Kinh tế vùng biên vẫn dựa vào nông nghiệp
Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 20
Theo bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Thị trường châu Á và châu Phi (Bộ Công Thương), việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, có 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.
Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp.
Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha, tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa, bà Oanh cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mặc dù đang đối mặt với đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế tại các tỉnh khu vực biên giới nhất là khu vực biên giới cửa khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống chợ, hạ tầng điện, nước và dịch vụ viễn thông…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như kinh tế xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước. Cơ cấu kinh tế bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo ở khu vực biên giới; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, ông Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở khu vực biên giới tuy là ngành chủ đạo nhưng còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá, nhất là hàng hoá xuất khẩu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu như trung tâm logistics, các hạ tầng thương mại biên giới như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.
Những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan như thiếu vốn cho đầu tư phát triển, vốn chủ yếu nhà nước nhưng ít, dàn trải; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp. Đặc biệt, thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: “Hiện chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cửa khẩu, chưa có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, một cách căn cơ các vấn đề liên quan đến sự phát triển của cửa khẩu”.
Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển bứt phá trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Diên chỉ ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới… Ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ.
Cần nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận