Lãi suất gửi tiết kiệm biến động trái chiều
Biểu lãi suất gửi tiết kiệm “biến thiên” trái chiều tại các ngân hàng thương mại kể từ đầu tháng 3 đến nay. Hiện lãi suất tiết kiệm phổ biến vẫn đang ở mức khá thấp quanh mức 3,5 - 4% ngắn hạn.
Lãi suất gửi tiết kiệm biến động trái chiều
Với số tiền gửi tiết kiệm khoảng 2 tỷ đồng, mỗi tháng chị T.T (TP.HCM) nhận lãi chưa đến 5 triệu đồng cho kỳ hạn gửi 1 tháng với lãi suất tiết kiệm 2,9%/năm.
Chị T cho biết tiền lãi hằng tháng nhận được ngày càng giảm, dù rằng số tiền gửi có tăng lên (do lãi nhập gốc), từ mức 7 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 5,8 triệu đồng và nay chưa đến 5 triệu đồng.
Trường hợp của chị T không phải là cá biệt. Thống kê biểu lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại từ đầu thàng 3 đến nay cho thấy, không ít ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất gửi tiết kiệm, với mức giảm lãi suất tiết kiệm phổ biến giảm từ 0,1 - 0,2 điểm %.
Đơn cử như tại KienLongBank, nhà băng này vừa áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức giảm nhiều nhất là 0,3 điểm % so với hồi tháng 2.
Cụ thể, khách gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng giảm còn 3,7%/năm; kỳ hạn 6-7 tháng về 5,9%/năm; các kỳ hạn từ 10-11 tháng còn 6,1%/năm…
KienLongBank cũng điều chỉnh hạ lãi suất gửi tiết kiệm dài kỳ hạn 60 tháng về 6,9%/năm, thay vì mức 7,1%/năm trước đó.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới giảm tới 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Hiện, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm còn 5,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 15 tháng lãi suất giảm về 6,1%/năm;...
Các nhà băng khác như SeABank, PGBank, DongABank, VietABank… cũng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,05 đến 0,3 điểm % so với biểu lãi suất tiết kiệm trước.
Ngược lại, một số nhà băng lại tăng lãi suất gửi tiết kiệm. Tiêu điểm như tại Sacombank, lãi suất tiết kiệm tăng ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng lên mức 4,8%/năm và 5,6%/năm, còn kỳ hạn 36 tháng lãi suất ở mức 6,3%/năm.
VPBank vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng trở lên, nhưng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 2 – 5 tháng, tăng phổ biến 0,2 điểm %.
Tương tự, lãi suất gửi tiết kiệm tại ACB dành cho kỳ hạn 2 và 3 tháng cũng được cộng thêm loạt 0,1 điểm % so với biểu lãi suất cũ.
Dù vậy, lãi suất tiền gửi ở tất cả các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang ở mức khá thấp. Theo đó, lãi suất gửi tiết kiệm đang xoay quanh mức 3,5 - 4% ngắn hạn. Mức lãi suất tiết kiệm trong trung và dài hạn xoay quanh mức 6 - 7%/năm.
"Cuộc chơi" lãi suất trong tay Ngân hàng Nhà nước?
Theo SSI Research, việc tăng/giảm lãi suất tiền gửi trong những tuần gần đây theo SSI chỉ mang tính chất cục bộ. Đồng thời, đơn vị phân tích này dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp hiện tại trong quý I và đầu quý II/2021 và có thể nhích tăng từ cuối quý II/2021 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi là câu chuyện kinh doanh bình thường, ngân hàng nào có nhu cầu huy động nhiều vốn hơn thì huy động vào, còn ngân hàng nào đang thừa vốn thì giảm bớt lãi suất đi để không cần huy động nữa.
Hơn nữa, thanh khoản hệ thống tín dụng đang rất dồi dào. Riêng tuần từ 8/3 đến 12/3, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất liên ngân hàng đi ngang thấp ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Vì vậy, số ít ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nhất thời nên có thể tăng lãi suất, dẫn tới sự "biến thiên" trái chiều về lãi suất tiết kiệm trên thị trường.
Thực tế cũng cho thấy, sau khi điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm vào đầu tháng 3 từ 0,2 – 0,5 điểm %, chỉ sau nửa tháng, đến 15/3 Techcombank lại áp dụng biểu lãi suất mới, giảm nhẹ 0,1 - 0,2 điểm % ở một số kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng.
Còn theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế: lãi suất trên thị trường tiền tệ Việt Nam có thể chưa tăng ngay nhưng cũng đang có những dấu hiệu cho thấy lãi suất đã chạm đáy và có khả năng tăng trở lại bởi tác động của chỉ số lạm phát.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng 1/2021 – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dù lạm phát tiếp tục tăng nhanh hay giảm, "cuộc chơi" lãi suất vẫn nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước bởi cơ quan này vẫn là chủ thể đưa quyết định xu hướng lãi suất trên thị trường thông qua các công cụ điều hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận