cựu chủ tịch Đại học Brown, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo tổ chức này và cũng là người da màu đầu tiên lãnh đạo một trường Ivy League, cho rằng, thất bại của bà Harris nói lên ít về sự sẵn sàng của người Mỹ trong việc bầu một phụ nữ làm tổng thống, hơn là việc họ sẵn sàng bỏ qua những khiếm khuyết của ông Trump.
“Mối quan tâm lớn nhất của tôi là đất nước và số lượng người không quan tâm đến những yêu cầu của vị trí cao nhất trong nước”, bà Simmons nói. Theo bà, tính cách của các nhà lãnh đạo là quan trọng. “Con cái của chúng ta đang nhìn vào họ. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào họ. Hòa bình của thế giới phụ thuộc vào tính khí của họ”, bà nói.
Khi nói đến vấn đề phụ nữ - khả năng của họ, ngoại hình của họ, vai trò của họ - ông Trump “bị đánh giá thất bại toàn diện”, bà Simmons nói.
Không giống như năm 2016, khi chiến thắng của ông Trump trước bà Clinton thách thức hầu hết các dự đoán, một số phụ nữ trẻ đã bỏ phiếu cho bà Harris nói rằng họ rất buồn nhưng không ngạc nhiên. Elizabeth Kandel, 29 tuổi, đang du học ở Áo vào năm 2016. Sau khi cuộc bầu cử đó kết thúc với chiến thắng của ông Trump, cô nhớ lại việc lang thang trên các đường phố Vienna và khóc nức nở.
Giờ đây cô cảm thấy tức giận và lo lắng về những gì mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể mang lại nhưng cũng kiên định. Cô chưa đến 30 tuổi và đã chứng kiến hai phụ nữ nổi lên làm ứng cử viên tổng thống của các đảng lớn. “Tôi sẽ coi đó là dấu hiệu của sự tiến bộ”, Kandel nói.
Kennedy Lucas, Hoa hậu da màu Mỹ, tham dự bữa tiệc theo dõi chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris ngày 5/11/2024, tại khuôn viên Trường Đại học Howard ở Washington. Ảnh: AP.
Shweta Parthasarathy, 22 tuổi, là học sinh trung học vào năm 2016. Vào thời điểm đó, cô không biết nhiều về chính trị nhưng nhớ rằng cô không thích cảm giác của mình khi ông Trump phát biểu. “Điều khiến tôi chú ý là giọng điệu của ông ấy về phụ nữ”, Parthasarathy nói. “Dù tôi biết ông ấy không trực tiếp nói chuyện với tôi, tôi vẫn cảm thấy bị thiếu tôn trọng, rằng phụ nữ nói chung đang bị thiếu tôn trọng”.
Parthasarathy, con của những người nhập cư từ Ấn Độ, lớn lên ở một thị trấn chủ yếu là người da trắng tại bang New Jersey. Việc bà Harris, một người có hoàn cảnh giống cô, có khả năng trở thành tổng thống khiến cô vô cùng phấn khích, dù cô chỉ trích một số chính sách của bà.
Giờ đây, khi là sinh viên luật tại bang Philadelphia, Parthasarathy nói rằng chiến thắng của ông Trump là “một cú đòn đau đớn”, đặc biệt đối với người đang bước vào ngành luật.
Xe tải chở biển quảng cáo chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris chạy dọc một con đường ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin ngày 2/11/2024. Ảnh: The Washington Post.
Tính cách cứng rắn, đi ngược lại khuôn mẫu về giới
Khi The Washington Post hỏi độc giả trước bầu cử về ý nghĩa của việc một người phụ nữ trở thành tổng thống - hoặc ngược lại, về ý nghĩa của việc một người phụ nữ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai trong tám năm - tờ báo nhận được hàng trăm phản hồi.
Một số phản hồi đến từ những phụ nữ lớn tuổi nhớ rõ những rào cản họ từng đối mặt trong cuộc sống: Biện pháp tránh thai chỉ có sẵn cho các cặp vợ chồng; phụ nữ không thể tự đứng tên xin thẻ tín dụng; phá thai bất hợp pháp và nguy hiểm.
Susan Maxman, 85 tuổi, bỏ học đại học để kết hôn. Sau khi con cái bà đến trường, bà quyết định theo đuổi ngành kiến trúc. Vật lý là một môn bắt buộc; vào ngày đầu tiên, giáo sư nói với bà rằng bà sẽ không bao giờ qua được vì “phụ nữ không thể học vật lý”. Bà Maxman không những qua được mà còn trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Viện Kiến trúc sư Mỹ.
Bà Harris là một “người phụ nữ tuyệt vời và cực kỳ có năng lực”, bà Maxman nói. Sự thất bại của bà là một “tổn thất lớn đối với những tiến bộ mà tất cả chúng ta đã đạt được qua nhiều năm đấu tranh”.
Chiến thắng của ông Trump có thể là dấu hiệu cho thấy chiến dịch của ông đã làm giảm ý nghĩa của quyền sinh sản, một vấn đề đã thúc đẩy một số cử tri trong ba cuộc bầu cử quốc gia trước đó. Đảng Dân chủ đã tìm cách tăng cường sự tham gia của phụ nữ bằng các sáng kiến về quyền tiếp cận phá thai sau khi phán quyết “Roe kiện Wade” bị đảo ngược vào năm 2022, một thời điểm quan trọng mà ông Trump nhận công.
Katie Vos, 63 tuổi, một người bảo thủ đảng Cộng hòa và là cựu y tá ở bang Arizona, cho biết bà đã rất tức giận khi phán quyết “Roe kiện Wade” bị lật ngược. Nhưng theo thời gian, bà dần nhìn nhận quyết định của Tòa án Tối cao năm 2022 như việc trao quyền cho từng bang quyết định, phù hợp với sở thích của bà về ít sự can thiệp từ chính phủ liên bang.
Bà cho rằng những lời bàn luận của đảng Dân chủ về các hạn chế toàn quốc đối với phá thai chỉ là sự kích động, dù đảng Cộng hòa từng đề xuất bước đi đó trong quá khứ. “Đảng Dân chủ cứ nói rằng ông Trump sẽ cấm phá thai toàn quốc”, bà Vos nói. “Tôi không tin điều đó… Tôi không nghĩ rằng có lối đi nào để thực hiện điều đó”.
Bà Vos nói thêm rằng bà sẽ “hơn cả tự hào” khi thấy một nữ tổng thống, nhưng bà chưa thấy ứng cử viên nào mà bà cho là “thực sự có năng lực.”
Penny Young Nance, giám đốc điều hành của Concerned Women for America, một nhóm tôn giáo lớn được thành lập vào những năm 1970, cũng chia sẻ quan điểm đó. Bà Nance, một người ủng hộ ông Trump nhiệt tình, cho biết bà tin rằng người phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ sẽ là một đảng viên Cộng hòa, giống như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher hoặc Thủ tướng Israel Golda Meir, cả hai đều nổi tiếng với tính cách cứng rắn, đi ngược lại các khuôn mẫu về giới.
Bà Hillary Clinton tháng 6/2016. Ảnh: Getty Images.
Phụ nữ “muốn có một người có thể ngồi trong phòng với một nhà độc tài và đứng lên đối mặt với họ”, bà Nance nói. Bà cho rằng bà Harris không đủ khả năng để làm công việc đó, không phải vì giới tính mà vì “tính cách, phong thái, và khả năng thể hiện sự trang nghiêm” của bà ấy. Bà Nance nói rằng, việc bà Harris được đề cử mà không trải qua quá trình sơ bộ, thậm chí là rút ngắn là một “sai lầm chết người” để đảm bảo bà ấy là ứng cử viên tốt nhất của đảng.
Debbie Walsh, giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Mỹ tại Đại học Rutgers, đã dành sự nghiệp chuyên môn của mình để nghiên cứu về phụ nữ trong các vị trí được bầu chọn. Khi bà Walsh bắt đầu làm việc tại trung tâm vào năm 1981, chỉ có 21 phụ nữ trong Hạ viện, gần như chia đều giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Hiện nay có 126 người, trong đó ba phần tư là đảng viên Dân chủ.
Bà Harris đã phải đối mặt với “sự tấn công của những lời lẽ phân biệt giới tính và chủng tộc, nhưng bà ấy đã đứng vững”, bà Walsh nói. Đây không phải là dấu chấm hết cho phụ nữ tranh cử tổng thống. “Tôi không thể tưởng tượng sẽ có một cuộc đua nào nữa mà không có một phụ nữ trong danh sách ứng cử”, bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận