Kỹ năng thuyết trình dành cho cấp lãnh đạo, quản lý
Vào sáng thứ 4 hằng tuần, tôi đều dành thời gian tham gia một cuộc họp kết nối kinh doanh cùng với từ 30– 50 người là chủ doanh nghiệp và cấp quản lý trong các công ty lớn. Tại buổi họp này, chúng tôi có một phiên kéo dài khoảng 8– 10 phút cho buổi gọi là ‘feature presentation‘, còn gọi là ‘thuyết trình hằng tuần‘.
Ở buổi này, các diễn giả là các chủ doanh nghiệp hay cấp quản lý sẽ trình bày về doanh nghiệp của mình, ngành nghề mà mình kinh doanh, sản phẩm mà mình đang chào bán và các USP (unique selling points – lợi thế bán hàng độc nhất) mà doanh nghiệp đang có.
Trong lần họp này, tới phiên của một bạn quản lý cấp cao ở một công ty bảo hiểm thuộc top 2 tại thị trường Việt Nam. Bạn giới thiệu về một số dịch vụ tài chính, một vài loại thẻ gì đó. Nhưng sau buổi họp thì tôi không thể nhớ rõ. Tôi cũng đoán rằng, hầu hết những người tham gia cuộc họp cũng sẽ không thể nhớ được phần lớn nội dung mà bạn trình bày.
Điều này là vì kỹ năng thuyết trình của bạn chưa nhuần nhuyễn. Một phần do bạn căng thẳng và run khiến bạn quên nhiều ý quan trọng; phần khác, cấu trúc bài thuyết trình của bạn chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, bạn này trước đó đã phục vụ nhiều khách hàng rất tốt và được nhiều người yêu quý, tin tưởng, nên kết thúc buổi thuyết trình, bạn vẫn nhận được nhiều referral (giới thiệu khách hàng) trị giá vài tỷ đồng. Nếu bạn thuyết trình cho những người lạ, thì có thể kết quả đã không ngọt ngào như vậy.
Năm 2009, khi tới nói chuyện với sinh viên Đại học Columbia, tỷ phú Warren Buffett đã nói một câu rằng:
"Bạn có thể nâng cao 50% giá trị bản thân bằng cách học kỹ năng nói trước đám đông"
Và, theo quan sát của cá nhân tôi, các doanh nhân lớn trên thế giới hay ở Việt Nam, không ai là không làm chủ kỹ năng quan trọng này cả. Khi bạn thuyết trình tốt, bạn kinh doanh tốt, bán hàng nhiều, và ngược lại.
Có thể nói rằng, khả năng “nói trước đám đông” sẽ phân biệt bạn với phần còn lại. Nhưng nắm bắt được nó lại không hề dễ dàng chút nào. Ngoài người bạn của tôi kể bên trên, chính bản thân tôi hay nhiều doanh nhân dày dạn khác mà tôi biết, đều có cảm giác căng thẳng mỗi lần thuyết trình.
Hiểu được điều đó, tôi viết bài này chia sẻ kinh nghiệm ít ỏi của mình sau gần 10 năm liên tục rèn luyện. Với hi vọng, sẽ giúp được những người sẽ làm những công việc liên quan đến thuyết trình có thêm nguồn tham khảo.
PHẦN TINH TUÝ NHẤT NẰM Ở PHẦN GẦN CUỐI BÀI, CÁC BẠN ĐỪNG BỎ LỠ!
Trong phạm vi một bài viết, tôi cho rằng, những điều sau đây sẽ giúp bạn có được kỹ năng thuyết trình tốt.
1. Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng này
Nói đến doanh nhân, nói đến doanh nghiệp, là nói đến marketing, bán hàng, hay gọi vốn. Kỹ năng “nói trước đám đông” sẽ giúp người kinh doanh nâng cao hiệu quả của những việc nói trên một khi anh ta / cô ta làm chủ được nó.
2. Đây là một kỹ năng có thể học được
Chúng ta không ai sinh ra là có sẵn khả năng này mà không cần học tập và rèn luyện cả. Kể cả những người giỏi nhất, thì cũng đã từng bắt đầu một cách đầy lo lắng, bối rối và trải qua nhiều lỗi thông thường như nói lắp, quên nội dung nói, tim đập chân run, vã mồ hôi hột…Nhưng chúng ta có thể học, rèn luyện và làm chủ nó.
3. Dám làm
Một khi đã nhận thấy kỹ năng này quan trọng với công việc, với sự nghiệp và với việc.kinh doanh của mình, bạn hãy dấn thân, hãy dám trả giá để học nó. Bạn nghĩ thử xem, khi đi đấu thầu một dự án, hay trình bày một ý tưởng kinh doanh, chỉ vì bạn.thuyết trình không tốt và khiến công ty mất đơn hàng, điều đó sẽ rất đau lòng.
4. Luôn tự tạo cho mình cơ hội để tập luyện
Bắt đầu bằng những nhóm nhỏ, có thể là đội của bạn trong công ty, có thể là bạn bè của bạn. Hay thậm chí, chọn một chủ đề yêu thích, và rèn luyện trước gương hay trước camera, ghi hình, xem lại và cải thiện.
5. Trăm hay không bằng tay quen (practice makes perfect)
Thuyết trình cũng giống như bạn lái xe, bạn làm nhiều thì sẽ giỏi lên, không có lối tắt nào khác. Chỉ cần bạn có dũng khí bắt đầu, lần thứ 2 sẽ tốt hơn lần đầu tiên, 6 tháng.sau sẽ tốt hơn so với lúc bắt đầu.
6. Chuẩn bị kỹ càng trước buổi thuyết trình
Ngoài việc thiết kế slide đẹp với sự cân bằng giữa hình ảnh và văn bản, bạn cần dành thời gian rehearse (tập dượt). Tốt nhất nên tập hợp được khoảng 5 10 người, là đồng nghiệp hoặc bạn bè, ngồi nghe và góp ý cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải chuẩn bị những thiết bị đi kèm như bút điều khiển (laser pointer), cable, đầu nối chuyển đổi, âm thanh,… và test thử chúng hoạt động ổn không.
7. Tự trào
Trước khi bạn bắt đầu thuyết trình, hãy làm cho khán giả cười một chút bằng kỹ năng pha trò (joke). Cá nhân tôi thấy rằng, khiến người khác cười mà không xúc phạm tới.họ thì ‘tự trào’ (self-depressing humour) là một cách an toàn. Khi bạn làm người nghe cười, phần sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào bối cảnh của buổi thuyết trình. Nếu thuyết trình cho khách hàng trong một buổi bán hàng thì bạn cần hài hước một cách chừng mực và nhẹ nhàng. Tôi tự rèn luyện khiếu hài hước bằng cách quan sát các diễn giả có phong cách hài hước sử dụng các mảng miếng và tôi sưu tập những mảng miếng đó.
Ngoài ra, tôi cũng mua một số khóa học về “Hài độc thoại” trên Udemy hay Masterclass để giúp mình trở nên hài hước hơn khi thuyết trình.
8. Chân thành
Khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng, bạn hãy bước ra sân khấu với sự chân thành. Hãy là chính mình, thể hiện những cảm xúc chân thật nhất. Chân thành sẽ giúp bạn kết nối thật sâu với người nghe hơn là bất cứ kỹ thuật nào khác.
9. Tự tin
Cách để tự tin khi bước ra sân khấu, là bạn tự nhắc mình rằng, mình.đang đứng đây để cho đi điều gì đó, hữu ích và có ý nghĩa tới những người đang nghe. Đương nhiên, nội dung mà bạn sẽ thuyết trình thực sự.cung cấp cho người nghe những thông tin, kiến thức, bài học…bổ ích, đáng giá.
10. Tìm đồng minh
Ở giai đoạn mở đầu bài thuyết trình, bạn nên cố gắng tìm một vài người có giao tiếp bằng ánh mắt (eye-contact) tốt với bạn. Đó chính là đồng minh, những người ủng hộ bạn.
Theo kinh nghiệm của tôi, qua hầu hết những buổi mà tôi thuyết trình, luôn tồn tại ít nhất khoảng 15% những người có giao tiếp ánh mắt mang tính cổ vũ cho bạn. Những người này sẽ giúp bạn vững tin và trình bày một cách bình tĩnh, trôi chảy.
11. Di chuyển
Để tránh cho bạn việc bị tê cứng đôi chân trong khi thuyết trình, bạn nên cố gắng di chuyển qua lại ở các khu vực trên sân khấu, kết hợp với cử động tay theo nội dung thuyết trình. Khi bạn đứng một chỗ, bạn sẽ vừa làm mất sự chú ý của người nghe, vừa làm cho cơ thể trở nên căng thẳng hơn.
12. Và, phần quan trọng nhất – Cấu trúc bài thuyết trình hiệu quả!
Có một kỹ thuật tôi thường xuyên sử dụng. Tôi sử dụng trong các buổi đào tạo nội bộ, đào tạo cho doanh nghiệp của bạn, lúc tôi đứng lớp ở trường Đại học, lúc tôi đứng trước camera sản xuất các khóa học online, hay lúc đào tạo cho một.số tổ chức kết nối thương mại mà tôi đang tham gia. Đó chính là sử dụng kỹ thuật Storytelling (kể chuyện).
Nếu các bạn xem các chương trình như Ted Talk, Mindvalley Talk, Google Talk hay những bài thuyết trình của Steve Job, Bill Gate…thì sẽ thấy rằng họ thường xuyên dùng kỹ thuật này. Kể cả khi có những bài nói chuyện với rất nhiều dữ kiện và biểu đồ, họ cũng khéo léo lồng vào những câu chuyện, tạo điểm nhấn, tạo cảm xúc và khiến người nghe nhớ lâu.
Có 1 nghiên cứu về chương trình Ted Talks chỉ ra rằng:
85% những buổi nói chuyện thành công nhất và đạt nhiều triệu view trên Youtube, đều dùng những câu chuyện làm xương sống (story-centric), bất cứ là nội dung nói về ngành nào, nói ở thời điểm nào.
Steve Denning, một tác giả nổi tiếng, từng có nhiều thập kỷ làm việc cho World Bank, có viết một lần trên Forbes rằng:
"Why storytelling? Simple: nothing else works"
Đại ý: "Tại sao lại là Kể chuyện? Đơn giản thôi: vì không có gì khác hiệu quả hơn"
Hay, Bryan Eisenberg, một tác giả nổi tiếng khác, một chuyên gia marketing online hàng đầu khác cũng có nói:
“Fact tells, stories sells”
Đại ý: “Dữ kiện thì diễn đạt điều gì đó, còn câu chuyện mới giúp bán hàng”.
Ngành marketing ở Thái Lan thì trứ danh với các video quảng cáo vừa hài hước, vừa giàu cảm xúc, được yêu thích và ghi nhớ rất lâu bởi người xem. Và họ cũng sử dụng những câu chuyện để thực hiện điều đó.
Trong những bài thuyết trình của mình, việc tôi thường làm là chọn trước những thông điệp cốt lõi, những bài học, hay những hành động mà tôi cần truyền đạt tới người nghe và sau đó chọn những câu chuyện phù hợp để truyền tải.
Câu chuyện có thể là của tôi, có thể là của một người mà tôi quen biết, hoặc có thể lấy từ một điển tích, điển cố từ Đông sang Tây hay các câu chuyện của các danh nhân Việt Nam.
Kết thúc câu chuyện, chính là những takeaway (rút tỉa), lesson learnt (bài học) hay call-to-action (kêu gọi hành động).
Trí não của con người rất thích những câu chuyện. Từ nhỏ, chúng ta cũng được bà hoặc mẹ kể cho những câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Hay, một hãng phim lớn như Hollywood cũng có thể đầu tư vài trăm triệu dollar cho một câu chuyện ở dưới dạng một bộ phim. Vì họ biết, khán giả của họ thích các câu chuyện.
Triết gia, nhà thơ người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói rằng:
“Speech is powerful. Speech is to persuade, convert and compel“.
Đại ý: “Lời nói sức mạnh. Lời nói dùng để thuyết phục, để chuyển hoá và để bắt buộc”.
Kỹ năng thuyết trình, hay “nói trước đám đông” là một kỹ năng vô cùng quan trọng cho những người làm kinh doanh. Và đối với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan tới bán hàng, marketing, gọi vốn…thì nó lại càng quan trọng hơn.
Làm chủ khả năng thuyết trình, sẽ giúp cải thiện được rất nhiều điều từ việc đào tạo nội bộ đến chốt các hợp đồng lớn. Hãy dành thời gian luyện tập, và sẽ có ngày bạn hái quả ngọt.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận