24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kỷ băng hà Corona nhưng mặt trời sẽ tiếp tục toả sáng ở Việt Nam

"Đại dịch rồi sẽ qua đi, mây đen rồi sẽ nhanh kết thúc, để bầu trời tiếp tục toả sáng ở Việt Nam"

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, thế giới rồi đây sẽ bước vào một trong những cơn suy thoái lớn nhất trong vòng một thế kỷ qua để nói về hậu quả khốc liệt của Covid-19. Ngay cả vậy, chúng cũng chưa diễn đạt hết tầm mức sâu rộng và hãi hùng của cuộc đại khủng hoảng Covid-19.

Vai trò 3 trong 1 của chính sách tài khoá, tiền tệ

Suy thoái hay khủng hoảng kinh tế tài chính, như thường thấy, cũng là một quá trình đổ vỡ tuần tự và bắt nguồn từ một khâu yếu nhất của nền kinh tế. Trong khi đó, Covid-19 giống như một cú rơi thẳng đứng chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Mọi thứ, mọi dữ liệu mà chúng ta thấy trước đó liền đã thay đổi hoàn toàn. Phong toả một khu vực, biên giới rồi lại nới lỏng, rồi lại tiếp tục phong toả là những phản ứng chính sách thay đổi liên tục của chính phủ nhiều nước trước các dữ liệu đầu vào liên tục biến động theo tốc độ của virus Corona.

Giống như khi ta đang rơi xuống hố sâu, phải quơ quào liên tục với hy vọng tìm mọi cách có thể níu kéo bất kỳ thứ gì là cứu cánh sinh tồn; những phản ứng liên tục thay đổi của chính phủ các nước giờ không còn là điều gì đó bất thường “thời Covid-19” và hầu như luôn nhận được sự đồng tình của tuyệt đại người dân trên thế giới.

Chẳng những các hoạt động kinh tế, các thị trường tài chính toàn cầu cũng đột ngột đóng băng, “ngắt cầu dao”. “Kỷ băng hà Corona” - ngay cả khi gọi như thế cũng chưa chắc đã nói hết về hậu quả của Covid-19.

Không có bất kỳ một lý thuyết kinh tế học hoặc công cụ tài khoá, tiền tệ nào trong lịch sử có thể sử dụng trong kỷ băng hà Corona. Toàn bộ hoạt động kinh tế và thị trường tài chính đồng loạt nghỉ đông, chỉ duy nhất chính phủ còn hoạt động. Vì vậy, cũng chỉ có duy nhất chính phủ là người cho vay cuối cùng, người gánh nợ cuối cùng và là người mua cuối cùng. Đó là tất cả những gì mà chúng ta quan sát thấy chính phủ các nước trên thế giới thực hiện để tồn tại và mong chờ hồi phục sau đại dịch.

Với Việt Nam, may mắn là Chính phủ đã có những phản ứng chính xác theo kiểu “bên miệng hố chiến tranh” ngay từ đầu. Cú sốc Covid-19, vì vậy chưa đến mức nghiêm trọng làm cho nền kinh tế rơi thẳng đứng, nhưng cũng không khác gì mây đen bỗng đột ngột che sầm mặt trời đang toả nắng.

Cũng không nằm ngoài vùng ngoại vi phản ứng chính sách thời chiến như ở các quốc gia, Chính phủ đã có những phản ứng chính sách theo phương châm “làm bất kỳ điều gì có thể”. Làm bất kỳ điều gì có thể, chắc chắn vẫn sẽ là kim chỉ nam hành động cho cuộc chiến chống đại dịch cho các giai đoạn tiếp theo. Nhưng chúng ta phải có những đột phá và sáng tạo, chứ không thể theo đường mòn lối cũ để rồi rơi vào thế bế tắc.

Theo đó, vai trò 3 trong 1 của chính sách tài khoá, tiền tệ là một cơ chế mới mà Chính phủ cần tạo ra để triển khai những giải pháp chưa có tiền lệ, mạnh mẽ và quyết liệt nhất giúp nền kinh tế hồi phục và bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch.

Trước hết, phải ưu tiên cao nhất cho các gói hỗ trợ an sinh xã hội

Vào những giờ phút này, có lẽ điều quan trọng nhất là người dân đang rất kỳ vọng Chính phủ cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa đối với các giải pháp cách ly xã hội. Nhưng cũng vì vậy mà các gói an sinh xã hội cần phải được đặt ưu tiên cao nhất.

Người lao động vì luôn sẵn sàng là bên bán (kỹ năng) để nhận về tiền công, nay bỗng nhiên các hoạt động kinh tế bị phong toả, họ cũng mất luôn “quyền bán”, mà phần lỗi hoàn toàn không thuộc về phía mình. Do vậy, Chính phủ phải hỗ trợ tiền mặt tới người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 để họ mưu sinh qua ngày. Đây là tính nhân văn của Nhà nước, nhưng cũng là lẽ công bằng phải có.

Trong bối cảnh ngân sách quốc gia eo hẹp, gói hỗ trợ an sinh xã hội lên đến 62.000 tỷ đồng vừa được Thủ tướng ký ban hành là liều thuốc giảm đau đầu tiên rất có ý nghĩa. Vấn đề lớn nhất hiện nay, trong bối cảnh mà người lao động muốn bán cái họ có, nhưng không bán được, thì hệ thống của chúng ta cũng lại đang quá dư thừa cái mà quá nhiều người bán song ai cũng... sợ mua. Đó có thể là đội ngũ viên chức quá dư thừa, nhưng thiếu kỹ năng đang tiêu tốn quá nhiều ngân sách quốc gia. Đó cũng có thể là đội ngũ quản lý ở các cấp không dám làm bất kỳ điều gì do bị con “virus trì trệ”, như phát biểu của Thủ tướng, làm tê liệt toàn thân.

Để đảm bảo tính công bằng trong các gói an sinh xã hội mà hoàn toàn không sử dụng đến ngân sách quốc gia, điều cần làm ngay là Chính phủ phải có kế hoạch cắt giảm lương của các cán bộ đang cung ứng cái mà ai cũng sợ. Thậm chí, có thể cho nghỉ việc ngay nếu không thoả mãn đủ các tiêu chí cán bộ cần thiết. Lúc này chính là thời điểm không thể tốt hơn để thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi” và “hãy đứng sang một bên để người khác làm”.

Theo ước tính, nếu các bộ, ngành, địa phương chỉ cần cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài thì sẽ tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng. Để đảm bảo tính công bằng, nên chăng, phần lớn toàn bộ số tiền 600-700 tỷ đồng này nên được sử dụng cho gói an sinh xã hội, bởi gói 62.000 tỷ đồng hiện nay vẫn còn chưa thấm là bao so với nỗi khổ của người lao động.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính - ai sẽ đóng vai người cho vay, người gánh nợ và người mua cuối cùng?

Nếu tính hết tất cả các gói an sinh xã hội và kích thích tài khoá, tiền tệ, con số có thể lên đến triệu tỷ đồng. Ngay cả như thế, may ra mới có thể giải quyết đúng ý nghĩa của từ “giảm đau”, thay vì “kích thích” kinh tế. Nếu tính đến cả các gói kích thích kinh tế để chuẩn bị cho nền kinh tế bật dậy sau này, con số phải cao gấp nhiều lần. Theo đó, ngoại trừ sử dụng các nguồn lực xã hội hoá và tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, tối ưu hoá vai trò 3 trong 1 của chính sách tài khoá, tiền tệ sẽ là giải pháp khả dĩ nhất. Bất kỳ lý thuyết kinh điển nào được viện dẫn vào lúc này cũng chính là chúng ta tự lấy đá ghè chân mình.

Với tư cách là người cho vay cuối cùng, Chính phủ phải đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ những thanh khoản thiết yếu nhất để giúp họ tồn tại và giữ chân người lao động. Nhìn rộng ra, Chính phủ phải bảo đảm thanh khoản, thậm chí bù lỗ cho tất cả ngành nghề nào thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc giảm lãi suất, phí và giá cả các loại dịch vụ thiết yếu.

Cũng không nằm ngoài vùng ngoại vi phản ứng chính sách thời chiến như các quốc gia, Chính phủ đã có các phản ứng chính sách theo phương châm ‘làm bất kỳ điều gì có thể’.

Với tư cách là người chi tiêu cuối cùng, Chính phủ phải là người mua lớn nhất trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng của quốc gia, thay cho các hình thức như PPP, BOT như trong thời bình. Và có thể, Chính phủ sẽ là người mua lớn nhất các mặt hàng dự trữ quốc gia như trang thiết bị y tế (nhất là máy thở), lúa gạo, xăng dầu.

Với tư cách là người gánh nợ cuối cùng, Chính phủ phải chủ động các phương án phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước và quốc tế tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách lớn sau khi đóng vai trò là người cho vay và chi tiêu cuối cùng.

Nhìn từ các gói giảm đau kinh tế khổng lồ của một số quốc gia, có thể thấy, trong thời chiến hầu như không còn và cũng không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng đâu là chính sách tài khoá và tiền tệ.

Chẳng hạn, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hứa hẹn bơm tiền không giới hạn để mua trái phiếu của khu vực doanh nghiệp cũng không khác gì một dạng “giống như” chính sách tài khoá. Hay việc Bộ Tài chính Mỹ phát tiền mặt cho dân, sau đó tài trợ cho nguồn tiền này bằng cách phát hành trái phiếu và người mua không ai khác chính là Fed. Điều này cũng không khác gì Bộ Tài chính đang triển khai một dạng “giống như” chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương thực thụ.

Để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cần phải nâng các gói an sinh xã hội và giảm đau kinh tế lên nhiều hơn và cũng để giúp nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phải phối hợp, cần có những bước đi sáng tạo, dũng cảm chưa có tiền lệ trong việc tạo ra các công cụ phi truyền thống trong cuộc chiến chống Covid-19. Thách thức lớn nhất là Chính phủ phải chuẩn bị sẵn các kịch bản “hoàn trả” các gói giảm đau nếu sau này kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, các gói hoàn trả hoàn toàn có thể xử lý được nếu sau này nền kinh tế bật dậy mạnh như chiếc lò xo bị kìm nén lâu ngày.

Thế giới đã đánh giá rất cao thành công của cả hệ thống chính trị và Chính phủ Việt Nam về những kết quả bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Những lời khen tặng thật lòng từ giới quan sát quốc tế sẽ càng giúp Chính phủ có thêm động lực, thêm sáng tạo mới, để giành thắng lợi trong cuộc chiến kinh tế còn đầy thách thức phía trước.

Đại dịch rồi sẽ qua đi, mây đen rồi sẽ nhanh kết thúc, để bầu trời tiếp tục toả sáng ở Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả