24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lãi suất, tỷ giá và tín dụng sẽ tiếp tục ổn định

Gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi cũng như phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất ở mức 9%, thậm chí trên 10% năm. Lý do nào các ngân hàng lại tăng lãi suất như vậy. Ở góc độ cơ quan quản lý nhận định ra sao về động thái trên và

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN để phần nào hiểu rõ hơn những động thái trên của thị trường.

Ông đánh giá ra sao về động thái tăng lãi suất của các ngân hàng thời gian qua?

Theo tôi, động thái tăng lãi suất huy động chỉ là cục bộ, từ phía các ngân hàng quy mô nhỏ nhiều hơn với mục đích để giữ thị phần, khách hàng. Hơn nữa các nhà băng này cũng chỉ tăng ở một vài kỳ hạn, chủ yếu là kỳ hạn dài; thậm chí có một số ngân hàng chỉ tăng lãi suất ở kỳ hạn rất dài. Chưa kể, để được hưởng lãi suất trên lại còn kèm với một số điều kiện khoản tiền gửi có giá trị lớn từ chục tỷ đến hàng trăm tỷ mà không phải ai cũng có điều kiện để gửi.

Mặt khác, để đánh giá việc tăng lãi suất của các ngân hàng có khiến mặt bằng lãi suất huy động cao hay không cần phải xem xét một cách toàn diện. Về hình thức, cùng là hiện tượng tăng, nhưng có ngân hàng trước đây để mức lãi suất thấp nên giờ họ tăng lãi suất lên cho ngang bằng với thị trường; hoặc có ngân hàng trước giảm giờ tăng trở lại theo xu hướng để giữ thị phần…

Vì vậy cần phải xem xét ở cả hai góc độ: so với thị trường và so với chính các ngân hàng thì mới có thể đánh giá chính xác được mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng có đang ở mức cao hay không.

Đối với việc các ngân hàng tăng cường phát hành chứng chỉ, theo tôi, mục đích chính để cơ cấu lại nguồn vốn hoặc tăng tỷ lệ an toàn vốn. Còn xét về mặt toàn hệ thống thì không có vấn đề gì về thanh khoản. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp và tín phiếu vẫn còn, tức là NHNN vẫn đang cất hộ tiền của thị trường. Số vốn khả dụng tức là số dư của các ngân hàng so với dự trữ bắt buộc dư khá nhiều. Tất cả điều này cho thấy thanh khoản của thị trường vẫn tốt.

Có phải chính vì lãi suất liên ngân hàng giảm xuống thấp mà NHNN quyết định giảm lãi suất tín phiếu từ 3% xuống còn 2,75%/năm không, thưa ông?

Đúng vậy, thanh khoản thị trường tốt, lãi suất liên ngân hàng cũng giảm nên NHNN có điều chỉnh lãi suất tín phiếu theo xu hướng thị trường. Vì lãi suất tín phiếu ở mức 3%/năm là lãi suất chặn của NHNN. Từ cuối tháng 7, thanh khoản thị trường tốt, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm xuống dưới 3%/năm. Dù chưa giảm quá sâu nhưng NHNN tạm thời giảm thêm 0,25%/năm chặn lãi suất tín phiếu ở mức 2,75%/năm qua đó phát đi tín hiệu không muốn lãi suất xuống tiếp nữa.

Vậy theo đánh giá của ông, mặt bằng lãi suất những tháng cuối năm sẽ thế nào?

Tôi nghĩ rằng, lãi suất sẽ ổn định. Các yếu tố tác động đến lãi suất đang diễn ra tích cực: tín dụng tăng không quá nhiều, thanh khoản ngân hàng tốt. Điểm tích cực nữa là, xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHTW các nước không còn thắt chặt như trước kia nữa giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. Còn lãi suất cho vay cũng sẽ duy trì ổn định từ nay đến cuối năm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất, tỷ giá và tín dụng sẽ tiếp tục ổn định

​​Lãi suất cho vay cũng sẽ duy trì ổn định từ nay đến cuối năm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế

Hiện nhiều NHTW trên thế giới đang phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất chủ chốt. Vậy, NHNN có theo xu hướng trên không, thưa ông?

Không. Hiện tại, NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Năm ngoái, khi một loạt NHTW các nước trên thế giới tăng lãi suất thì NHNN vẫn giữ ổn định không tăng. Theo thống kê của chúng tôi, năm 2018, có tới 87 lượt tăng lãi suất từ NHTM các nước trên toàn cầu. Nên khi họ giảm trở lại mặt bằng cũ thì chúng ta phải bình tĩnh xem xét đánh giá có cần phải điều chỉnh không.

Vì hiện tại tất cả cân đối vĩ mô của Việt Nam đều ổn. Tín dụng tăng theo đúng mục tiêu, tỷ giá gần như không tăng. Lạm phát bình quân 7 tháng đạt 2,61%, lạm phát cơ bản duy trì ở mức thấp 1,89%. Cầu thế giới giảm nên giá cả hàng hoá giảm theo. Do vậy, giá các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm đi, cộng với tỷ giá ổn định nên việc nhập siêu gần như loại trừ. Theo tôi, chắc chắn lạm phát năm nay sẽ ổn, mọi cân đối đều tốt.

Ông có thể nói rõ hơn tỷ giá thực đến thời điểm này vì sao không tăng?

Nói thế không có nghĩa là từ đầu năm đến nay tỷ giá thực không biến động. Mà vào thời điểm cuối tháng 5 - thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tỷ giá cũng tăng khá nhanh. Có thời điểm tỷ giá tăng khoảng 450 đồng tương đương khoảng 0,9% so với cuối năm trước. Nhưng sau tình hình ổn định dần, tỷ giá liên tục giảm. Đến giờ tỷ giá trở về như mức đầu năm.

Tuy nhiên, theo tôi, giá USD mua vào – bán ra cao hay thấp không quan trọng bằng thanh khoản thị trường có tốt hay không. Thị trường thanh khoản tốt phải có giao dịch, có mua và có bán. Điểm rất lạ đối với tỷ giá trong những tháng đầu năm 2019, khi tỷ giá tăng cao mua - bán lại cân bằng tức là ai có nhu cầu bán thì vẫn bán, ai cần mua thì vẫn mua.

Thậm chí, có lúc NHNN còn mua ròng từ thị trường. Điều này khác biệt so với trước đây, khi tỷ giá lên là họ co lại không bán nữa, khiến cung cho thị trường đã thiếu lại càng thiếu. Quan sát diễn biến thị trường hiện tại chứng tỏ tâm lý khách hàng đang rất ổn.

Theo thông tin cập nhật, ngoài các ngân hàng áp dụng sớm chuẩn Basel II, thì cũng có nhiều nhà băng khác được tăng room tín dụng. Việc điều chỉnh room tín dụng có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 không, thưa ông?

Tất nhiên, trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh thì NHNN phải xem xét nhiều yếu tố như số liệu của hệ thống về tăng trưởng tín dụng nhất là số tổng có đang nằm trong mục tiêu của NHNN hay không. Nhóm ngân hàng đó tăng trưởng có vấn đề gì không, thanh khoản, chất lượng hoạt động ngân hàng ra sao.

Qua theo dõi, tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối ổn. Tính đến 19/8 tín dụng tăng khoảng 7,6% so với cuối năm trước, nhưng so với cùng kỳ là trên 13%. Vì sao, tôi phải đề cập tới cả 2 con số tăng trưởng tín dụng trên. Bởi tín dụng tăng trưởng so với đầu năm chỉ đánh giá về thời điểm. Còn con số tăng trưởng bình quân theo dõi 12 tháng liên tục có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta biết được tốc độ tăng trưởng tín dụng có vấn đề gì không.

Chẳng hạn, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ (bình quân 12 tháng) đang ở mức 13% và nó đang nằm trong khung mục tiêu của NHNN là 13-14%. Qua đó, cho thấy tăng trưởng tín dụng bình quân đang tương đối sát so với cùng thời điểm và chứng tỏ tăng trưởng tín dụng đều và thực chất hơn. Vì nó cũng giúp các ngân hàng thu lãi đều đặn từ dư nợ đưa ra. Với diễn biến ổn định ngay từ những tháng đầu năm, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng không có gì đột biến, bất ngờ và vẫn trong khung mục tiêu 13-14%.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả