Lạc quan về sức bật của nền kinh tế
Theo “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021” của Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội khóa XIV tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 2% và phấn đấu đạt khoảng 3% GDP năm 2020; năm 2021 phấn đấu đạt mục tiêu GDP tăng 6%. Mức tự nhận trên của Chính phủ dường như khiêm tốn hơn nhiều nhận định tích cực từ các tổ chức và chuyên gia quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020 - 2021.
Triển vọng trong trung hạn và dài hạn tích cực
Theo báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10/2020, GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5 -3,0% và lạm phát được giữ vững dưới 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) công bố trong tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2020, quy mô GDP Việt Nam sẽ là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD, đứng sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD); GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.497,51 USD (gần 3.500 USD/người), xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN. Tới năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.211,90 USD. Trên toàn cầu, GDP giảm 4,4% trong năm 2020, đến năm 2021 tăng lên 5,2%.
“Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn… Theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
Theo đánh giá tại Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2020 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất thế giới. Báo South China Morning Post bình luận, với việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công và phục hồi xuất khẩu mạnh như vậy, giờ đây, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan đã trở thành "những tấm gương cho thương mại toàn cầu".
Cần cơ chế mạnh mẽ tạo sức bật cho nền kinh tế
Tuy nhiên, ADB cảnh báo tăng trưởng của Việt Nam có thể gặp rủi ro từ đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính trên toàn cầu. Theo Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Ông Chidu Narayanan - chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered bày tỏ, trong quý IV/2020, Việt Nam sẽ đẩy nhanh hơn hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, xây dựng, đầu tư công, tiêu dùng cá nhân và tâm lý thị trường được cải thiện. Tuy nhiên, đầu tư của lĩnh vực tư nhân có khả năng sẽ không mấy khởi sắc trước những lo ngại về nhu cầu trong trung hạn. Dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam sẽ suy giảm nhưng vẫn đạt cao, khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020. Trong khi HSBC khuyến nghị Việt Nam cần có thêm các chính sách hỗ trợ tiền tệ để giúp nền kinh tế phục hồi.
Trang The Asean Post cho hay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các DN; Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA…
Như vậy có thể nói, về tổng thể, dù sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, do nền kinh tế có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường…, song kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V. Đây là thành tựu chung từ cộng hưởng những giải pháp đồng bộ và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và sự tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của DN; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới...
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp, chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả 3 động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận