Lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm thêm sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm thêm 0,5% điểm phần trăm lãi suất điều hành so với mức được công bố từ 1/12/2019. Mặt bằng lãi suất (cả tiết kiệm và cho vay) được dự báo sẽ giảm thêm thời gian tới.
Khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ giảm tiếp
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo về việc điều chỉnh lãi suất áp dụng với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/8.
Theo NHNN, quyết định này nhằm điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Cụ thể, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các TCTD là 0,5%/năm, giảm 0,5% điểm phần trăm so với mức được công bố từ 1/12/2019. Lãi suất đối với tiền gửi vượt mức dự trữ bắt buộc bằng VND giữ nguyên là 0%/năm.
NHNN cũng quyết định lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại NHNN bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó.
Sau động thái giảm tiếp lãi suất điều hành của NHNN nói trên, các nhận định đưa ra khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ giảm tiếp trong tháng 8/2020.
Theo đó, các ngân hàng có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay, chia khó cùng khách hàng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái diễn ở Việt Nam nói riêng cũng như các nước trên thế giới nói chung.
Một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 7
Mặc dù động thái hạ lãi suất cụ thể của các ngân hàng được dự báo sẽ thực hiện vào tuần sau (từ 10/8), nhưng thực tế ghi nhận thị trường cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tiếp tục chuỗi giảm lãi suất huy động, đã thực hiện từ nửa đầu năm.
Theo báo cáo tổng hợp từ Công ty chứng khoán SSI, chốt tháng 7/2020, lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm ở một số ngân hàng thương mại lớn từ 0,2 - 0,5% ở tất cả các kỳ hạn.
Tính chung, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 ở phần lớn các ngân hàng.
Hiện 4 ngân hàng quốc doanh với quy mô lớn, có những vị thế vững chắc và nguồn vốn quản lý nên có thể huy động với mức lãi suất 5-6%/năm.
Trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2019.
Mới đây, Ngân hàng ACB giảm 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết tất cả các kỳ hạn, lãi suất từ 3 tháng trở xuống duy trì dưới 4%/năm, từ 6-9 tháng trong khoảng 5,45-5,75%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng lại giảm mạnh từ 6,2%/năm ở kỳ trước xuống còn 5,7%/năm.
Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số kỳ hạn, giảm đến 0,35 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6 tháng, chỉ còn 5,45%/năm, trong khi giảm mạnh nhất kỳ hạn trên 12 tháng (giảm 0,55 điểm phần trăm) chỉ còn 5,75%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng HDBank lại chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở kỳ hạn 6-9 tháng, còn 6,2%/năm và kỳ hạn 24 tháng còn 6,5%/năm.
Báo cáo tháng 7/2020 của NHNN chi nhánh TP.HCM vừa đưa ra cũng cho thấy, đối với lãi suất huy động bằng VNĐ, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng và các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Khối ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm các kỳ hạn, phổ biến khoảng 0,08-0,58%/năm. Khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm phổ biến khoảng 0,7-2%/năm tùy kỳ hạn.
Lãi suất huy động bằng VNĐ được ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 4,2-4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 4,9%-7,29%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; mức 6,04%-7,55%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho hay, lãi suất huy động giảm trước áp lực giá vàng tăng mạnh trong gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến việc một số khách hàng sẽ rút tiết kiệm chuyển sang vàng.
Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/7/2020 (số liệu dự ước) đạt 2.648.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối tháng 6/2020, tăng 3,96% so với cuối năm 2019 và tăng 11,06% so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận