menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Lạm phát thấp, nhưng rủi ro chưa hết

Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh dưới sức ép của giá xăng dầu thế giới

Hiện lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những rủi ro khiến lạm phát tăng vẫn còn và cần cẩn trọng ngay trong những tháng cuối năm nay để giữ được lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm tới.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn KTVM, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, mặc dù lạm phát đang ở mức thấp, nhưng rủi ro tăng vẫn hiện hữu. Đơn cử các trợ cấp, giảm giá một số dịch vụ (điện, nước, giáo dục…) đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong thời gian qua, nhưng những giải pháp đó sẽ không thể duy trì mãi; trong khi đó giá xăng dầu, nguyên vật liệu đều tăng. “Lạm phát vẫn chịu nhiều áp lực trong thời gian tới”, chuyên gia này nhận định.

Nhìn lại diễn biến lạm phát thời gian qua, một trong những yếu tố giúp CPI 9 tháng tăng ở mức thấp là giá thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ; trong đó giá thịt lợn giảm 7,22% chủ yếu do nguồn cung dồi dào trong khi cầu giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố này có thể đảo ngược vào những tháng cuối năm, thậm chí sang năm sau do chi phí đầu vào và lưu thông tăng lên. Trên thực tế, giá thức ăn chăn nuôi quý III đã tăng 8,95% so với cùng kỳ do nguồn cung giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao.

“Giá thành đầu vào tăng nhưng giá đầu ra liên tục giảm khiến người chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi nhỏ đứng trước nguy cơ thua lỗ”, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp và Thủy sản thuộc Tổng cục Thống kê nói và cảnh báo: “Nếu những vấn đề này tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi sẽ không dám tái đàn, có thể “nghỉ” nuôi, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong chu kỳ sau”. Nguồn cung giảm đi trong lúc cầu tăng lên sẽ đẩy giá thịt lợn tăng như đã từng diễn ra cách đây không lâu, qua đó khiến CPI chung tăng lên.

Bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, trong quý IV này vẫn có nhiều yếu tố tác động có thể khiến lạm phát tăng. Trong đó, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào trong nhiều lĩnh vực trên thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao sẽ tác động đến Việt Nam bởi Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, từ đó tác động làm giá hàng tiêu dùng tăng lên.

Đồng thời, các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm có thể cũng tăng giá do cả yếu tố cục bộ (nếu xảy ra tình hình thời tiết, thiên tai bất lợi hay dịch Covid bùng phát phức tạp tại một số địa phương khiến hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa khó khăn) cũng như tính mùa vụ khi nhu cầu thường tăng cao vào dịp lễ tết. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cùng với nhu cầu sửa chữa, bão dưỡng nhà ở tăng cuối năm cũng ít nhiều tác động đến CPI chung.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dần bình thường trở lại thì tiêu dùng, trong đó có nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí, du lịch sẽ tăng trở lại cũng đẩy giá tăng, thậm chí có thể tăng mạnh nếu chuỗi cung ứng sản xuất vẫn xuất hiện gián đoạn hay phục hồi chậm so với tốc độ tăng từ phía cầu.

Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh các yếu tố có thể khiến tăng áp lực lạm phát kể trên, chính các nhân tố đang giúp giảm, kiềm chế lạm phát hiện nay, trong đó có việc một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022... khi hết hiệu lực và tăng trở lại theo lộ trình cũng sẽ khiến áp lực tăng lạm phát trong năm 2022 (cùng với áp lực điều chỉnh giá các dịch vụ hàng hóa do nhà nước quản lý khác theo lộ trình). Chưa kể, những tác động mang tính độ trễ từ các giải pháp tài khóa, tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong suốt thời gian vừa qua đến lạm phát cũng sẽ thể hiện rõ từ năm tới.

Chính vì vậy theo các chuyên gia, không thể chủ quan, lơ là với nguy cơ giá cả tăng trong những tháng cuối năm nay cũng như trong năm 2022, nhất là khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và dự kiến cầu sẽ tăng nhanh. Theo đó, một mặt cần chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Mặt khác, cần tính toán đến những tác động mang tính độ trễ của các chính sách lên giá cả để có những ứng phó chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo lưu thông, vận hành thông suốt hàng hóa dịch vụ, quản lý tốt giá và chi phí đầu vào cũng như tiết giảm các chi phí phát sinh cũng rất quan trọng để tránh làm tăng giá hàng hóa đầu ra. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, các hoạt động tung tin đồn sai lệch, thiếu căn cứ nhằm tạo tâm lý lo ngại khan hiếm hàng hóa để trục lợi cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.

“Tuy nhiên, nhìn tổng thể lại thì mức tăng thấp của CPI 9 tháng vừa qua là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra”, bà Tạ Thị Thu Việt khẳng định.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm này. “Chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường năm nay với lạm phát bình quân 9 tháng chỉ 1,82%. Như vậy là hoàn toàn yên tâm, không còn lo ngại với lạm phát năm nay và mức tăng sẽ chỉ quanh khoảng 2%”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ. Cũng theo vị chuyên gia này, năm sau kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát sẽ tăng lên, nhưng nhiều khả năng vẫn dưới 4%.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng gần đây cho rằng, tuy tình hình lạm phát hiện tại ổn định nhưng các áp lực lạm phát từ bên ngoài còn lớn. Do đó, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định điều hành bám sát theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM. Trong bối cảnh phải căng sức thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, không chủ quan trước các diễn biến lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả