Lạm phát qua đỉnh
Tiền tệ nới lỏng, các gói hỗ trợ liên tục được bơm, giá điện tăng, dấy lên mối lo ngại về lạm phát. Nhưng...
Từ ngày 4/5/2023, mỗi kWh điện sẽ tăng lên mức 1.920,37 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 3%. Việc tăng giá bán lẻ điện có thể làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy… Điều này có thể gián tiếp làm tăng giá các loại hàng hóa nếu doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng. Đặt trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang có xu hướng nới lỏng, các gói kích thích đầu tư công, nhà ở xã hội đang liên tục được bơm để hỗ trợ nền kinh tế, liệu rằng lạm phát có đáng lo ngại trong bối cảnh hiện tại?
Đi qua lạm phát Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Ân, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng, lạm phát không phải là nỗi lo chính trong năm 2023 và Việt Nam vẫn sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4,5% mặc dù giá điện đã tăng 3% kể từ tháng 5. “Chính phủ đã tính toán thời điểm tăng giá điện khá hợp lý khi đỉnh điểm nỗi sợ về lạm phát của thế giới và Việt Nam đã dịu đi đáng kể”, ông Ân chia sẻ.
Tại Việt Nam, giá một số mặt hàng chính có tác động lớn đến lạm phát như thịt heo, xăng dầu vẫn duy trì ở vùng thấp, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ như giá xăng dầu. Về giá thành sản xuất của doanh nghiệp, mặc dù giá điện tăng nhưng hiện nay giá các loại hàng hóa đầu vào đang có mức giảm rất lớn nên giá thành sản xuất của doanh nghiệp sẽ không tăng đáng kể, thậm chí là giảm. Tỉ giá VND/USD cũng đang duy trì ổn định giúp cho Việt Nam giảm áp lực “nhập khẩu” lạm phát từ thế giới.
Năm 2022, lạm phát là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất để nói về thách thức chung đối với nền kinh tế trên toàn cầu. Mức lạm phát cao nhất trong hàng chục năm qua đã tác động tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Dù chịu nhiều ảnh hưởng của thế giới, năm 2022 Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn mục tiêu khoảng 4% mà Quốc hội đặt ra.Xét trên bình diện quốc tế, lạm phát tại nhiều quốc gia đã hạ nhiệt đáng kể và đã “đi qua vùng đỉnh”. Điển hình như tại Mỹ, CPI tháng 4 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn ước tính của giới chuyên gia là 5% và là mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã phát đi tín hiệu về việc có thể sớm dừng tăng lãi suất điều hành sau khi thông báo tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp tại cuộc họp gần nhất, nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi mục tiêu là 5-5,25%. Ngoài ra, trong tuyên bố sau cuộc họp, FED đã không còn đề cập việc “Ủy ban dự đoán rằng một số chính sách bổ sung là cần thiết” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% như trong cuộc họp hồi tháng 3.
Cần thời gian thẩm thấu Bỏ qua nỗi lo về lạm phát thì phần lớn các nền kinh tế trên toàn cầu đều đang đối diện với rủi ro suy thoái. Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt hơn 3,32%, trong khi mục tiêu của Chính phủ trong năm 2023 là 6,5%, điều này cũng đang trở thành thách thức trong những quý còn lại. Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.
Trước bối cảnh kinh tế tăng trưởng kém trong quý I/2023, Chính phủ đã có hàng loạt động thái để kích thích các động lực tăng trưởng khác là tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Về tiêu dùng, Chính phủ đồng ý trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT để kích cầu tiêu dùng. Do đó, tiêu dùng nội địa có thể được cải thiện đáng kể trong 6 tháng cuối năm 2023. Về phía đầu tư tư nhân, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp giảm lãi suất nhằm kích thích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Theo thống kê của TCSC, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay đã giảm 1-2% so với mức đỉnh cuối năm 2022 và xu hướng này sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2023 để kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ của Chính phủ vẫn cần thời gian thẩm thấu nhất định để có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân và nhu cầu mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, không thể có tác dụng ngay lập tức. Do đó, TCSC cho rằng đầu tư công vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023, nhưng áp lực sẽ được san sẻ thêm cho khu vực tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Về phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, cho rằng, bài toán đối với doanh nghiệp hiện nay là thị trường khi cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa đều đang gặp khó. Khó khăn thứ 2 liên quan đến nguồn tài chính, vì phương án kinh doanh của doanh nghiệp mà không khả thi thì rất khó để ngân hàng có thể giải ngân. Cùng với đó là những khó khăn về sự dịch chuyển nhân lực và việc tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận