Làm gì khi thị trường đảo chiều với thanh khoản vượt 1 tỷ USD?
Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, tuần qua, VN-Index đảo chiều giảm điểm 0,88%, về sát vùng 1.260 điểm. Thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tuần vượt 27.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với mức bình quân mỗi phiên 20.000 tỷ đồng của tuần trước đó.
Tuần mới, liệu VN-Index có tiết chế được đà giảm điểm? Nhà đầu tư cần đưa ra chiến lược đầu tư ra sao trong giai đoạn hiện nay cũng như nhóm ngành nào có thể cân nhắc cho danh mục? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến một số chuyên gia dưới đây:
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI):
Ông Đỗ Bảo Ngọc. Ảnh: NVCC
Có thể kiểm nghiệm lại vùng 1.230 - 1.250 điểm
Tuần qua, VN-Index điều chỉnh giảm sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp. Xu hướng giảm xuất hiện khi áp lực bán chốt lời gia tăng từ khối ngoại, tự doanh, nhà đầu tư nội.
Áp lực bán xuất phát từ vài yếu tố. Diễn biến vĩ mô trong tuần qua có nhiều yếu tố bất lợi như tỷ giá tăng, giá vàng tăng theo tuần, lãi suất OMO tăng lên, lãi suất tín phiếu cũng tăng… Thị trường trong nước đồng pha với thế giới khi thị trường chứng khoán Mỹ có những phiên giảm mạnh.
Tôi cho rằng, trong ngắn hạn tâm lý thận trọng vẫn còn, áp lực cung vẫn duy trì. Tuy nhiên, ở phiên cuối tuần, VN-Index sau khi chỉnh về 1.250 điểm có sức cầu bắt đáy, theo đó giúp chỉ số đóng cửa tuần quanh vùng 1.260 điểm.
Thị trường có thể kiểm nghiệm lại vùng 1.230 - 1.250 điểm. Thị trường đã đi lên trong hơn 1 tháng, nhiều cổ phiếu đã tăng 15 - 20%, nên việc điều chỉnh 5 - 10% cũng là bình thường.
Có thể thấy, những vấn đề khiến thị trường điều chỉnh còn phức tạp, như lãi suất OMO, lãi suất tín phiếu vẫn có khả năng tăng. Hiện lãi suất tái chiết khấu là 4,5%, lãi suất OMO 4,5%, lãi suất tín phiếu 4,1%. Các mức này đều thấp hơn mức lãi suất đồng USD đang quanh 5 - 5,25%.
Như vậy, để ổn định vĩ mô, tỷ giá thì lãi suất VND có thể phải tiệm cận lãi suất USD. Do đó, xu hướng nâng lãi suất ngắn hạn trong nền kinh tế vẫn có. Đây là yếu tố khiến giới đầu tư thận trọng.
Tuần qua, diễn biến thị trường có nhiều tín hiệu cho nhà đầu tư bắt đầu giảm cổ phiếu. Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức 30 - 50%, khi thị trường cân bằng có thể gia tăng cổ phiếu trở lại. Với ai ưa thích đầu cơ lướt sóng có thể thoát khỏi thị trường, chờ đợi định giá ở vùng tốt hơn để giải ngân.
Sau thời gian tăng, những cổ phiếu công nghệ, hóa chất, xuất khẩu có thể điều chỉnh, đây là điều bình thường. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể chờ đợi thị trường chỉnh về mức giá tốt, quanh vùng hỗ trợ mạnh 1.230 điểm để tăng tỷ trọng trở lại.
Việc mua mới cổ phiếu nên tránh cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi yếu tố lãi suất tăng, thay vào đó cần hướng đến cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt như bán lẻ, hàng tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân - Maybank Investment Bank (MSVN):
Ông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: NVCC
Áp lực chỉnh vẫn còn nhưng thị trường sẽ không giảm điểm quá sâu
Thị trường đã tăng liên tục từ vùng đáy mà không có nhịp chỉnh nào. Khi tiến lên vùng kháng cực mạnh 1.300 điểm, áp lực chốt lời gia tăng khiến VN-Index đảo chiều.
Tuần rồi có nhiều thông tin có hướng bất lợi trong ngắn hạn. Với thế giới, đó là câu chuyện giảm lãi suất của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều ở nửa cuối tuần, từ đó ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam.
Trong nước, điều hành tỷ giá, lãi suất tạo chút thận trọng cho nhà đầu tư. Họ nhận thấy mặt bằng lãi suất có thể chỉnh tăng lên để cân đối câu chuyện tỷ giá. Áp lực bán ròng của khối ngoại gia tăng, đặc biệt ở phiên cuối tuần. Cộng với nhu cầu chốt lời trong nước, dẫn tới lượng hàng cung ứng ra ngoài tăng mạnh.
Tuần mới, tôi cho rằng thị trường có thể vẫn gặp áp lực điều chỉnh. Tuy nhiên, ngay ở phiên cuối tuần qua, VN-Index có thời điểm giảm sâu, sau đó bật lên tương đối. Mức đáy trong phiên thứ 6 tiệm cận vùng 1.240 điểm, đây là nền xây tương đối chắc trong giai đoạn trước.
Về kỹ thuật, khu vực nâng đỡ thị trường ở mức 1.240 - 1.250 điểm. Dù áp lực chỉnh vẫn còn nhưng thị trường sẽ không giảm điểm quá sâu. Trong kịch bản xấu hơn, nếu áp lực bán khó tiết chế thì vùng hỗ trợ tiếp theo là 1.215 điểm.
Tôi cho rằng, xu hướng lớn vẫn là tích cực. Đây không phải lúc quá thận trọng để giữ tỷ lệ tiền mặt quá cao. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cân bằng giữ tiền mặt và cổ phiếu. Việc mở vị thế mua mới cần kiên nhẫn chờ đợi xác nhận vùng nền ở 1.240 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực giảm, nhà đầu tư nên tìm đến những nhóm cổ phiếu có câu chuyện triển vọng trung hạn tốt, tính chất cơ bản vững. Có thể kể đến nhóm cổ phiếu bán lẻ với dự báo phục hồi từ nay tới cuối năm.
Nhóm khác là dầu khí. Đặc tính của nhóm này, khi thị trường đi lên nhóm này không lên mạnh, nhưng đây là nhóm có định giá hợp lý, triển vọng kinh doanh một năm tới sáng sủa, nhịp điều chỉnh là cơ hội mua vào với nhóm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận