Làn sóng nợ nần và đổ vỡ, nguy cơ hiện hữu 2020
Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại, trong khi tăng trưởng toàn cầu sẽ cao hơn trong năm 2020 nhưng rủi ro vẫn tồn tại. Thế giới đang chứng kiến nợ nần gia tăng và một cuộc đua thường không mang lại kết cục có hậu.
Tươi sáng hơn 2019
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu trong đó dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhẹ lên mức 2,5% trong năm 2020 do đầu tư và thương mại dần khôi phục sau một năm ảm đạm.
Theo WB, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng lên 4,1% trong năm 2020, trong khi tại nhóm các nền kinh tế hiện đại được dự báo sẽ giảm xuống 1,4%.
Trong báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế Mỹ theo dự báo sẽ chững lại ở mức 1,8%, do tác động tiêu cực của các động thái tăng thuế quan trước đó và tình trạng bất định gia tăng. Trong khi tăng trưởng ở khu vực đồng Euro theo dự báo sẽ trượt dốc xuống mức thấp hơn là 1% vào năm 2020 do các hoạt động công nghiệp yếu đi.
Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng sẽ chững lại còn 5,7% vào năm 2020, do tăng trưởng tại Trung Quốc tiếp tục giảm xuống 5,9% trong năm nay với khó khăn trong nước và bên ngoài tiếp tục diễn ra, bao gồm tác động kéo dài của căng thẳng thương mại.
Tăng trưởng của khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, được dự báo sẽ khôi phục nhẹ lên 4,9%, do sức cầu trong nước được hưởng lợi nhờ tình hình tài chính nhìn chung thuận lợi, lạm phát thấp và dòng vốn đầu tư mạnh đổ vào một số quốc gia.
Đây là một sự báo tươi sáng hơn so với năm 2019 khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang và ẩn chứa nhiều sự bất định. Sang 2020, tình hình được cho là rõ ràng và sáng sủa hơn.
Trước đó, theo dự báo của Ngân hàng J.P. Morgan, nền kinh thế giới sẽ ổn định và có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2020 sau một loạt các biện pháp nới lỏng đã được ngân hàng trung ương (NHTW) các nước tung ra trong năm 2019.
Cũng theo J.P. Morgan, căng thẳng thương mại cũng sẽ không leo thang như trong 2019. Việc Anh rời Liên minh châu Âu EU (Brexit) đã rõ ràng hơn và có lối thoát. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo có thể xuống dưới ngưỡng 6% do yếu tố chu kỳ và mang tính cơ cấu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trước đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 nhưng vẫn ở mức cao, với mức tăng 2,9% trong 2020 và 3% trong năm 2021. Kinh tế Mỹ sẽ chậm lại ở mức 2% vào năm 2021, còn Trung Quốc giảm xuống khoảng 5,5% vào năm 2021.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tỏ ra lạc quan về về kinh tế Mỹ trong 2020 và tin tưởng tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ ổn cho tới sau bầu cử vào tháng 11 tới nhờ những các chính sách đưa ra trong 2019. Fed dự bán tăng trưởng GDP của Mỹ là 2% trong 2020 và tăng 1,9% trong 2021.
Trong năm 2019, nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, nơi thăng hoa lên đỉnh lịch sử như Mỹ với thất nghiệp thấp kỷ lục và TTCK bùng nổ, chỗ thì bên bờ vực suy thoái như tại Hong Kong, Trung Quốc. Nền kinh tế Hong Kong suy giảm liên tiếp trong các quý kể từ sau khi biểu tình xảy ra. Dòng vốn chảy mạnh khỏi khu vực này.
2020: Rủi ro và sự bất định, nguy cơ về dài hạn
Theo WB, trong năm 2020, nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng nhưng quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều, với giả định rằng kinh tế sẽ cải thiện ở một nhóm nhỏ các nền kinh tế lớn, trong đó có một số quốc gia phục hồi sau một giai đoạn suy yếu đáng kể. Tăng trưởng sẽ giảm tốc ở khoảng một phần ba các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trong năm nay do đầu tư và xuất khẩu yếu hơn so với dự kiến.
Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách về Tăng trưởng Công bằng, Tài chính và Thể chế, Ceyla Pazarbasioglu cho rằng, với việc tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dự kiến vẫn thấp, các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt cơ hội để cải cách cơ cấu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện, là thiết yếu để giảm nghèo.
Theo đó, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thượng tôn pháp luật, quản lý nợ, nâng cao năng suất có thể giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Cũng theo WB, triển vọng toàn cầu vẫn bị chi phối bởi rủi ro suy giảm. Nếu những rủi ro đó bị hiện thực hóa, chúng sẽ kéo tăng trưởng thấp hơn đáng kể. Đó là những rủi ro về căng thẳng thương mại tái leo thang cùng bất định về chính sách thương mại, suy giảm mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế lớn, và biến động tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Giám đốc Nhóm Dự báo Viễn cảnh của Ngân hàng Thế giới, Ayhan Kose cho rằng, tình trạng lãi suất thấp lan rộng trên phạm vi toàn cầu như hiện tại chỉ là cách phòng vệ tạm thời để tránh khủng hoảng tài chính. Và lịch sử về các làn sóng nợ trước đây cho thấy những làn sóng đó thường đem lại kết cục không có hậu. Trong môi trường toàn cầu đầy mong manh, cần phải có những cải thiện về chính sách để giảm rủi ro liên quan đến làn sóng nợ hiện nay.
Hiện tại, thế giới đang chứng kiến làn sóng nợ thứ tư. Trong 50 năm qua đã có đến bốn làn sóng nợ. Làn sóng gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2010, được coi là làn sóng tăng nợ lớn nhất, mạnh nhất và đồng loạt nhất trong cả bốn làn sóng.
Mặc dù lãi suất thấp hiện nay làm giảm nhẹ một số rủi ro liên quan đến nợ cao, nhưng các làn sóng tăng nợ đồng loạt trước đó đều dẫn đến kết cục khủng hoảng tài chính lan rộng. Các phương án chính sách nhằm giảm khả năng diễn ra khủng hoảng và giảm nhẹ tác động khi khủng hoảng xảy ra bao gồm xây dựng khung chính sách tài khóa và tiền tệ đảm bảo khả năng chống chịu, tạo cơ chế giám sát và quản lý nhà nước chặt chẽ, tuân thủ các thông lệ về quản lý nợ minh bạch.
Một vấn đề cũng được lưu ý là tăng trưởng năng suất - nguồn tăng trưởng thu nhập và động lực giảm nghèo chính - đã và đang giảm tốc mạnh và phổ biến hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu so với bất kỳ thời điểm nào trong bốn thập kỷ gần đây.
Tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng năng suất giảm do những yếu kém về đầu tư, giảm nâng cao hiệu suất và phân bổ nguồn lực giữa các ngành chững lại. Nhịp độ cải thiện ở nhiều động lực chính để tăng năng suất lao động - bao gồm giáo dục và thể chế - đã chững lại hoặc bị đình trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, việc kiểm soát giá tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được xem như một công cụ chính sách xã hội thì lại có thể làm suy giảm đầu tư và tăng trưởng, làm xấu đi kết quả giảm nghèo.
M. Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận