Lại “nóng” hóa đơn tiền điện mùa nắng
Trải qua vài đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên của mùa hè năm nay, công suất tiêu thụ điện liên tục lập những đỉnh mới kỷ lục khiến nhiều gia đình ở Hà Nội đau đầu vì hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần.
Liên tục một tháng nay, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, phổ biến từ 35-38 độ, có nơi nắng gắt trên 40 độ. Các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt hơi nước, quạt điều hòa… được nhiều gia đình sử dụng gần như cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, từ những ngày đầu tháng 5, học sinh các cấp tạm dừng đến trường và nghỉ hè sớm để phòng, chống dịch Covid-19 cũng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt tại Hà Nội tăng cao. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần tiền điện sẽ tăng so với các tháng trước nhưng nhiều hộ gia đình tại Thủ đô vẫn không khỏi bất ngờ khi hóa đơn tiền điện “nhảy vọt” gấp 2-3 lần.
Gia đình chị Nguyễn Thu Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) có 5 người, sử dụng 3 điều hòa và các thiết bị khác như máy giặt, ti vi, quạt trần… Do tình hình dịch nên các con chị được nghỉ ở nhà, 1 điều hòa hoạt động gần như cả ngảy. Trước đây, mỗi tháng hóa đơn tiền điện của gia đình chị đều trong khoảng dưới 1 triệu đồng, tuy nhiên, hóa đơn tiền điện tháng 5 lên tới 2,5 triệu đồng. Theo chị Hoa, con số này vượt mức dự kiến của gia đình.
Cũng nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, anh Vũ Lê Minh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 6 với số tiền lên tới gần 3 triệu đồng. Theo anh Minh, do gia đình có 5 người và sử dụng 3 điều hòa, kèm theo tủ lạnh, bể cá… nên tiền điện luôn trên 1 triệu đồng hàng tháng, nhưng hóa đơn tháng 6 đã tăng bất ngờ so với các tháng trước.
Anh Vũ Tuấn Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, nhà chỉ có hai vợ chồng và một con nhỏ, mọi tháng tiền điện dao động trong khoảng 600 - 700 nghìn đồng, tuy nhiên tiền điện tháng 5 đã tăng cao gần gấp đôi.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 21/6/2021, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW.
Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 2/2021 là 43,708 triệu kWh, tháng 3 là 52,406 triệu kWh, tháng 4 là 56,106 triệu kWh. Tuy nhiên chỉ trong nửa đầu tháng 5, lượng điện tiêu thụ đã “vọt” lên mức 62,463 triệu kWh, tăng hơn 11% so với bình quân tháng 4. Có thể thấy, mức độ tiêu thụ điện của người dân Thủ đô đang tăng lên đáng kể trong mùa nắng. Chính vì vậy, đơn vị này cũng đưa ra khuyến cáo khách hàng nên sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm nguy cơ sự cố, đồng thời tránh được việc hóa đơn tiền điện tăng cao.
Trước việc hóa đơn của nhiều gia đình tăng vọt, theo đại diện EVNHANOI, đơn vị này sẽ phúc tra cho 100% khách hàng có sản lượng điện tăng hoặc giảm từ 1,3 lần so với tháng trước.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, lý do tiền điện của người dân tăng cao trong đầu mùa nắng nóng là do các gia đình sử dụng điều hòa gần như cả ngày. Nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, điều hòa chiếm dao động từ 28% - 64% (tính trung bình là 40%) so với tổng điện năng tiêu thụ trong một hộ gia đình. Vào mùa nắng nóng, khi sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 50%. Tuy nhiên, hóa đơn tiền điện lại cao gấp 2-3 lần vượt xa dự tính của nhiều gia đình, nguyên nhân được cho là do cách tính giá điện theo bậc thang hiện nay.
Ông Phú phân tích, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh). Người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp là 1.678 đồng/kWh; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh đã lên tới 2.536 đồng/kWh và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh-được coi là nhóm trả tiền cao nhất với mức giá là 2.927 đồng/kWh. Có thể thấy, mức chênh lệch giữa bậc 1 và bậc 6 là khá lớn. Vị chuyên gia này nhận định, cách tính theo bậc thang này hiện đã không còn phù hợp, lỗi thời so với tình trạng sử dụng điện hiện nay. Đồng thời, nếu bỏ cách tính này, sẽ không còn cảnh hóa đơn tiền điện tăng vọt, chênh lệch quá lớn giữa các mùa khiến nhiều gia đình đau đầu.
Ngoài ra, người dân cũng cần sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện, nhất là trong mùa nắng nóng và những giờ cao điểm. Cụ thể, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng được dán nhãn của Bộ Công thương; không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như bếp điện, máy giặt, bình nóng lạnh…) trong giờ cao điểm; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ...
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân tắt hẳn các thiết bị điện khi không sử dụng. Bởi lẽ, điều hòa, ti vi, quạt… khi tắt máy thì bảng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng.
Ngoài ra, để có thể giúp người dân theo dõi được tình hình sử dụng điện tại gia đình, giúp minh bạch hóa đơn tiền điện, EVN cũng đã chỉ đạo EVNHANOI triển khai thử nghiệm ứng dụng Epoint theo dõi điện năng tại nhà, tiến tới áp dụng triển khai rộng rãi toàn quốc trong năm 2021.
Theo đó, đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam giúp khách hàng có thể trực tiếp theo dõi số lượng điện năng tại gia đình theo từng ngày một cách nhanh chóng, minh bạch và chính xác.
“Với việc được theo dõi số điện từng ngày và có thể dễ dàng xem lại lịch sử tiêu thụ điện theo ngày, tháng giúp tôi có thể biết chính xác lượng điện tiêu thụ mỗi ngày, từ đó không còn quá bất ngờ hay nghi ngờ về hóa đơn tiền tiện mỗi tháng. Đồng thời gia đình cũng sẽ có các cách để điều chỉnh, tiết kiệm điện hơn”, anh Vũ Lê Minh chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận