Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ
Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm liên tục “dò đáy”, thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư trong nước đang dần chuyển hướng sang các sản phẩm tài chính sinh lời khác, trong đó phải kể đến chứng chỉ quỹ mở.
Kể từ khi Nghị định 65 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực trở lại, anh Hoàng Quốc (29 tuổi) đã lựa chọn đầu tư vào một quỹ mở trái phiếu.
“Theo quy định mới, nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu doanh nghiệp thì phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, chẳng hạn như danh mục nắm giữ phải có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày. Chính vì thế, tôi chọn mua qua quỹ mở trái phiếu, vừa có thể đầu tư một cách đơn giản hơn, vừa hạn chế được rủi ro thua lỗ khi chưa có nhiều kinh nghiệm”, anh chia sẻ.
Trên thực tế, đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư không chuyên tại Việt Nam. Chứng chỉ quỹ mở là một hình thức ủy thác đầu tư cho các tổ chức tài chính chuyên nghiệp thực hiện việc đầu tư cho những nhà đầu tư. Còn quỹ mở là một kênh đầu tư chính thống ở Việt Nam, được Ủy Ban Chứng Khoán quản lý và hoạt động dưới quy định của pháp luật dành cho quỹ mở.
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 2/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở đạt hơn 1,3 triệu tài khoản. Tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến cuối tháng 9/2023, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở đạt 1.197.212 tài khoản, tăng 29,8% so với cuối năm 2022.
Không chỉ VSDC, nhiều quỹ như Dragon Capital hay VinaCapital cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng của số lượng nhà đầu tư chứng chỉ quỹ mở. Dragon Capital hiện có hơn 15.000 nhà đầu tư chứng chỉ quỹ, tăng gần 10 lần so với 2 năm trước đó.
Ông Phan Hoàng Quân, Chuyên gia Hoạch định TCCN tại FIDT.
Lý giải nguyên nhân chứng chỉ quỹ dần trở thành xu hướng tích sản được ưa chuộng, ông Phan Hoàng Quân, Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, phân tích: “Có nhiều kênh đầu tư tại Việt Nam nhưng phổ biến nhất vẫn là bất động sản và gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, hai kênh này không phải là kênh đầu tư phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Nếu như kênh đầu tư bất động sản yêu cầu số vốn lớn thì kênh gửi tiết kiệm dù linh hoạt hơn nhưng hiệu quả sinh lời thấp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay.
Trong khi đó, kênh đầu tư tài chính ở nước ta, chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu, lại chưa được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm vì e ngại nhiều rủi ro. Sự khốc liệt và phức tạp trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kinh nghiệm nhất định.
Trái lại, chứng chỉ quỹ mở lại có rủi ro thấp hơn trong khi hiệu quả đầu tư không hề thua kém các kênh đầu tư khác. Đây là giải pháp đầu tư phù hợp với mọi đối tượng muốn xây dựng, tích lũy tài sản một cách nhàn hạ”.
Theo ông Quân, chứng chỉ quỹ mở giúp gia tăng xác suất đầu tư thành công trên thị trường cổ phiếu, đem lại mức độ rủi ro kèm tỷ suất lợi nhuận phù hợp với mọi đối tượng nhà đầu tư.
“Hiệu quả đầu tư trong dài hạn của chứng chỉ quỹ mở đã được chứng minh khi lợi nhuận bình quân đạt 12% đều trong 10 năm. Với mức lãi suất kép này, tài sản của nhà đầu tư sẽ tăng trưởng 3,1 lần sau 10 năm, mức lợi nhuận thậm chí còn vượt trội hơn nhiều kênh đầu tư khác”, ông Quân dẫn chứng.
Bên cạnh mức sinh lời hấp dẫn, chứng chỉ quỹ mở còn được nhiều người lựa chọn vì sự linh hoạt. “Không như nhiều kênh đầu tư khác, số tiền tối thiểu đầu tư chứng chỉ quỹ là 100.000 đồng. Nhờ đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể linh động trong việc đầu tư đều hàng tháng phù hợp với thặng dự hàng tháng của mình, từ đó có thể xây dựng nền móng tích sản vững chắc”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận