Kỳ vọng xuất nhập khẩu lập kỷ lục 750 tỷ USD năm nay
Với thặng dư thương mại gần 1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.
Kỳ vọng xuất nhập khẩu là điểm sáng kinh tế 2022
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng lạc quan cho rằng, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraina… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9% ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
“Cho dù xung đột Nga - Ukraina diễn ra, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, nền kinh tế sẽ vượt qua nhiều thách thức do điều kiện thương mại được cải thiện, vượt qua những tác động trái chiều, thậm chí tạo thêm cơ hội ngoài kỳ vọng. Kim ngạch XNK cả năm 2022 có thể đạt con số 750 tỷ USD”, ông Nguyễn Thường Lạng nói.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3.2022 ước tính xuất siêu 1,39 tỷ USD; tính chung quý I/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Đây là điểm sáng lạc quan tạo đà cho tăng trưởng XNK trong năm 2022 với cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá rất cao vai trò của 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm hàng trên 1 tỷ USD, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%, gồm: Điện thoại và linh kiện: 14.239 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện: 13.055 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: 9.919 triệu USD; Dệt, may: 8.837 triệu USD; Giày dép: 5.288 triệu USD.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%, tăng 0,5%.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), với giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm hàng tăng trưởng mạnh như cà phê, caosu, sắn, cá tra, tôm, gỗ... kim ngạch xuất khẩu nông sản bật tăng trong 3 tháng đầu năm. Quý I/2022, tổng kim ngạch XNK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5%.
Trong quý I/2022, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5% (nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước).
Đặc biệt, trong quý I, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 541.000 tấn với trị giá gần 1,22 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Các giải pháp để tăng xuất khẩu, nâng giá trị thặng dư thương mại
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định trong năm 2022 cần tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Trong đó, tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu, phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới cũng như ứng dụng xuất khẩu thông qua các nền tảng số.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhấn mạnh: Năm 2022, các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của FTA cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Điều này tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, phát huy lợi thế với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cũng chung ý kiến, cần tận dụng các ưu đãi thuế và phi thuế quan, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tăng trưởng XNK trong năm 2022, đưa các sản phẩm nông nghiệp có ưu thế như xoài, vải lọt được thị trường lớn. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu, trong đó cần khai thác triệt để các lợi thế từ CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…
Điều đáng nói là, hiện nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Tuy nhiên, nỗ lực của các DN đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện các FTA này.
“Điều kiện cần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA” - bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nêu ý kiến.
Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngoài các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong năm 2022, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, NewZealand, Nigeria, Brazil, Iran, Mexico bởi dư địa các thị trường này còn rất lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận