Kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung: Xử phúc thẩm 7 ngày, nghị án một tuần vẫn chưa tuyên án!
Ngày 19/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng trở lại xét hỏi và tiếp tục nghị án, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 26/7.
Như DĐDN đưa tin, phiên tòa xét xử phúc thẩm kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung khai mạc vào 3/7, sau 7 ngày xét xử, phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn tranh luận để chuyển sang nghị án, theo thông báo của HĐXX dự kiến ngày 19/7 sẽ tuyên án. Tuy nhiên, sáng ngày 19/7 HĐXX nêu lý do cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ và các căn cứ cáo buộc tội buôn lậu nên quay trở lại xét hỏi.
Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quan điểm kháng nghị là tịch thu toàn bộ lô gỗ và tăng hình phạt với vợ chồng chủ lô gỗ là bị cáo Liệu và Dung, tuy nhiên lại nói rằng không kết luận có tội hay không có tội mà quyền phán xét thuộc HĐXX.
Các bị cáo và luật sư bào chữa giữ quan điểm kháng cáo, đề nghị HĐXX tuyên vô tội, trả lại quyền lợi hợp pháp.
4 bị cáo tiếp tục kháng cáo kiêu oan tại tòa.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huy Liệu khẳng định: “Lô gỗ do Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào và đã làm thủ tục thông quan, đóng thuế đầy đủ, sau đó đã làm thủ tục Hải quan để xuất khẩu toàn bộ lô gỗ sang Hong Kong đúng quy định của nhà nước thì không thể cáo buộc Công ty Ngọc Hưng là buôn lậu được. Bởi không có một điều, khoản, điểm nào trong Bộ Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành chức năng quy định xử lý hình sự đối với người buôn bán gỗ có xuất xứ từ nước ngoài.
Theo pháp luật quy định hành vi phải xử lý hình sự là những tổ chức cá nhân có hành vi mua bán, xuất khẩu trái phép từ 7m3gỗ nhóm IIA là gỗ từ rừng tự nhiên của Việt Nam.
Đối với lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng: Bản kết luận điều tra bổ sung lần II số 25/KLĐTBS-C44-P4 (ngày 13/3/2015) của C44 Bộ Công an tại khẳng định: “Kết quả điều tra cho đến nay khôngcó tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc Công ty Ngọc Hưng bỏ thêm gỗ trắc, gỗ giáng hương (từ rừng tự nhiên trong nước) vào 22 container thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011.
Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 1661/TCHQ-TXNK (ngày 20/02/2014) gửi C44 Bộ Công an phân tích lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu hợp pháp vì đã làm đủ thủ tục thông quan và nộp thuế đầy đủ đúng quy định.
Bị cáo Trần Thị Dung-Giám đốc Công ty Ngọc Hưng nói lời sau cùng tại tòa khẩn thiết đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng “chấp pháp nghiêm minh” để giải oan cho doanh nghiệp. Kể từ khi bị cơ quan điều tra, khởi tố, hầu tòa đến nay đã 9 năm, khoảng thời gian đó gia đình đã xảy ra nhiều biến cố, cháu ruột là nhân viên của công ty đã tự vẫn vì cho biết bị bức cung, nhục hình, công việc làm ăn của công ty từ doanh nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Quảng Trị nay đang bên bờ vực phá sản.
Bị cáo Nhi và Thành cũng khẳng định đã làm đúng pháp luật khi kiểm hóa đủ 5% lô gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng theo quy trình của Hải Quan nên việc bị bản án sơ thẩm quy tội “thiếu trách nhiệm…” để phạt 09 tháng tù treo là oan.
Các bị cáo và luật sư bào chữa đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm số 35/2018/HSST (ngày 23/8/2018) của TAND TP. Đà Nẵng có nội dung tuyên phạt bị cáo Liệu 01 năm 16 ngày tù và 03 bị cáo Dung, Nhi, Thành mỗi người 09 tháng tù treo; bác bỏ toàn bộ nội dung Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 39/QĐ-VC2 ngày 14/9/2018 của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; đình chỉ vụ án; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và Công ty Ngọc Hưng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận