Lãi suất quí 4 dự báo tiếp tục giảm, nhu cầu vay vốn quay trở lại
Các khảo sát mới nhất cho thấy, không chỉ lãi suất huy động mà cả lãi suất cho vay có xu hướng điều chỉnh giảm trong quí cuối của năm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế trong 3 quí đầu năm.
Lãi suất tiếp tục giảm
Theo báo cáo xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quí 4-2020 của Vụ Dự báo-Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước), các TCTD tiếp tục kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động – cho vay tiếp tục giảm trong quí 4 này và cả năm 2020.
Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng bình quân chung toàn hệ thống giảm 0,1 điểm phần trăm trong quí 4-2020.
Ghi nhận từ đầu tháng 10 đến nay, sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ ba trong năm, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống, thấp hơn mức trần giới hạn 4%/năm, thậm chí có ngân hàng trả lãi chưa tới 3%/năm cho khoản tiền gửi ngắn hạn 1-2 tháng.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy sau đợt giảm mạnh vào tuần đầu tháng 10, lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong trung tuần tháng 10, giữ ở mức 3-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, và 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Theo khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo-Thống kê, bên cạnh kỳ vọng giảm lãi suất huy động, có hơn 50% tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn con số 59,2% theo khảo sát trong quí trước.
Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng 4,7% trong Quí 4-2020 và tăng 11,4% trong năm 2020. So với cuộc điều tra vào quí 2, khảo sát lần này cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng, từ quy mô nhỏ đến lớn, trong hoặc ngoài nước, đều tăng mức kỳ vọng về khả năng tăng trưởng tín dụng của tổ chức trong năm nay.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, nhu cầu tín dụng đã có sự cải thiện nhẹ trong quí 3, với tăng trưởng tín dụng 6,1% tính đến ngày 30-9 (trước đó tăng 3,3% hồi tháng 6). Theo đó, VNDirect kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi trong quí 4 và dự báo tín dụng cả năm sẽ tăng 9%.
Từ đầu tháng 10, một số ngân hàng cũng bắt đầu công bố gói vay với lãi suất ưu đãi để “kích cầu” tín dụng cuối năm. Chẳng hạn như Agribank công bố gói 30.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ngắn hạn 4,8%/năm và 7,5%/năm với khoản vay trung dài hạn.
Tương tự, VPBank mới đây cũng công bố cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 5,99%/năm dành cho cá nhân, hộ gia đình với hạn mức lên đến 20 tỉ đồng, nhằm bổ sung vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giai đoạn hậu Covid-19,
Vietcombank cũng công bố gói cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) với lãi suất kinh doanh từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13-10. Các khoản vay tiêu dùng cũng được ưu đãi cố định lãi suất trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên với lãi suất từ 6,79%/năm.
Sẽ tăng trưởng trong quí cuối của năm
Khảo sát cũng cho thấy tình hình kinh doanh quí 3 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng của các TCTD trong cuộc điều tra vào quí 2 trước đó. Theo đó, tỷ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh “suy giảm” cao gấp đôi.
Tuy nhiên, quí 4 này được nhiều TCTD kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn so với các quí trước, dù trong cả năm 2020 ngày càng nhiều TCTĐ đánh giá tình hình kinh doanh sẽ “suy giảm nhẹ” so với năm 2019.
Tương tự là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 3 của Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, chỉ có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quí 3 tốt hơn quí 2, 31,9% đánh giá là khó khăn và 35,9% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Các doanh nghiệp kỳ vọng quí 4 sẽ có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, có tới 46% doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng quí 4 sẽ tốt hơn so với quí 3, có 35% doanh nghiệp kỳ vọng sự ổn định và số còn lại là bi quan.
Mặc dù tín dụng được kỳ vọng tăng trở lại, một điểm đáng lưu ý là các TCTD tiếp tục đánh giá rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng tiếp tục tăng lên trong quí 4 và cả năm, dù mức độ tăng đã chậm lại. Theo đó, có hai nhóm được đánh giá rủi ro tăng cao hơn là nhóm khách hàng nhỏ và vừa.
Theo báo cáo kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, GDP tăng trưởng 2,12% (quí 1 tăng 3,68%; quí 2 tăng 0,39% và quí 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, nhờ sự phục hồi kinh tế đang được “củng cố và trở nên sâu rộng hơn”. Mức dự báo này lạc quan hơn nhiều so với con số của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 1,6% và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 1,8%.
Tương tự, Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP là 2,6% trong năm nay, hạ so với dự báo trước đó là 3% do tính đến tác động của làn sóng Covid-19 lần hai. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á mà HSBC dự báo tăng trưởng khả quan trong năm nay, khi nhiều chỉ số cho thấy hoạt động kinh tế đang lấy lại đà tăng của thời kỳ trước dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận