'Lạm phát bữa trưa'
Người lao động Mỹ phải đối mặt với tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng khi quay trở lại văn phòng.
Hàng triệu người lao động Mỹ bắt đầu làm việc từ xa khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Hiện tại, họ đang tất bật trở lại văn phòng, nhưng chào đón họ là mức giá cao của hầu hết mọi thứ.
Chi phí thức ăn. Đi lại. Chăm sóc con cái. Giá xăng tăng và lạm phát đã khiến cho quá trình trở lại văn phòng làm việc của nhiều người trở nên đắt đỏ. Và nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động, đặc biệt trong trường hợp đà tăng thu nhập của họ không theo kịp đà tăng giá hàng hóa.
Sweetgreen tăng giá đồ ăn vào đầu năm 2021. Ảnh: Sweetgreen. |
'Lạm phát bữa trưa'
Người lao động phải đối mặt với tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng từ cốc cà phê họ uống mỗi sáng cho tới món salad họ dùng vào buổi trưa.
Starbucks đã tăng giá sản phẩm của mình tại Mỹ trong tháng 10/2021 và đầu năm nay, đồng thời đánh tiếng rằng giá có thể tiếp tục được nâng lên.
“Chúng tôi đã có kế hoạch tăng giá sản phẩm bổ sung cho năm nay”, Kevin Johnson, CEO của Starbucks, chia sẻ. Ông nhấn mạnh tới sức ép chi phí đè nặng lên vai doanh nghiệp của mình.
Chuỗi salad Sweetgreen cũng đã tăng giá các món ăn trên menu thêm 10% kể từ đầu năm 2021, theo chia sẻ của công ty này trong báo cáo lợi nhuận gần đây.
“Lạm phát bữa trưa là hoàn toàn có thật, mọi thứ đang trở nên đắt đỏ hơn”, theo Kelly Yau McClay, tới từ Potomac, bang Maryland. “Trước kia, bạn chỉ phải chi trả 7-12 USD cho mỗi bữa ăn trưa. Bây giờ, bạn khó lòng có thể có được một bữa trưa tử tế với giá chưa tới 15 USD.
Tháng 4/2020, Yau McClay vừa bắt đầu công việc mới tại một công ty bất động sản thì dịch bệnh ập tới. Cô đã làm việc ở nhà toàn thời gian cho tới tháng 10/2021. Hiện tại, cô tới văn phòng 3 ngày/tuần. Ước tính, với mỗi ngày tới cơ quan, cô phải chi từ 30-35 USD, trong đó có tiền ăn trưa, uống cà phê, đồ ăn nhẹ và chi phí đỗ xe.
Nhưng đối với nhiều người, quay trở lại văn phòng lại mang lại cho họ những tín hiệu tích cực nhất định.
Sara Hill, đang kinh doanh bảo hiểm tại Buffalo, New York, cho biết chi phí thực phẩm của gia đình tăng lên khi mọi người đều có mặt ở nhà.
“Tôi ăn nhiều hơn vì tôi có thể xuống bếp bất cứ lúc nào. Chi phí thực phẩm liên tăng lên khi chúng tôi ở nhà hết”, Hill chia sẻ.
Sau thời gian làm việc tại nhà toàn thời gian vì dịch bệnh, cô hiện tại tới văn phòng 2 ngày mỗi tuần.
Trước đại dịch, cô chi khoảng 25-30 USD mỗi ngày cho bữa sáng và bữa trưa tại công ty. Nhưng hiện tại, nhiều cửa hàng bán đồ ăn gần nơi cô làm việc đã đóng cửa, vì thế cô thường mang thức ăn từ nhà.
“Tôi mang mọi thứ có thể, từ đồ ăn thừa ngày hôm trước cho tới một ly mỳ”
Chi phí đi lại
Quay trở lại văn phòng làm việc cũng đồng nghĩa với việc chi phí đi lại sẽ tăng lên.
Giá xăng tại Mỹ gần đây liên tục lập đỉnh. Theo Hiệp hội ôtô Mỹ, giá xăng trung bình toàn quốc hiện ở ngưỡng 4,6 USD/gallon. Trong tháng 2/2020, con số này chỉ là 2,44 USD/gallon.
Tại Orlando, bang Florida, Mike Tobin mua một chiếc xe minivan vào tháng 8/2020. Tại thời điểm đó, anh chỉ tốn 40 USD để có thể đổ đầy bình xăng chiếc xe này. Hiện tại, anh phải mất tới 75 USD.
“Quãng đường tới văn phòng của tôi là xa nhất. Thông thường tôi chỉ di chuyển xung quanh nơi mình sinh sống”, Tobin, hiện làm việc trong một công ty phân phối diện máy, chia sẻ.
Giá nhiên liệu tại Mỹ liên tục lập đỉnh. Ảnh: Getty. |
Đối với Hill, giá xăng tăng cao khiến cô phải thay đổi lịch trình di chuyển của mình và cố đổ đầy bình xăng mỗi lần một tuần. Sử dụng loại xăng chất lượng cao, mỗi lần đổ đầy bình, cô mất từ 110-120 USD.
“Thật điên rồ”, cô nói. Cô cố gắng không rời khỏi nhà vào những ngày không phải tới văn phòng.
Với mỗi ngày đi làm, Yau McClay phải trả 1,5 USD/giờ tiền đỗ xe, tương đương với 12 USD/ngày. Giá bãi đỗ đã tăng 1,5 lần hồi đầu năm nay.
Người đi làm phải quan tâm hơn tới diện mạo của mình. Tại Mỹ, giá quần áo đã tăng 5,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.
“Với việc quay trở lại văn phòng, tôi cũng phải mua một bộ trang điểm mới”, Yau chia sẻ.
“Bạn từng phải chi tiền để cắt tóc, trang điểm, nhưng chúng ta hầu như không cần tới chúng trong suốt 2 năm qua. Đúng, tôi đã chi tiền cho những thứ đó, nhưng tôi cũng đã quen với việc sống không có chúng. Giờ thì mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều”.
Chăm sóc trẻ nhỏ
Chi phí chăm sóc trẻ nhỏ chiếm phần lớn chi tiêu của các cặp cha mẹ, và nó cũng đang dần trở thành gánh nặng.
Trong năm 2020, chi phí chăm sóc một trẻ em trung bình toàn quốc là 10.174 USD, theo Child Care Aware of America.
Tháng 9/2020, Yau McClay gửi cô con gái 3 tuổi của mình tới một trung tâm trông giữ trẻ em toàn thời gian với chi phí 2.150 USD/tháng. “Chi phí sẽ giảm đi khi tuổi của con bé càng cao, nhưng một loạt các chi phí khác lại tăng lên”, Yau nói.
“Mỗi khi con tôi lên lớp (nhóm tuổi cao hơn), họ lại thông báo rằng “Xin lỗi, chúng tôi phải tăng học phí. So với lúc tôi bắt đầu gửi con gái vào đây, chi phí thậm chí không giảm mà còn tăng thêm 200 USD mỗi tháng”, cô nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận