Lạm phát tăng mạnh, lợi nhuận quý II/2022 của Vicostone đi lùi
Thị trường BĐS và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lạm phát, lãi suất, giá vật liệu tăng cao.
Ngày 7/7/2022, Công ty Cổ phần Vicostone (mã chứng khoán: VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý II/2022.
Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.725 tỷ đồng và 439,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,8% và 16,91% so với cùng kỷ năm 2021. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Giải trình kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo công ty cho biết, là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như: lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga - Ukraine, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021…
Cụ thể, lãnh đạo công ty nhận định thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao.
Trong đó, châu Âu chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ xung đột Nga - Ukraine, không chỉ bởi vị trí ngay sát trung tâm xung đột, mà còn vì sự phụ thuộc lớn của châu lục này vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Giá năng lượng và lương thực tăng cao đã góp phần làm lạm phát tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 8,1% vào tháng 5 năm 2022.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6%, cao nhất từ năm 1982, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Lãi suất đi vay cao đã khiến hoạt động xây dựng nhà ở và mua bán nhà sụt giảm, bên cạnh tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao và thiếu hụt nhân công lao động phổ thông.
Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng cho rằng việc thiếu hụt các vật liệu xây dựng, thiết bị nhà bếp, phòng tắm, đồ dùng trong lĩnh vực nội thất, có nguyên nhân từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cước vận chuyển tăng cao cùng với việc thiếu hụt lao động, nhân công… cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xây dựng, bất động sản nói chung và việc tiêu thụ sản phẩm đá nhân tạo nói riêng tại các thị trường chính, làm trì hoãn tiến độ các dự án nhà ở tại Mỹ và Châu Âu dẫn đến tiêu thụ đá chậm.
Đặc biệt, cạnh tranh về giá với các sản phẩm giá rẻ từ đối thủ trong ngành: Các nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nổi lên là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và mới đây là Malaysia.
"Dù phần lớn các yếu tố trên đã được công ty dự tính và đưa vào Danh mục rủi ro năm 2022 khi lập kế hoạch và cũng đã được nêu ra tại Đại hội Cổ đông thường niên 2022 nhưng sự biến động khó lường của thị trường vẫn tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh tại các thị trường trọng điểm ở quý II/2022", báo cáo của Vicostone nêu rõ.
Năm 2022, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.364 tỷ đồng và thu 2.413 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2022, Vicostone thực hiện được khoảng 40% kế hoạch doanh thu và 36,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, cùng với đà giảm chung của thị trường và nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng, cổ phiếu VCS của Vicostone cũng đã ghi nhận xu hướng giảm mạnh trong khoảng 3 tháng gần đây. Từ mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 4, hiện VCS chỉ còn giao dịch quanh vùng 71.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm khoảng 35%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận