Kỳ vọng gì vào khoảng 180.000 tỷ đồng “ứng viên” kênh bơm tiền mới?
Kênh bơm tiền của Bộ Tài chính chỉ còn một tuần nữa có thể mở cửa, theo lộ trình hiệu lực của cơ chế.
Từ 01/4 tới, Thông tư số 107/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này hướng dẫn cụ thể quy định, điều kiện giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Theo đó, qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán, KBNN sẽ tiến hành mua lại có kỳ hạn TPCP, qua đó cung tiền ra thị trường.
Việc thiết lập kênh bơm tiền này tạo thêm sự chủ động tiếp cận vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM - đối tượng của kênh này); chạy song song với kênh tạo nguồn qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Suốt thời gian qua, NHNN vẫn chào thầu đều đặn hàng ngày trên OMO, quy mô 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%/năm. Tuy nhiên ở đây không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Một mặt, lãi suất 2,5%/năm quá cao so với mặt bằng trên các thị trường; mặt khác, có hạn chế vì chỉ duy nhất kỳ hạn 7 ngày.
Trong khi đó, kênh mua lại TPCP nói trên của KBNN có kỳ hạn đa dạng và dài hơn, gồm 7 – 14 – 21 ngày, 1 – 2 – 3 tháng.
Như vậy, các NHTM có thêm một kênh bơm tiền mới với kỳ hạn đa dạng hơn để có thể tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn. Nguồn tiền này ra thị trường, qua số nhân tiền tệ sẽ tạo một dòng chảy mới đáng chú ý.
Tuy nhiên, dòng chảy trên có thể kỳ vọng ở mức nào?
BizLIVE tham vấn ý kiến chuyên gia của một NHTM về câu hỏi trên.
Theo chuyên gia này, trước hết mục đích chính của Bộ Tài chính (qua KBNN) là tăng thêm tính thanh khoản cho công cụ nợ mà mình phát hành (TPCP). Còn quy mô thì không hẳn sẽ lớn, bởi có những ràng buộc.
Thứ nhất, theo quy định của thông tư nói trên, TPCP thuộc diện mua lại là TPCP đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá một (01) năm.
Dữ liệu rà soát cho thấy, hiện có khoảng 180.000 tỷ đồng TPCP thuộc diện trên (có kỳ hạn còn lại trong phạm vi 1 năm). Quy mô này chỉ tương đối khi lượng TPCP đáo hạn qua từng thời điểm (như tuần vừa qua có 6.000 tỷ đồng đáo hạn); trong khi đó cơ cấu TPCP có kỳ hạn còn lại phần lớn trên 1 năm do những năm gần đây đã không phát hành thêm loại kỳ hạn ngắn 3 năm, mà chủ yếu từ 10 - 30 năm…
Với thị trường, khoảng 180.000 tỷ đồng TPCP “ứng viên” đó tạo tiềm năng tái tạo lớn qua kênh bơm tiền mới của KBNN. Nhưng ở đây lại còn một rào cản quy mô nữa là nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và hạn mức liên quan.
Theo quy định, hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP hàng quý tối đa là 10% tồn ngân quỹ nhà nước ước tính trong quý.
Như vậy, theo chuyên gia trên, mục đích chủ yếu của kênh bơm tiền mới này vẫn là tạo thêm thanh khoản cho TPCP; quy mô với những giới hạn trên là không nhiều.
Dù vậy, qua số nhân tiền tệ, nguồn tiền mới bơm ra dự kiến sẽ vẫn tạo tác động nhất định đến thị trường. Còn lại là vấn đề lợi ích và lợi nhuận của các NHTM tham gia kênh này; nếu có lợi và hấp dẫn thì họ tham gia.
Còn về tầm cân đối và điều tiết nguồn nói chung, NHNN vẫn là người cầm trịch qua kênh tái cấp vốn, qua OMO. Thời gian qua kênh chủ yếu vẫn qua OMO, nhưng như trên, hiện chưa có thay đổi về lãi suất, kỳ hạn, quy mô và hầu như không phát sinh giao dịch.
Với thị trường, nguồn tiền cung ứng tới đây sẽ đáng chú ý hơn ở lượng VND mà NHNN mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng từ đầu năm nay lần lượt đáo hạn từ tháng 7 tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận