Lạm phát khiến các ngân hàng trung ương thu hẹp tham vọng dự báo
Sau nhiều thập kỷ thực hiện sứ mệnh leo thang, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên thế giới có thể lấy lại uy tín bằng cách quay trở lại những vấn đề cơ bản.
Thường được xem là có vai trò tối quan trọng trong việc chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng các ngân hàng trung ương hiện đang cố gắng hết sức để ngăn chặn lạm phát mất kiểm soát. Điều đó đã làm xói mòn uy tín của các ngân hàng trung ương trong mắt các nhà đầu tư và xã hội nói chung.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã thừa nhận vào tháng 6 rằng: “Với lợi ích của nhận thức muộn màng, rõ ràng là chúng tôi đã đánh giá thấp lạm phát”.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra những quan điểm tương tự, và Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, Philip Lowe cho biết vào tháng 5 rằng, các dự báo của ngân hàng trung ương thật “đáng xấu hổ”. Vào tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Nam Phi, Lesetja Kganyago đã cảnh báo rằng, các ngân hàng trung ương phải mất một thời gian dài để tạo dựng được uy tín trong khi uy tín có thể mất đi đột ngột.
Theo cố vấn kinh tế trưởng của Allianz SE, Mohamed El-Erian, sự độc lập của các ngân hàng trung ương khó có thể biện minh hơn sau thất bại trong “phân tích, dự báo, hành động và truyền thông”. Kết quả của những thất bại này là “chu kỳ lãi suất dồn dập nhất mà chúng ta đã thấy trong một thời gian rất dài, và nó không cần phải như vậy”.
Theo Bloomberg, bước đầu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ là kiểm soát giá cả trở lại mà không tạo ra sự tàn phá kinh tế. Tiếp theo, họ phải thay đổi cách thức hoạt động của các ngân hàng trung ương. Đối với một số chuyên gia, điều đó đồng nghĩa với ba yếu tố bao gồm giảm bớt nhiệm vụ, đơn giản hóa thông điệp và duy trì tính linh hoạt.
Trở lại vấn đề cơ bản
Sai lầm lớn của Fed đối với lạm phát đã khiến Chủ tịch Jerome Powell bắt đầu viện dẫn những bài học của cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker - người đã chế ngự lạm phát một cách nổi tiếng thông qua công cụ lãi suất vào những năm 1980.
Thoát khỏi cuộc suy thoái do Covid gây ra, các ngân hàng trung ương đã có những phản ứng phối hợp vào tháng 3/2020 và đặt mức lãi suất thấp giúp các chính phủ tài trợ cho khoản chi lớn cần thiết để hỗ trợ hàng triệu người thất nghiệp.
Khi lạm phát vẫn còn trong tầm kiểm soát, các ngân hàng trung ương nhận trách nhiệm giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng, bao gồm cả việc đặt ra mục tiêu mới về việc làm “trên diện rộng và toàn diện”. Trong khi đó, giá cổ phiếu, trái phiếu và tiền điện tử đang tăng cao hơn. Sau đó, giá tiêu dùng cũng vậy, và các ngân hàng trung ương không thấy điều đó xảy ra.
Carl Walsh, nhà kinh tế học Đại học California cho biết, khuôn khổ chính sách mới của Fed đã ngăn cản cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với lạm phát. Ông trích dẫn phát biểu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) về các mục tiêu như việc làm toàn diện có thể thay đổi theo thời gian và khó định lượng.
Đơn giản hoá thông điệp chính sách
Theo đó, nhiệm vụ càng đơn giản thì thông điệp càng đơn giản.
Chính sách tiền tệ hoạt động thông qua việc các ngân hàng trung ương kiểm soát các điểm dọc theo đường cong lợi suất - về cơ bản là lãi suất trong các khoảng thời gian khác nhau. Các ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các tín hiệu về việc liệu lãi suất có thể tăng, giảm hay có xu hướng đi ngang và các nhà giao dịch trên thị trường tài chính sẽ mua và bán một lượng lớn trái phiếu theo đó. Những động thái này lan tỏa khắp thị trường, ảnh hưởng đến số dư tài khoản lương hưu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như quan điểm về biến động giá cả trong tương lai. Đó là điều quyết định liệu các chính sách của ngân hàng trung ương có hiệu quả hay không.
“Chính sách tiền tệ bao gồm 90% là truyền thông và 10% là hành động”, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan, Sethaput Suthiwartnarueput cho biết.
Vào đầu năm 2022, khi Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thay đổi dự báo triển vọng đối với nền kinh tế và lạm phát, đã có một “thất bại khá lớn” trong việc truyền đạt chính sách để giải quyết những thay đổi đó.
Một số ngân hàng trung ương đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo sớm. Vào tháng 10/2021, Ngân hàng Dự trữ New Zealand bắt đầu tăng lãi suất và Ngân hàng Canada áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với lạm phát thông qua tạm dừng chương trình mua trái phiếu. Gần đây hơn, Ngân hàng Canada đã tuyên bố sẽ bắt đầu xuất bản một bản tóm tắt giống như biên bản về các cuộc thảo luận của các quan chức sau mỗi quyết định chính sách để tăng cường tính minh bạch.
“Đối với tôi, những hồi chuông cảnh báo về lạm phát đã bắt đầu vang lên từ rất lâu trước khi ngôn ngữ của ngân hàng trung ương thay đổi. Một trong những lợi thế của tuổi 61 là những năm trưởng thành của tôi là thời kỳ mà lạm phát là điều bình thường, những cú sốc dầu mỏ cũng là điều bình thường. Nhưng trong năm ngoái, tôi cảm thấy như mình đang quay trở lại thời kỳ đó”, Stephen Miller, cựu giám đốc thu nhập cố định tại BlackRock cho biết.
Đối với Jérôme Haegeli, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết, có quá nhiều quan chức đưa ra tuyên bố công khai và đã gây ra sự nhầm lẫn. Ông khuyến nghị Fed nên rút ra bài học từ cách truyền thông “rất tinh gọn” của Thụy Sĩ.
Việc cố gắng giao tiếp với cả hai đối tượng - thị trường tài chính và công chúng nói chung - đôi khi có thể dẫn đến nhầm lẫn.
Duy trì tính linh hoạt
Liều thuốc phổ biến thứ ba dành cho các ngân hàng trung ương là: Bỏ qua dự báo về tương lai. Thông lệ dự báo chính sách trong tương lai lần đầu tiên được áp dụng vào đầu những năm 2000, nhằm mục đích cho công chúng biết hướng đi có thể xảy ra của chính sách tiền tệ. Nhưng vấn đề là quá khó để dự đoán tương lai, và nó có thể kìm hãm các nhà hoạch định chính sách vào một tư duy cụ thể. Và những lời thất hứa có thể gây tổn hại thực sự cho niềm tin của các nhà đầu tư.
James Athey, Giám đốc đầu tư quản lý lãi suất tại Abrdn Plc cảnh báo rằng, những dự báo về tương lai sẽ không kết thúc cho đến khi các ngân hàng trung ương ngừng phát ngôn thường xuyên.
“Số lượng lớn các bài phát biểu của các nhà hoạch định chính sách ngân hàng trung ương trong một tuần nhất định và mong muốn của các diễn giả này là trình bày những kỳ vọng chủ quan của họ đối với nền kinh tế và chính sách tiền tệ, có nghĩa là ngay cả khi thông tin liên lạc chính thức khác xa dự báo cụ thể”, ông cho biết.
Tất nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngay cả khi họ rút lại những lời hoa mỹ và loại bỏ các mục tiêu khó đo lường hơn như thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Họ sẽ tiếp tục đóng vai trò là người bảo vệ sự ổn định tài chính, cung cấp tiền mặt khi thị trường sôi động. Và họ sẽ tìm cách kích thích tăng trưởng kinh tế khi cần thiết trở lại.
Nhưng nếu họ chú ý đến những bài học của năm 2022, thị trường và công chúng có thể mong đợi việc truyền thông chính sách ít hơn, rõ ràng hơn và ít tham vọng hơn. Đó cũng là một kỷ nguyên mới của sự khiêm tốn của ngân hàng trung ương xuất phát từ việc họ không ngăn chặn được cú sốc lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận