Kỳ vọng phục hồi cuối năm
Quý III/2021 có thể nói là thời gian ảm đạm với hầu hết các lĩnh vực ngành nghề. Tuy nhiên, thị trường đang có không khí khởi sắc trở lại, nhất là đầu tàu kinh tế TP.HCM.
Không quá bất ngờ trước kết quả kinh doanh quý III kém khả quan của các doanh nghiệp. Ngay cả những lĩnh vực tưởng chừng như “miễn nhiễm” trước đại dịch Covid-19, vẫn bị ảnh hưởng nặng do sức mua yếu.
Chẳng hạn Công ty bia Sài Gòn miền Trung (SMB) ghi nhận sản lượng tiêu thụ quý III giảm 15 triệu lít mà nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế nên doanh thu quý III của công ty cũng giảm 33,6% xuống còn 220 tỷ đồng. Trong khi giá vốn giảm thấp hơn, nên lợi nhuận gộp giảm tới 42,4% xuống mức 54 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ mức 28,2% xuống 24,5%... Những yếu tố đó đã làm cho lợi nhuận sau thuế của SMB giảm 60% còn 20 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ngày 25/10 là hạn cuối cùng chốt danh sách cổ đông SMB tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Với tổng số gần 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính số tiền mà SMB chi trả cổ tức đợt này sẽ là 74,5 tỷ đồng.
SMB không phải là doanh nghiệp duy nhất trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh quý III không mấy khả quan. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất đồ uống công nghiệp tháng 9 giảm 34,3%, kéo theo toàn bộ quý III giảm 27,2%, trong đó riêng ngành sản xuất bia rượu giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành bán lẻ điện tử điện máy cũng chịu tác động bởi các đợt giãn cách xã hội. FPT Shop - một trong hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn ghi nhận doanh thu quý III giảm khoảng hơn 20% so với quý II. Tuy nhiên, với kết quả nửa đầu năm tích cực, cộng thêm kỳ vọng thị trường phục hồi trong 3 tháng cuối năm vốn là mùa cao điểm mua sắm và các hãng công nghệ cũng thường tung ra sản phẩm mới trong dịp này, FPT Shop vẫn lên kế hoạch lợi nhuận kinh doanh cả năm khả quan.
Thế giới Di động (MWG) cũng có một tháng 8 kinh doanh đầy khó khăn, khi có đến hai phần ba mạng lưới bị hạn chế và một nửa mạng lưới Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách hàng mua sắm offline mà phải chuyển qua online. Theo kết quả báo cáo của MWG, doanh thu thuần đạt 6.509 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 222 tỷ đồng, giảm đồng thời khoảng 25 và 32%.
Giãn cách xã hội khiến cho hoạt động lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân bị ngưng trệ nên các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh xăng dầu cũng sụt giảm mạnh. Theo báo cáo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tháng 8 lượng tồn kho khoảng 200.000m3 các loại xăng dầu và khoảng 400.000m3 dầu thô, doanh nghiệp giảm 90% công suất.
Không chỉ xăng dầu mà mặt hàng gas cũng sụt giảm doanh thu do lượng tiêu thụ giảm. Mặc dù giá gas tăng khá mạnh thời gian qua, nhưng cũng không đủ để bù đắp cho phần sụt giảm lượng tiêu thụ. Vì thế lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngành gas cũng sụt giảm. Đơn cử như lợi nhuận sau thuế quý III của PV Gas giảm 7% so với cùng kỳ xuống mức 1.861 tỷ đồng, nếu tính lũy kế 9 tháng năm 2021 lợi nhuận sau thuế đạt 6.220 tỷ đồng bằng với mức kinh doanh của năm trước nhưng chưa tính các chi phí cơ hội.
Quý III/2021 có thể nói là thời gian ảm đạm với hầu hết các lĩnh vực ngành nghề. Tuy nhiên, thị trường đang có không khí khởi sắc trở lại, nhất là đầu tàu kinh tế TP.HCM. Từ đầu tháng 10/2021 TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 của thành phố về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19" và đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đã từng bước kết nối các tỉnh, thành phố lại với nhau sau một thời gian chuỗi sản xuất kinh doanh cung ứng hàng hóa dịch vụ bị đứt gãy.
Tính đến cuối tuần qua TP.HCM đã cho phép mở dần các chợ đầu mối Bình Điện, Hóc Môn và các chợ truyền thống ở “vùng xanh”. Sở Công thương TP.HCM cũng đã trình UBND thành phố cho phép dịch vụ ăn uống tổ chức phục vụ khách tại chỗ sau hơn 3 tuần qua số ca nhiễm, số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm xuống. Thị trường đang có một kỳ vọng rất lớn sức mua sẽ tăng trở lại vào dịp cuối năm, chính quyền thành phố mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tổ chức các tháng khuyến mãi giảm giá để cứu lấy sức mua.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp - chế xuất TP.HCM (Hepza), đến giữa tháng 10/2021, đã có 100% doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với công suất bình quân của các doanh nghiệp khoảng hơn 70%, đây là tín hiệu tích cực phục hồi kinh tế TP.HCM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận