Làm rõ cơ chế giám sát đối với dự án PPP
Nhiều quy định trong dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa phù hợp với tính chất đặc thù của loại hình đầu tư PPP này...
Dù đã có nhiều thay đổi nhưng khi bình luận về các quy định tại Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TS Từ Thanh Thảo - Giảng viên chuyên ngành pháp luật về đầu tư, kinh doanh - Trường Đại học Luật TP HCM vẫn khẳng định như vậy.
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật về PPP vẫn đang được lấy ý kiến.
- Ông có thể có thể nói rõ hơn về điều này không, thưa ông?
Bất cập này nằm ngay chính tại phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Khoản 2, Điều 3 Dự thảo quy định chưa bao quát về các trường hợp sử dụng tài sản công, đất đai… trong dự án PPP sẽ ưu tiên áp dụng luật nào? Do vậy, tôi đề xuất cần làm rõ sự khác nhau giữa phạm vi điều chỉnh giữa Luật này và các luật khác.
Hơn nữa, tôi cũng cho rằng nên bỏ hình thức đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT). Bởi điều khó giải quyết nhất trong hợp đồng BT đó là bài toán làm sao để xác định chính xác giá trị các tài sản công (chủ yếu là quyền sử dụng đất) để đối ứng cho nhà đầu tư nhằm tránh thất thoát cho nhà nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét dự án luật này vào phiên họp tháng 4/2020, sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị những vấn đề quan trọng.
Ngoài ra, đối với loại hợp đồng BOO, dự thảo luật cần làm rõ yếu tố sở hữu công trình dự án ở đây có giống với quyền sở hữu trong pháp luật dân sự hay không. Khi đó nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt công trình dự án như quyền sở hữu với một tài sản thông thường hay không? Còn nếu quyền sở hữu này bị hạn chế thì luật nên quy định rõ hạn chế như thế nào để tránh những xung đột, mâu thuẫn trong quá trình triển khai loại hợp đồng này. Còn lại, những hình thức khác, vẫn duy trì nhưng bổ sung thêm các Điều khoản làm công khai và minh bạch hơn nữa các dự án này.
- Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu trong dự thảo được cho chưa hợp lý, còn ông?
Quy định về các trường hợp được chỉ định thầu tại khoản 1 Điều 40 của dự thảo là quá hẹp. Trên thực tế cho những lĩnh vực dự án như về y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; hạ tầng khu công nghiệp ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hầu như rất ít nhà đầu tư quan tâm, khi đó nếu có nhà thầu nào có nhu cầu và khả năng thực hiện dự án thì nên áp dụng cơ chế chỉ định thầu.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu hiện tại cũng quy định chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp như khi chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, công nghệ hoặc thu xếp vốn...
Do vậy, quy định về chỉ định thầu dự án PPP nên áp dụng theo quy định nêu trên của Luật Đấu thầu.
Hơn nữa, Khoản 2 Điều 55 quy định bên cho vay đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư khác thực hiện ngay dự án. Vậy câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư được bên cho vay chỉ định có phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện gì không để tiếp nhận dự án?
- Quy định về vốn nhà nước trong dự án PPP cũng là vấn đề đang tạo ra rất nhiều tranh cãi. Vậy, theo ông Luật về PPP nên điều chỉnh như thế nào?
Hiện nay, Dự thảo chỉ quy định chung về mục đích, cách thức sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP mà không có điều luật quy định về hạn mức tối đa vốn nhà nước trong dự án PPP.
Theo tôi, đây là điểm thiếu sót rất lớn trong dự thảo. Bởi lẽ bản chất cốt lõi dự án PPP là tính đối tác, theo đó vai trò của nhà nước là hỗ trợ bằng công cụ, chính sách pháp luật cho dự án, còn vốn để thực hiện dự án phải do chính nhà đầu tư thu xếp, nhà nước chỉ hỗ trợ vốn trong những trường hợp hạn hữu và ở một giới hạn nhất định để tăng tính khả thi của dự án mà thôi, tránh tình trạng nhà đầu tư có tâm lý chây ỳ, dựa dẫm quá nhiều vào nguồn vốn của nhà nước.
- Cuối cùng, ông có đóng góp gì để các quy định của dự Luật PPP được hoàn thiện hơn?
Có một số vấn đề mà ban soạn thảo cần phải lưu tâm như:
Thứ nhất, để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch trong triển khai dự án PPP, cần đẩy nhanh ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ hai, cần luật hóa cơ chế giám sát để không có những dự án dành cho những người thân hữu với những người quyết định dự án PPP.
Thứ ba, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, riêng dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, định kỳ hàng năm, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đánh giá kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các nội dung về mục tiêu, lý do, tiến độ, phương án thực hiện khi thực hiện tổng kết tình hình công tác đấu thầu.
- Xin cảm ơn ông.
Vẫn băn khoăn cơ chế chia sẻ rủi ro
Phải làm rõ khi nào chia sẻ rủi ro và chia sẻ ở mức nào, cứ giảm doanh thu là Nhà nước phải bỏ tiền chia sẻ là vô lý, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết thúc thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chiều 24/3.
Chủ nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP theo cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu hoặc Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng cần phân biệt rõ giảm doanh thu là do thay đổi chính sách, thay đổi quy hoạch thì Nhà nước bù đắp, lý do bất khả kháng thì Nhà nước chia sẻ còn do khả năng dự báo, vận hành, quản lý của nhà đầu tư không tốt thì doanh nghiệp phải tính toán chứ tất cả Nhà nước đều chịu thì khó. Nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm chứ Nhà nước không nên bao sân quá nhiều chỗ này, ông Hải nêu quan điểm.
Kinh tế thị trường thì nhà đầu tư tính toán có lãi mới đầu tư, dự thảo luật lại quy định giảm 50% doanh thu thì Nhà nước chia sẻ, trong khi các dự án khác thì Nhà nước chỉ chia sẻ khi có lý do bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đưa ra các phương án thảo luận cho kỹ chứ không phải chỉ duy nhất phương án là giảm doanh thu thì được chia sẻ. Nếu không sẽ thành gánh nợ cho quốc gia khi thực hiện tràn lan dự án PPP, ông Hiển nói.
Sau khi đã thu hẹp so với dự thảo trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP tại dự thảo luật mới nhất bao gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga thì quy định như thế này là quá rộng, tại sao nhà máy điện, trụ sở cơ quan nhà nước cũng nằm ở đây. Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm, bà Nga đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, đối tượng mong đợi Luật PPP là khu vực tư nhân, vậy để họ yên tâm bỏ tiền đầu tư thì họ đã được trao đổi kỹ chưa, họ đã cảm thấy dự thảo luật như thế đã được hay chưa?
Nếu tôi là doanh nghiệp, tôi đọc luật thế này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận