Lạm phát tăng cao, Nga vẫn ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Kinh tế Nga đang đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng, trong đó có lạm phát.
Các quan chức ngân hàng trung ương Nga (CBR) đang phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: cân bằng thị trường hàng hóa trong bối cảnh người dân gia tăng tích trữ nhưng nguồn cung lại đối mặt với nhiều cú sốc lớn. Bên cạnh đó, kinh tế Nga cũng được dự báo sẽ thiệt hại nặng trước một loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây.
Lạm phát trong tháng 3 của Nga tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trước đó, ngân hàng trung ương quốc gia này lại bất ngờ hạ lãi suất từ 20% xuống còn 17%, nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Bà Elvira Nabiullina, thống đốc CBR, trong ngày 18/4 chia sẻ rằng các nhà hoạch định chính sách “có thể sẽ giảm lãi suất nhanh hơn nữa”. Cơ quan này không cố gắng kiểm soát lạm phát bằng mọi giá vì điều đó cản trở quá trình các doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh tế mới.
Cuối tháng 2, CBR đã nâng lãi suất lên gấp hơn hai lần, từ 9,5% lên 20%, ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Khi đó, đồng ruble rớt giá kỷ lục trước một loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Dù mức lạm phát trong tháng 3 chạm ngưỡng 7,61%, cao nhất kể từ năm 1999, CBR vẫn ưu tiên mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn chuyển giao này, khi các lệnh trừng phạt, trong đó bao gồm đóng băng gần một nửa nguồn dự trữ ngoại tệ của CBR, bắt đầu có những tác động nhất định.
Bà Nabiullina chia sẻ rằng CBR phấn đấu kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu 4% trong năm 2024. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng tác động từ những lệnh trừng phạt đang bắt đầu lan từ thị trường tài chính sang toàn bộ nền kinh tế.
Bà Elvira Nabiullina cho biết Nga cần cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế thích ứng với các lệnh trừng phạt mới. Ảnh: Getty. |
Trong một báo cáo hồi tuần trước, Goldman Sachs cho biết các xu hướng hiện hữu trong nền kinh tế Nga vẫn đang tiếp diễn, nhưng dữ liệu trong nhiều tuần cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu chững lại.
“Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục đi xuống và chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực dịch vụ giảm nhanh hơn so với lĩnh vực sản xuất, vì các doanh nghiệp phương Tây, ít nhất đã tạm ngừng hoạt động tại Nga, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ”, theo các chuyên gia kinh tế của Goldmans Sachs.
“Lạm phát đang chững lại nhưng vẫn duy trì ở ngưỡng cao với mức tăng vắt tuần dưới 1%, khi người dân gia tăng dự trữ các hàng hóa lâu bền trước nỗi lo nguồn cung bị ảnh hưởng trong tương lai do các lệnh cấm vận. Căn cứ vào dữ liệu tại cảng, hoạt động xuất khẩu tăng lên trong nửa cuối tháng 3.
Dữ liệu lạm phát trong tuần trước sẽ sớm được công bố, nhưng Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov phát biểu trong cuộc họp chính phủ ngày 19/4 rằng ông dự báo đà gia tăng giá tiêu dùng sẽ “chậm lại đáng kể”.
Bên cạnh đà sa sút của nền kinh tế, Nga còn phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài.
Timothy Ash, chuyên gia hoạch định cấp cao các thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, cho biết mức sụt giảm 11% trong năm nay theo dự báo của Ngân hàng Thế giới đồng nghĩa với việc nền kinh tế Nga mất đi 200 tỷ USD. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu.
“Khi nào ông Putin còn tại nhiệm, Nga sẽ vẫn là ‘cái gai trong mắt’ các quốc gia phương Tây”, Ash chia sẻ.
“Quốc gia này sẽ mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong nhiều năm tới, tách biệt khỏi thị trường vốn toàn cầu, thiếu hụt đầu tư, bị đẩy ra ngoài các hoạt động thương mại, kinh doanh quốc tế, lâm vào suy thoái và trì tệ. Mức sống của người dân sẽ giảm xuống, khiến cho tình trạng chảy máu chất xám và vốn càng trở nên trầm trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận