Lạm phát Nhật Bản lên đỉnh 8 năm
Chi phí năng lượng và thực phẩm đã qua chế biến không ngừng tăng cao, đóng góp phần lớn vào mức tăng CPI tại Nhật Bản trong tháng vừa qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng cao, làm gia tăng áp lực đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trước thềm cuộc họp chính sách quan trọng tuần này.
Theo đó, CPI cơ bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm 2021, theo báo cáo vừa được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố sáng 20/9. Số liệu thực tế cao hơn dự báo của giới chuyên gia với mức tăng 2,7% đồng thời là dữ liệu lạm phát cao nhất kể từ năm 2014.
Chi phí năng lượng và thực phẩm đã qua chế biến không ngừng tăng cao và đóng góp phần lớn vào mức tăng CPI trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, giá điện và phí viễn thông cũng góp phần kéo tăng lạm phát.
Tuy nhiên, BoJ được dự báo sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ trước đó. Thống đống BoJ Haruhiko Kuroda liên tục khẳng định cơ quan này sẽ giữ lãi suất ở ngưỡng siêu thấp cho tới khi nào mức tăng lương của người lao động đủ để làm áp lực lạm phát trở nên cố kết.
Quan điểm của ông Kuroda biến BoJ trở thành một trong số ít các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục theo đuổi chiến lược nới lỏng tiền tệ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này.
“Hiện tượng lạm phát do chi phí đẩy không có lợi đối với người tiêu dùng, nhưng BoJ vẫn sẽ giữ vững quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ với hy vọng lạm phát sẽ thay đổi theo hướng có lợi đối với nền kinh tế”, Yuichi Kodama, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda. “Chính sách của BoJ có thể được giữ vững cho tới khi nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc và đây là cơ hội không thể tốt hơn nhằm hồi sinh lạm phát, điều hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua”.
Một số chuyên gia phân tích đã nâng dự báo lạm phát của Nhật Bản trong bối cảnh đồng yên mất giá mạnh thời gian gần đây. Takeshi Minami, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, dự báo việc đồng yên xuống giá sẽ giữ lạm phát ở ngưỡng cao lâu hơn.
Trong khi BoJ theo đuổi quan điểm nới lỏng, Fed đã liên tục tăng mạnh lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát, và được dự báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tuần này.
Sự khác biệt về chính sách đẩy đồng yên xuống đáy 24 năm so với đồng USD, kéo tăng chi phí nhập khẩu năng lượng và thực phẩm. Hiện 1 USD đổi được 143,2 JPY. Cuộc họp chính sách của BoJ sẽ diễn ra trong hai ngày 21-22/9 tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận