Lãi suất ngân hàng: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Trong khi NHNN đưa cảnh báo yêu cầu các NHTM tránh một cuộc đưa lãi suất, thì lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục treo cao. Top 5 ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất tháng 11 vẫn là các NHTM tư nhân có quy mô vốn nhỏ và nguồn thu chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần.
Không còn dẫn đầu cuộc đua huy động tiền gửi với mức lãi suất cao kỷ lục 9,4%/năm, Ngân hàng SHB đã lùi xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Hiện, mức lãi suất huy động cao nhất mà SHB áp dụng chỉ còn là 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Theo bảng thống kê lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại áp dụng cho thời điểm hiện tại, dẫn đầu cuộc đua lãi suất vẫn là các ngân hàng có quy mô nhỏ và nguồn thu chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần như NCB, Việt Á, Bản Việt (Viet Capital Bank)...
Top 5 ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất tháng 11/2019
Cụ thể, Top 5 ngân hàng thương mại có lãi suất tiền gửi cao nhất là NCB với mức lãi suất huy động là 8,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Tiếp sau là Việt Á, TPBank, Bản Việt, SCB với mức lãi suất huy động lần lượt là 8,75%, 8,6% và 8,55% cho các kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng.
Những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống hiện nay vẫn là các ông lớn ngân hàng quốc doanh VietcomBank, VietinBank, Agribank và BIDV với mức lãi suất phổ biến là 6,8% - 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đang thiết lập mặt bằng mới với mức lãi suất cao hơn ở các kỳ trung và dài hạn. Đa số các chuyên gia tài chính cho rằng đây là động thái cần thiết để các ngân hàng đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36 về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Cùng với đó, càng về cuối năm các ngân hàng lại càng khát vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh phục vụ tết Nguyên đán, vì vậy việc tăng huy động vốn thông qua tăng lãi suất tiền gửi là dễ hiểu và càng các ngân hàng nhỏ thì lãi suất lại càng cao để cạnh tranh với các ông lớn.
Thực tế là vậy, tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất đang đi ngược lại mong muốn và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trên thị trường dân cư, đầu tháng 9 vừa qua NHNN đã bất ngờ giảm bớt 0,25% lãi suất điều hành. Đây được đánh giá là động thái tích cực từ phía nhà điều hành để giảm chi phí vốn cho ngân hàng thương mại, từ đó tạo tác động lan tỏa tới thị trường.
Tuy nhiên, đã gần 2 tháng kể từ ngày NHNN giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất trên thị trường vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, lãi suất huy động vẫn tiếp tục đứng ở mức cao, quanh mức 9%/năm. Gần đây để "tuýt còi" động thái tăng lãi suất huy động nóng của các ngân hàng thương mại, NHNN đã phải phát đi công văn cảnh báo.
NHNN cho rằng động thái tăng lãi suất của các NHTM hiện nay tiểm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ. "NHNN sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và có thể áp dụng biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm", NHNN cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận