Lãi - lỗ doanh nghiệp trên sàn trong quý 2
Ở bất kỳ giai đoạn nào, dù môi trường kinh doanh ra sao, cũng đều có những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” hay làm ăn “bết bát”. Bức tranh kinh doanh quý 2/2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn không nằm ngoài quy luật đó.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tính đến hết ngày 08/08/2022, 1,036 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (chưa bao gồm nhóm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) đã tạo ra hơn 935,076 tỷ đồng doanh thu thuần và 82,836 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 17% và 9% so với cùng kỳ. Trong đó, có 879 doanh nghiệp báo lãi và 157 doanh nghiệp báo lỗ.
Doanh nghiệp ngành sản xuất chiếm ngự top lãi khủng
Các doanh nghiệp báo lãi khủng trong quý 2 năm nay phần lớn đều thuộc ngành sản xuất.
Trong đó, vị trí quán quân về lãi do CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) nắm giữ trong bối cảnh giá dầu tăng vọt và biên lợi nhuận “đột biến”.
Cụ thể, quý 2/2022, BSR ghi nhận doanh thu thuần hơn 52 ngàn tỷ đồng và lãi ròng hơn 9.9 ngàn tỷ đồng, tăng tương ứng 88% và gấp gần 6 lần cùng kỳ. Con số hơn 9.9 ngàn tỷ đồng này cũng là mức lợi nhuận lớn nhất BSR đạt được từ trước đến nay.
Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh là yếu tố cốt lõi làm nên thành tích lợi nhuận của BSR trong thời gian gần đây. Nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về gần 6.7 đồng lãi gộp thì quý 2/2022, con số này lên tới 20.4 đồng.
Những gương mặt kỳ cựu trong ngành sản xuất thép, thực phẩm, đồ uống như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cũng đều tiếp tục ghi danh trong bảng thành tích lãi hơn ngàn tỷ.
Đáng chú ý, ngành sản xuất phân bón có quý kinh doanh khởi sắc khi có đến 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) góp mặt trong top doanh nghiệp báo lãi khủng quý 2.
Doanh nghiệp tăng lãi phi mã nhờ hoạt động tài chính
Dẫn đầu trong top doanh nghiệp báo lãi tăng phi mã là CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) với lãi ròng cao gấp 39 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của CLM, doanh thu và lợi nhuận vượt trội do nhu cầu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong 6 tháng đầu năm tăng cao, khiến Công ty đẩy mạnh việc nhập khẩu than và pha trộn than. Cùng với đó, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cùng những căng thẳng giữa Úc - Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine đã khiến giá than thế giới tăng mạnh, qua đó đẩy doanh thu của CLM lên cao.
Đa phần các doanh nghiệp báo lãi tăng mạnh chủ yếu nhờ vào hoạt động chính, nhưng cũng có trường hợp báo lãi tăng bằng cấp số nhân, đạt hơn ngàn tỷ, nhưng bản chất không đến từ kết quả kinh doanh chính của những doanh nghiệp này.
Chẳng hạn như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) báo doanh thu thuần giảm 47% trong quý 2, nhưng vẫn có lãi ròng gần 1.9 ngàn tỷ đồng, gấp 46 lần cùng kỳ nhờ khoản “đầu tư giá rẻ”.
Cụ thể, mức tăng đột biến đến từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh trong giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng vào ngày 29/06. Theo báo cáo, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này gần 2.5 ngàn tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng. Nói cách khác, khoản “đầu tư giá rẻ” này đã giúp KBC thu lãi tới gần 2.4 ngàn tỷ đồng.
Hay như một trường hợp khác là Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG) với doanh thu thuần đi ngang, nhưng nhờ khoản thu tài chính đến 3,128 tỷ đồng, tăng mạnh so với 76 tỷ đồng cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay đã giúp doanh nghiệp này có lãi ròng tăng theo cấp số nhân, gấp 23 lần cùng kỳ, đạt 1,028 tỷ đồng.
Vào tháng 4/2022, SJG đã chào bán thành công gần 42 triệu cp SJS (Sudico), thu ròng về hơn 4,200 tỷ đồng. Do đó, khoản thu tài chính quý 2 của SJG có thể phần lớn nhờ thương vụ thoái vốn tại Sudico. Trước đó, SJG từng lên kế hoạch thoái vốn Sudico với giá khởi điểm 80,000 đồng/cp vào giữa năm 2021 nhưng bất thành.
Doanh nghiệp dịch vụ hàng không và vận tải thoát lỗ
Đi qua 2 năm đau thương do đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ hàng không và vận tải đã tìm thấy “ánh sáng hy vọng” khi có không ít doanh nghiệp thoát lỗ.
Điển hình trong ngành dịch vụ hàng không có CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS) báo lãi ròng gần 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 14 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ doanh thu thuần cao gấp 3.2 lần cùng kỳ.
SAS cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty đang dần khôi phục khi số lượng các chuyến bay nội địa tăng lên, các chuyến bay thương mại quốc tế từng bước được nối lại, trong khi cùng kỳ năm trước Công ty bị ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/05/2021.
Trong ngành vận tải, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS) có lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 66 tỷ đồng.
Theo VNS, kết quả quý 2 hồi phục mạnh nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi đã tác động tích cực đến hoạt động của Công ty. Ngoài ra, 100% xe của Công ty đã được đưa vào hoạt động, không còn xe nằm bãi nên các chi phí cũng được tiết giảm.
Doanh nghiệp thép buồn với lãi ròng tụt dốc chóng mặt
Trong khi nhiều doanh nghiệp vui mừng với kết quả kinh doanh khả quan, thì cũng có không ít doanh nghiệp ngậm ngùi chấp nhận lãi ròng lao dốc không phanh. Trong số đó có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp thép như: CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA), CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH).
Theo VCA, so với quý 2/2021, sản lượng thép tiêu thụ giảm 27.31%, giá hàng hóa biến động liên tục, tỷ lệ tăng của giá bán so với giá vốn thấp hơn 7.09% làm cho lợi nhuận gộp giảm 36.52 tỷ đồng.
Góc tối từ những doanh nghiệp ôm lỗ nặng
Trong mảng màu tối - sáng của bức tranh kinh doanh quý 2, nhiều doanh nghiệp ôm lỗ khủng trên trăm tỷ đồng. Nổi cộm là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN), CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG).
Vietnam Airlines tiếp tục lỗ ròng gần 2.6 ngàn tỷ đồng trong quý 2/2022, nhưng tín hiệu tích cực là hoạt động kinh doanh cốt lõi đã gần hết lỗ.
Vietnam Airlines cho biết, giá nhiên liệu tăng mạnh và thị trường quốc tế chưa hồi phục như kỳ vọng là “thủ phạm” gây thua lỗ. Trong đó, nhiên liệu bay ước chiếm 40% chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Trong khi đó, giá xăng máy bay bình quân nửa đầu năm nay tăng gấp đôi cùng kỳ.
Lỗ liên tiếp 5 quý, tính đến 30/06/2022, lỗ lũy kế của HNG đã lên gần 4,097 tỷ đồng, tăng hơn 670 tỷ đồng so với đầu năm và lỗ từ chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng gần 2,475 tỷ đồng, lên hơn 5,307 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, một số nhóm doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 2/2022. Đơn cử là đại diện cho ngành xăng dầu, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) lỗ sau thuế 141 tỷ đồng dù doanh thu tăng.
PLX cho biết đã trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022), do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu (trên 3,000 đồng/lít) dẫn đến phải trích lập bổ sung 1,104 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập gần 156 tỷ đồng nếu căn cứ theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày khóa sổ 30/06/2022. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm tương ứng hơn 1,259 tỷ đồng (từ lãi 1,551 tỷ đồng xuống còn lãi 293 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận