24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?

Dự thảo hiện chưa có quy định thật cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.

Để kiểm soát hiệu quả việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử, nhiều ý kiến đề nghị, cần làm rõ một số quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Thực tế, trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc mua sắm qua internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân, trong đó có hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Do vậy, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này bổ sung quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử.

Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?

Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) bổ sung quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng, website thương mại điện tử bán hàng.

Bên cạnh đó, các cơ sở này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Đáng chú ý, Dự thảo cũng nêu rõ “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác”.

Thẩm tra dự án Luật (sửa đổi) này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Dù vậy, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Dự thảo cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng ẫn sử ddụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử), trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống.

Trên thực tế, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hiện các hoạt động này đang thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu đến bán buôn, bán lẻ, thì trong hoạt động bán lẻ là có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc, cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?

Nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định rõ hơn một số nội dung tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Dương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ nội dung này để người dân mua được thuốc dễ dàng nhưng phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sỹ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc.

"Về nguyên tắc, các công ty bán buôn không được phép bán lẻ đến người dân. Vấn đề này cần có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn, nhất là khi liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc. Trong khi đó, hiện nay, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn trong việc xử lý bán hàng giả trên mạng. Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, do vậy cơ sở tham gia thương mại điện tử phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn", đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do đó, việc cho phép bán thuốc qua nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ.

“Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo an toàn sức khỏe, phải có đơn của bác sĩ đối với thuốc kê đơn, người mua được tư vấn và theo dõi các phản ứng có hại của thuốc… Thế nhưng Dự thảo hiện chưa có quy định thật cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc…”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chia sẻ.

Do đó, đại biểu này đề nghị, Dự thảo cần xem xét để quy định cụ thể, chặt chẽ về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả đối với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả