24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát 2022 chịu sức ép lớn

Tăng giá của một số loại nguyên vật liệu trong thời gian gần đây là điều đáng lưu ý với diễn biến lạm phát

 Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm nay có thể tăng cao hơn các tháng trước, song mức tăng bình quân cả năm vẫn không vượt 4%. Việc kiềm chế lạm phát năm 2022 sẽ chịu sức ép lớn từ đà tăng giá trên thị trường thế giới, nhu cầu hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu tăng do các nền kinh tế dần hồi phục.

Từ đầu năm đến nay, lạm phát ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu tiếp tục xu hướng tăng sẽ tác động như thế nào đến giá cả các loại hàng hóa, thưa ông?

Lạm phát 2022 chịu sức ép lớn
TS. Nguyễn Bích Lâm

9 tháng đầu năm nay, CPI tăng thấp, chỉ đạt mức tăng bình quân 1,82% có nguyên nhân từ xu hướng giảm giá của một số loại hàng hóa và dịch vụ do nhu cầu giảm. Bên cạnh đó là việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 và các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường.

Tuy nhiên, sự tăng giá của một số loại nguyên vật liệu trong thời gian gần đây là điều đáng lưu ý với diễn biến lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay và cả năm sau. Bởi vì, với mức độ mở lớn của nền kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu. Theo tính toán, toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc 37% nguyên liệu nhập từ bên ngoài, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc 59%. Vì thế, khi giá cả nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên, làm tăng giá thành sản phẩm.

Không chỉ giá cả nguyên vật liệu, giá xăng dầu và chính sách tiền tệ nới lỏng được coi là những yếu tố có thể góp phần đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Xin cho biết quan điểm của ông về điều này?

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, một số ý kiến dự báo giá dầu thô thế giới có thể còn tăng trong mùa đông năm nay, có thể lên mức 100 USD/thùng vào mùa hè sang năm. Xăng dầu ảnh hưởng đáng kể đối với sản xuất và tiêu dùng của nước ta nên giá dầu thô tăng làm cho chi phí nhiên liệu tăng, từ đó, đẩy chi phí vận chuyển, chi phí tiêu dùng hàng hóa, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới.

Về chính sách tiền tệ, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với các nước thì mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của chúng ta là không đáng kể. Tôi cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới chịu ảnh hưởng không lớn từ chính sách tiền tệ, thay vào đó, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu mới là yếu tố chủ yếu. Bên cạnh đó, sau tình trạng đứt gãy lưu thông gây khó cho vận chuyển hàng hóa trong thời gian qua có thể gián tiếp làm giảm nguồn cung hàng hóa và gây tăng giá trong thời gian tới. Chẳng hạn, với mặt hàng thịt lợn và thủy sản, do đứt gãy nguồn cung nên giá thức ăn chăn nuôi tăng rất cao trong thời gian qua, nhiều người chăn nuôi lợn và nuôi trồng thủy sản chịu chi phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ chậm do khó khăn vận chuyển hàng hoặc phải bán giá thấp nhưng lại không thể dừng sản xuất được. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều người có thể hoãn kế hoạch sản xuất dẫn đến rủi ro thiếu hụt nguồn cung gây tăng giá hàng hóa.

Theo ông, Việt Nam nên chuẩn bị và ứng phó như thế nào trong thời gian tới theo đà tăng của giá cả hàng hóa?

Với xu hướng biến động như vậy, CPI các tháng cuối năm có thể tăng cao hơn những tháng trước, nhưng bình quân chung cả năm sẽ chỉ tăng 2,7% - 3% do mức tăng bình quân 9 tháng chỉ là 1,82%.

Tuy nhiên, xu hướng lạm phát có thể sẽ rất khác từ năm sau. Theo đó, việc kiềm chế lạm phát chịu sức ép lớn trước đà tăng của giá cả hàng hóa nhập khẩu, tổng cầu hàng hóa trên thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu tăng do nền kinh tế trong nước và thế giới dần hồi phục.

Mặt khác, nhiều nước vẫn đang thực hiện chính sách nới lỏng cung tiền, cung cấp các gói hỗ trợ tài khóa rất lớn và chấp nhận lạm phát vượt ngưỡng mục tiêu để đẩy nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Đây cũng là bài toán của Việt Nam. Đáng chú ý, 2022 là năm thứ hai nước ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh năm đầu tiên của kỳ kế hoạch này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc của đại dịch. Do đó, chúng ta cần tính toán CPI mục tiêu dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ sao cho phù hợp với bối cảnh mới của nội tại nền kinh tế trong tương quan với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả