Kỳ vọng minh bạch trong xây dựng
Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019).
Việc sửa Luật Xây dựng được kỳ vọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, việc sửa đổi Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho hay, một trong những nội dung quan trọng được đưa vào sửa đổi trong Luật Xây dựng lần này liên quan đến cải cách các thủ tục hành chính, cụ thể như thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.
Việc cải cách được thể hiện đặc biệt mạnh mẽ hơn nữa trong việc sửa đổi luật. Trước đây, quản lý nhà nước trong cấp phép hoạt động đầu tư xây dựng phải qua 3 bước thì bây giờ sẽ theo hướng tích hợp.
Đơn cử như việc thẩm định với cấp phép được ghép với nhau để giảm thời gian, chi phí cho chủ đầu tư.
Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực đã nhận được nhiều phản hồi về những vướng mắc, bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng… nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.
Thậm chí, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nổi lên như một điển hình về việc điều chỉnh quy hoạch với tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó một phần nguyên nhân do các bệnh viện, trường học đã được cấp đất xây dựng để di dời khỏi trung tâm, nhưng không những không được di dời mà còn được xây dựng thêm.
Các chuyên gia dẫn chứng, số lượng khối nhà, khối tầng, giường bệnh tăng lên vì áp lực phục vụ trước mắt.
Những cơ sở xác định chắc chắn được di dời thì nhà đầu tư lại phục sẵn, chờ chính quyền điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy phép đầu tư xây dự án nhà ở cao tầng… Kiểu “quy trình ngược” này đang diễn ra phổ biến khiến quy hoạch phải chạy theo dự án.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ, việc cấp phép và thanh tra hiện nay cũng gây bức xúc bởi cấp phép không quy định rõ ràng gây rắc rối cho nhà đầu tư.
Tp. Hồ Chí Minh có quy định là nếu đã có quy hoạch 1/500 chi tiết thì không phải xin cấp phép. Tuy nhiên, nhiều nơi lại không làm được như vậy – ông Hiệp dẫn chứng.
Trước những bất cập này, quan điểm sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng bằng việc đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi sẽ phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp việc thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần đưa vào nội dung các quy định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lợi ích nhóm gây thất thoát lãng phí. Còn về vấn đề phân cấp, ông Hùng nhấn mạnh, không thể tách rời quản lý Nhà nước.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Chủng ủng hộ việc quản lý của Nhà nước phải thông qua cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án, thông qua thẩm định thiết kế cơ sở để kiểm soát đầu vào của mọi dự án.
Có như vậy dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng cùng các yêu cầu về an ninh quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, an toàn cộng đồng…
Còn nếu để cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư (đối với các dự án vốn tư nhân) thì các yêu cầu này khó kiểm soát.
Do đó, ông Chủng đề xuất, cần quy định cơ chế và quy trình phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng chủ trì hiệp thương với các bộ có liên quan thiết lập trình tự thống nhất và hướng dẫn trong các Thông tư để địa phương áp dụng.
Một trong những vấn đề “nóng” được dự thảo Luật cũng đề xuất là đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày; mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn; phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương…
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ Tạ Chí Nhân nêu ý kiến, ở nhiều địa phương, dù chính quyền đã ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhưng chủ đầu tư không thực hiện; việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi người mua đất của dự án.
Do đó, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần “cân” trách nhiệm các chủ thể trong thiết kế xây dựng, thi công gói thầu, ký hợp đồng thuê tư vấn… một cách công bằng hơn.
Có như vậy, việc sửa Luật mới tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương, đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi trong hoạt động đầu tư xây dựng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận