Lãi suất tiếp tục nóng, bổ sung thêm quy định ngăn sở hữu chéo
Lãi suất tiếp tục nóng lên sau khi NHNN tiếp tục tăng trần lãi suất lên 1% đầu tuần này, NHNN dự định bổ sung thêm các quy định ngăn sở hữu chéo… là tâm điểm ngân hàng tuần này.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay liên tục tăng, anhiều chuyên gia cho rằng, đây là lúc ngành ngân hàng nên có sự chia sẻ với doanh nghiệp, nếu không vòng xoáy nợ xấu, khủng hoảng sẽ lặp lại.
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tăng một loạt lãi suất điều hành, trong đó trần lãi suất huy động và cho vay đều tăng thêm 1%. Động thái này đã được dự báo trước, khi tỷ giá liên tục tăng nóng trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất là không thể tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá bị sức ép nặng nề. Nâng lãi suất có nghĩa là tăng sức mạnh đồng tiền, chống tỷ giá rơi sâu thêm nữa. Tỷ giá là phòng tuyến quan trọng giúp ngăn ngừa nhập khẩu lạm phát. Một khi tiền đồng mất giá sâu, lạm phát nhập khẩu sẽ tăng mạnh.
Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tăng lãi suất điều hành liên tiếp cho thấy phản ứng nhanh nhạy của NHNN trước diễn biến của thị trường ngoại hối. “Về nguyên tắc, lãi suất VND phải hấp dẫn hơn nhiều so với USD thì mới giảm được sự mất giá tiền đồng. Việc NHNN nâng lãi suất điều hành là để bảo vệ đồng nội tệ, tránh VND mất giá sâu hơn nữa so với USD”, TS. Thành lý giải.
Mặc dù là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song việc tăng lãi suất khiến doanh nghiệp bất an. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội) cho hay, từ đầu năm đến nay, phía ngân hàng đã 2 lần thông báo tăng lãi suất cho vay. Với tình hình khó khăn về cả đơn hàng lẫn chi phí tăng hiện nay, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn “ngủ đông” thay vì sản xuất - kinh doanh.
Theo khảo sát của Báo Đầu tư, nửa đầu tháng 9/2022, lãi suất cho vay bình quân với doanh nghiệp chỉ khoảng 9-10%/năm, hiện đã nâng lên 11-12%/năm. Với cho vay cá nhân, lãi suất phổ biến đang là 13-14%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là “lãi suất bề nổi”, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh, để được giải ngân, họ phải chi thêm 2-3% “lãi ngoài”.
Doanh nghiệp cần sự chia sẻ của ngân hàng
Trước những tác động tiêu cực của tỷ giá và lãi suất tới doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần cảnh giác với nợ xấu, đồng thời nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn chứng, giai đoạn 2008 - 2009, toàn nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó. Vì vậy, giai đoạn hiện nay, các ngân hàng nên chia sẻ một phần lợi nhuận để giữ mặt bằng lãi suất cho vay không bị tăng quá nhiều.
Hiện khối ngân hàng TMCP quốc doanh vẫn cố ghìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay không tăng quá lớn. Bà Phùng Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đang cố gắng giữ lãi suất huy động thấp hơn thị trường mà vẫn đảm bảo cạnh tranh được với các ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay.
“Vietcombank đã triển khai một loạt giải pháp nhằm bình ổn lãi suất cho vay cho khách hàng. Để hỗ trợ khách hàng, sắp tới, ngân hàng triển khai gói ưu đãi lãi suất, trong đó giảm trực tiếp lãi suất cho cả các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới”, bà Yến khẳng định.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 mà một loạt ngân hàng vừa công bố, chênh lệch lãi suất huy động/cho vay (NIM) của các ngân hàng vẫn khá cao, xoay quanh 4%. Nói cách khác, dư địa để các ngân hàng ghìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn. Nếu lãi suất cho vay tăng mạnh đồng nghĩa nợ xấu tăng nhanh, thì việc xử lý khi đó có nguy cơ nằm ngoài vòng kiểm soát của các ngân hàng.
Tất nhiên, bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa, khi dư địa chính sách tiền tệ hầu như không còn. Giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế... vẫn còn triển khai khá chậm.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải là lãi suất, mà là chuyện đứt gãy dòng tiền, khi các kênh huy động vốn chủ chốt như ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu đều gặp khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, thì nguy cơ vỡ nợ lan truyền sẽ xảy ra. Vì vậy, để dòng tiền thông suốt trở lại, doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ sẽ có các thông điệp mạnh mẽ hơn giúp thị trường phục hồi, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để doanh nghiệp phát hành có thể giảm bớt áp lực trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, NHNN có thể nới nhẹ room tín dụng thêm 1-2%. Việc “truyền máu” này tuy không nhiều, song có thể làm thị trường ấm nóng trở lại
Thống đốc: Hy sinh lãi suất vì thanh khoản, tỷ giá; đã bán 10 tỷ USD cho doanh nghiệp xăng dầu
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về Kinh tế xã hội chiều 28/10, Thống đốc NHNN giải thích thêm về điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng thời gian qua.
Trước các vấn đề Đại biểu đặt ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là vấn đề được toàn cầu quan tâm, các ngân hàng trung ương đều phải đau đầu ứng phó. Năm 2022, kinh tế thế giới biến động rất lớn. Nếu như cuối năm 2022, nhiều quốc gia đánh giá lạm phát chỉ là yếu tố tạm thời nhưng hiện nay, lạm phát đã trở thành xu hướng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các nước đều tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.
Đồng USD mạnh lên khiến nội tệ nhiều quốc gia mất giá mạnh từ 10-30%, dự trữ ngoại hối của các nước cũng suy giảm mạnh đến hơn 1.000 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương các nước đều gặp nhiều khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cùng với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, chính sách tiền tệ trong nước lại gặp thêm nhiều áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay cả trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, NHNN vẫn được giao nhiệm vụ cố gắng giảm 0,5-1% lãi suất trong năm 2022-2023.
Thống đốc khẳng định, 9 tháng đầu năm, chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt, công cụ với liều lượng và vào thời điểm hợp lý, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng 2,73%, lạm phát cả năm 2022 nhiều khả năng dưới 4%, thấp hơn nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng tăng trên 11% và tăng 16-17% so với cùng kỳ là ở mức rất cao, là yếu tố góp phần giúp cho tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến 8%. Đồng thời, tỷ giá, lãi suất 9 tháng đầu năm cũng cơ bản ổn định, thanh khoản được điều tiết tốt.
Mặc dù vậy, Thống đốc cũng thừa nhận, bắt đầu từ tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước biến động mạnh, chủ yếu do tâm lý kỳ vọng, các thông tin không đúng sự thật xuất hiện đã tác động mạnh tới hoạt động của tổ chức tín dụng cũng như diễn biến thị trường ngoại tệ.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với NHNN để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng. Về ngoại hối, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.
“NHNN xác định trọng tâm của chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn và tăng lãi suất. Thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đưa ra thông điệp rõ ràng về việc xử lý nghiêm với thông tin sai sự thật về kinh tế, tiền tệ”, Thống đốc khẳng định.
Từ thực tế điều hành, người đứng đầu NHNN khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở sâu, tác động của thị trường tài chính thế giới tới trong nước là tất yếu nên luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó.
“Quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của giai đoạn đó là gì nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Còn trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Ví dụ để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, sau khi ổn định chúng ta sẽ tăng tốc sau”, Thống đốc cho biết.
Với tín dụng, Thống đốc khẳng định sự đúng đắn của việc không nới room tín dụng vừa qua. Bởi nếu NHNN nới room tín dụng thì thanh khoản toàn hệ thống trong sự kiện tháng 10 qua (sự kiện SCB – PV) sẽ rất căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng.
Liên quan tới khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc đề nghị Bộ Công thương có đánh giá cụ thể, chi tiết, phân tích nguyên nhân để đưa ra giải pháp phù hợp. Thống đốc cho rằng, nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu không phải do thiếu tín dụng, ngoại tệ.
Theo tổng hợp nhanh của NHNN, tổng hạn mức tín dụng mà các ngân hàng thươngn mại cấp cho doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện nay mới sử dụng hết 58.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đảm bảo cung ứng ngoại tệ đầy đủ cho doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu (Nghi Sơn, Bình Sơn…
Tiền đồng đang có lợi thế, song chúng ta buộc phải linh hoạt hơn
Lãi suất, tỷ giá liên tục nóng lên là một trong những mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trao đổi xung quanh vấn đề này.
Mỗi quốc gia đều lựa chọn một cơ chế điều hành tỷ giá khác nhau, có nước chọn cơ chế tỷ giá cố định, có nước chọn cơ chế thả nổi hoàn toàn, có nước lại áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết. Việt Nam đang áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết thông qua 2 thông số: tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch. NHNN làm chủ tỷ giá trung tâm, tính toán sao cho tỷ giá đó phục vụ nhiều mục tiêu của nền kinh tế. Còn biên độ giao dịch do NHNN đặt ra, tỷ giá giao dịch biến động trong biên độ này, tùy cung - cầu thị trường.
Mới đây, NHNN đã nâng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%. Việc thu hẹp, mở rộng biên độ tỷ giá, hay nâng tỷ giá trung tâm là câu chuyên mang tính nghiệp vụ và kỹ thuật của NHNN trong điều hành tỷ giá. Trong quá khứ, vào giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, NHNN đã nhiều lần tăng biên độ giao dịch từ +-1% lên +/-3%, rồi lên +/-5%. Sau khi khủng hoảng đi vào giai đoạn cuối, NHNN lại điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá xuống.
Đến năm 2015, khi đồng tiền nhiều quốc gia trên thế giới mất giá, NHNN lại tăng biên độ từ +/-1% lên +/-3% và mới đây nâng lên +/-5%. Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, tỷ giá thị trường có tăng lên, NHNN sẽ theo dõi sát thị trường và quyết định tỷ giá trung tâm bao nhiêu là hợp lý.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này, theo ông, sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Lựa chọn biên độ tỷ giá lớn hơn có nghĩa là chúng ta chấp nhận thị trường sẽ có sự biến hóa, linh hoạt hơn giữa cung và cầu. Tuy vậy, với tư cách là ngân hàng trung ương, là người mua bán cuối cùng trên thị trường, NHNN sẽ có sự can thiệp để tỷ giá đạt trạng thái tối ưu.
Tối ưu có nghĩa là các cân đối của nền kinh tế được thỏa mãn. Cụ thể là bảo đảm tác động vào chi phí nhập khẩu không quá lớn dẫn tới tác động vào lạm phát, đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo không tác động quá lớn đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (FDI và FII), đến dòng kiều hối, xếp hạng tín nhiệm quốc gia…
Ông từng nói, ổn định tỷ giá là “phòng tuyến sông Cầu”, ngăn sự nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Với những sự điều chỉnh mới đây của NHNN, tỷ giá đã tăng mạnh kể từ đầu năm, phòng tuyến tỷ giá có bị lung lay không, thưa ông?
Với tư cách nhà nghiên cứu, tôi luôn khuyến nghị là phải giữ phòng tuyến tỷ giá, để tiền đồng không bị mất giá quá nhiều.
Nếu xét về so sánh tương quan song phương, VND đang có lợi thế ổn định so với USD do lạm phát Việt Nam thấp hơn Mỹ và lãi suất cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, dòng vốn đầu tư đang tìm cách trú ẩn vào USD, thì việc điều hành tỷ giá không chỉ căn cứ vào hai yếu tố này. Bối cảnh hiện nay buộc Việt Nam phải lựa chọn linh hoạt hơn.
Thời gian qua, chúng ta đã ứng biến khá tốt. So với các năm trước, tỷ giá năm nay điều chỉnh mạnh, song so với tương quan các nước khác, thì VND vẫn là một trong những đồng tiền có mức mất giá ít nhất so với USD.
Tất nhiên, so với các nền kinh tế khác, nền tảng kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định hơn nhiều: lạm phát năm nay có thể kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng GDP dự báo khoảng 8%, nợ nước ngoài không quá lớn... Từ nay đến cuối năm, Chính phủ đốc thúc giải ngân đầu tư công, cải cách thể chế…, càng cho ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.
Giữ phòng tuyến tỷ giá hẳn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngân hàng trung ương các quốc gia, không chỉ Việt Nam. Vậy tại sao thời gian qua, nhiều quốc gia để nội tệ mất giá sâu so với USD như vậy?
Một khi đồng nội tệ mất giá lớn, lạm phát sẽ tràn vào, đó là lý do các nước đều cần “phòng tuyến” tỷ giá. Ngân hàng trung ương các nước đều biết tầm quan trọng của phòng tuyến tỷ giá, vấn đề là có giữ được hay không.
Xét về lý thuyết, quốc gia nào tăng lãi suất thì sẽ hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ, giúp đồng nội tệ không bị mất giá nhiều so với USD. Thực tế giai đoạn qua, khi Mỹ tăng lãi suất, các quốc gia khác cũng tăng lãi suất rất mạnh, nhưng nội tệ vẫn mất giá nhiều so với USD. Cụ thể, đồng yên Nhật mất giá trên 30%, won Hàn Quốc mất giá trên 20%, euro của châu Âu và bảng Anh cũng mất giá rất sâu so với USD. Trong khu vực Đông Nam Á, các đồng tiền mất giá phổ biến ở mức 10-15%.
Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất được các nước phối hợp chặt chẽ. Các quốc gia nâng lãi suất vừa để chống lạm phát, vừa để đồng nội tệ không bị mất giá quá sâu so với USD. Tuy vậy, do lạm phát tăng nhanh và thế giới bất ổn, dòng vốn đầu tư toàn cầu lại có xu hướng trú ẩn vào USD - đồng tiền có tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới - khiến USD quá mạnh, đồng nội tệ các quốc gia khác đều không thể địch nổi dù có tăng lãi suất.
Nói cách khác, đây là cuộc chiến không cân sức giữa USD và các đồng tiền khác trên thế giới. Lý do là dù Mỹ và các nước đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, các cân đối vẫn tốt, chưa kể dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng đang đổ xô vào USD.
Việc đồng nội tệ các nước mất giá hàng loạt giai đoạn hiện nay có giống thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 không, thưa ông?
Cuộc chiến tỷ giá hiện nay khác với giai đoạn 2008-2009. Cụ thể, giai đoạn 2008-2009, dòng vốn toàn cầu có xu hướng tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi, nên các nước mới nổi đua nhau chủ động giảm giá nội tệ để ngăn sự tháo chạy của dòng vốn.
Còn giai đoạn hiện nay, nội tệ các quốc gia mất giá không xuất phát từ hiện tượng tháo chạy dòng vốn, mà từ nguyên nhân lạm phát. Các quốc gia không muốn phá giá nội tệ, thậm chí muốn nâng sức mạnh của đồng nội tệ so với USD, nhưng vẫn liên tục mất giá do không địch nổi sức mạnh của USD.
Bên cạnh tỷ giá, lãi suất đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp nước ta hiện nay. Làm sao để mặt bằng lãi suất cho vay không tăng lên quá nhanh trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng mạnh như hiện nay?
Cơ sở của tăng lãi suất là lạm phát. Nếu lạm phát không tăng nhiều, thì lãi suất có thể tăng, nhưng liều lượng chỉ vừa phải.
Tất nhiên, chưa thể nói trước điều gì. Song chắc chắn, lãi suất cho vay tăng nhanh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó và nguy cơ nợ xấu cũng tăng lên. Giai đoạn 2008 và 2009, toàn nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó.
Dĩ nhiên, nước lên thì thuyền lên, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay không thể đứng im. Song các ngân hàng cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay. Tôi tin rằng, hệ thống sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới.
Vừa manh nha phục hồi, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất… Theo ông, cần có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Theo tôi, việc đầu tiên là cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ này để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Thứ hai, thị trường vốn nước ta (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) thời gian qua nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh. Chúng ta cần tạo ra một thị trường thông suốt, công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân.
Thêm quy định ngăn cổ đông lớn thao túng ngân hàng, miễn trừ trách nhiệm cán bộ thanh tra, giám sát
Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ bổ sung loạt quy định về an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn sở hữu chéo và ngăn cổ đông lớn thao túng hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa có Báo cáo rà soát, nghiên cứu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 và định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng.
Theo NHNN, Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý cơ cấu lại TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Luật đã nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, cảnh báo sớm, can thiệp sớm với các TCTD yếu kém. Đồng thời, bổ sung việc quy định cụ thể việc xây dựng, phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, điều kiện áp dụng, nội dung phương án, biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án.
Luật cũng bổ sung quy định về biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt; hoàn thiện quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản các TCTD yếu kém, quy định cụ thể về trường hợp, trình tự, thủ tục phê duyệt, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, phá sản...
Tuy vậy, quá trình thực hiện Luật các tổ chức tín dụng, NHNN cũng phát hiện còn nhiều bất cập cần xem xét, sửa đổi để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo...
Theo đó, định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng tới đây, NHNN sẽ bổ sung nhiều quy định để nâng cao tính an toàn hệ thống cũng như tăng các chế tài liên quan đến tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Cụ thể, về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN sẽ sửaa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của TCTD nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD.
Cụ thể, NHNN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của TCTD. Đồng thời, NHNN cũng sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức quản trị, điều hành của Quỹ tín dụng nhân dân.
Về các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD, NHNN cũng sẽ giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và nghiên cứu, rà soát về các tỷ lệ an toàn khác trong hoạt động của TCTD cổ phần; Sửa đổi, bổ sung quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD; Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung hoạt động của QTDND, tổ chức tài chính vi mô;...
Về tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, NHNN dự định sẽ sửa đổi một số quy định về cơ cấu lại TCTD cho phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém; tổ chức, hoạt động của NHTM được chuyển giao bắt buộc; biện pháp hỗ trợ TCTD được áp dụng can thiệp sớm;...
Đồng thời, sẽ bổ sung một số quy định mới như: Cơ chế hỗ trợ TCTD tham gia vào quá trình tái cơ cấu, miễn trừ trách nhiệm của người tham gia tái cơ cấu; Điều chỉnh một số nội dung, chỉ tiêu tính toán tỷ lệ, giới hạn an toàn trong quá trình hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng như các TCTD tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém; Tập trung vào việc phát hiện, xử lý nội dung không hiệu quả trong thực tiễn về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém;...
Về cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém, NHNN lý giải, việc xử lý TCTD yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ (trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm các việc tham gia BKS đặc biệt) do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Điều này đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.
TS Cấn Văn Lực: Cứ đầu tư vào BT, BOT lại nghĩ đến ngân hàng là sai lầm
“Một sai lầm là hiện nay cứ đầu tư vào Dự án BT, BOT là nghĩ đến vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nên không thể cho vay trung dài hạn được”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết vùng tăng tốc phát triển kinh tế, chủ đề: “Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX” diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Hiện nay, NHNN đang kiểm soát chặt tín dụng BOT, BT giao thông. Năm 2016, cho vay lĩnh vực này tăng 30,4%, năm 2017 tăng 13,8%, năm 2018 tăng 5,3%, năm 2019 chỉ tăng 3,2%, năm 2020 đã giảm 1,8% và đến năm 2021 còn 3,5%. Tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ các dự án BT, BOT giảm 1,72% so với cuối năm 2021 và chỉ còn chưa đến 0.9% tổng dư nợ của hệ thống TCTD.
Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giai đoạn 2016-2030, mỗi năm 45 nước đang phát triển tại Châu Á cần khoảng 1.700 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần khoảng 2 triệu tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giao thông đường bộ vào khoảng 900.000 tỷ đồng (48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành).
Nhu cầu vốn là rất lớn trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ biết trông chờ vào vốn vay ngân hàng. Theo TS.Cấn Văn Lực, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có 4 nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông chủ yếu. Thứ nhất là vốn tự có (lợi nhuận để lại, phát hành cổ phiếu, vốn góp từ các cổ đông hay đối tác đầu tư) – chiếm khoảng 15-20%. Thứ hai là vốn vay ngân hàng, gồm cả Ngân hàng phát triển và NHTM –chiếm khoảng 40-50%. Thứ ba là vốn phát hành trái phiếu: trái phiếu doanh nghiệp (có thể dự án đó - còn được gọi là trái phiếu công trình) và trái phiếu chính phủ hoặc chính quyền địa phương với mục đích chính là tài trợ cho dự án đó, hoặc chủ đầu tư phát hành trái phiếu và do Chính phủ bảo lãnh (khoảng 20-25%). Thứ tư là nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và từ các quỹ đầu tư – chiếm khoảng 10-15%.
Bên cạnh 4 nguồn vốn trên, các dự án hạ tầng giao thông còn có nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và vốn từ các quỹ đầu tư – chiếm khoảng 10-15% như ADB...
Ông Cấn Văn Lực cho biết, tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển chưa thể hiện được vai trò chính trong đầu tư phát triển hạ tầng. NHTM không mặn mà với việc cho vay các dự án hạ tầng giao thông, nguyên nhân lớn là do nhiều rủi ro. Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP gặp vướng mắc.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để có được dự án đầu tư, doanh nghiệp cần nghĩ đến cấu trúc vốn đa dạng như kinh nghiệm của nhiều nước. Thị trường tài chính, trong đó có thị trường trái phiếu phải là kênh dẫn vốn trung hạn quan trọng của doanh nghiệp và cả Chính phủ. Bên cạnh đó, vai trò của các quỹ đầu tư hạ tầng để đa dạng hóa các nguồn lực cho dự án hạ tầng.
Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần 28-30 tỷ USD cần cho phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó Ngân sách nhà nước sẽ “lo” khoảng 15-18 tỷ USD, chiếm khoảng 50-60%, còn lại vẫn phải huy động từ tư nhân.
Để giải quyết bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, TS. Lực hco rằng, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA (gồm cả linh hoạt hơn việc phân bổ, điều chuyển vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và giải pháp đột phá khác); Phát huy vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với cả NHTM tham gia cho vay; Tạo điều kiện doanh nghiệp dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao; Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến LT-TP, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp...v.v.
Cuối cùng chuyên gia kiến nghị cần sửa luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, cho phép nhà đầu tư/ bên cho vay nước ngoài được sở hữu nhà ở, tài sản trên đất; nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở và BĐS khác (thông qua ủy thác bên thứ ba tại Việt Nam).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận