24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Đặng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán

Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định, triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô, dù có những rủi ro từ bên ngoài.

Kinh tế vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán

Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB

Ông dự báo các yếu tố bên ngoài sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024?

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị gia tăng, cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải trên biển Đỏ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng; lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.

Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024, nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 - 0,3%.

Đối với Việt Nam, với dữ liệu kinh tế khả quan trong quý I/2024, nhiều tổ chức trong đó có UOB đánh giá, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6 - 6,5% là khả thi.

Trong quý đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng tăng trưởng cao. Các yếu tố chính củng cố triển vọng sáng của Việt Nam trong năm nay là nhu cầu nội địa, hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại. Sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và châu Á, khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Dự báo tăng trưởng năm 2024 của UOB cho Việt Nam là 6%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao trong thời gian dài khiến tỷ giá chịu nhiều áp lực. Ông dự báo khi nào thì Fed sẽ cắt giảm lãi suất?

Trong cuộc họp tháng 5/2024, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25 - 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất đã được Fed duy trì kể từ tháng 7/2023, cũng là mức lãi suất cao kỷ lục trong 2 thập kỷ qua. Do lạm phát cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu về việc họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn. Việc cắt giảm lãi suất chỉ được kỳ vọng khi Fed tin rằng lạm phát đang chậm lại, có thể lùi xuống mức 2%. Trong bối cảnh đó, đồng USD mạnh lên, dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, UOB dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Theo đó, sức mạnh đồng USD sẽ giảm trong những tháng tới và đồng Việt Nam có thể phục hồi về mức 24.000 VND/USD vào cuối năm 2024.

Ông có nhận định gì về lạm phát, chính sách tiền tệ của Việt Nam từ nay đến cuối năm 2024?

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có UOB đánh giá, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% năm 2024 của Việt Nam là khả thi.

Lạm phát có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các cấu phần chính trong rổ hàng hóa tính toán chỉ số giá tiêu dùng như giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, chi phí y tế, giáo dục chịu áp lực tăng. Các diễn biến nóng trên toàn cầu như xung đột quân sự, rủi ro vận tải biển, biến đổi khí hậu là các nguyên nhân chính gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam có một số cơ sở thuận lợi trong việc kiểm soát lạm phát từ cả cơ cấu tự chủ hàng hóa thiết yếu sản xuất trong nước và kinh nghiệm phối hợp các chính sách tiền tệ, tài khóa. Chúng tôi dự báo, lạm phát quý II/2024 trong khoảng 3,5 - 4% và lạm phát cả năm 2024 là 3,8%.

Về chính sách tiền tệ, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn mức 4,5%/năm như hiện nay. Đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro là bài toán khó của các nhà đầu tư trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường. Theo ông, làm thế nào để nhà đầu tư vượt qua được sự bất ổn?

Điều quan trọng nhất là đầu tư dài hạn và chọn được các doanh nghiệp chất lượng, vì các công ty chất lượng với mô hình kinh doanh tốt sẽ tạo ra lợi nhuận đầu tư ổn định với mức độ biến động thấp hơn.

Để xây dựng một danh mục đầu tư linh hoạt có thể vượt qua biến động của thị trường và mang lại lợi nhuận ổn định theo thời gian, hãy kết hợp những tài sản có độ an toàn cao hơn và tài sản có tiềm năng tăng giá vốn. Đa dạng hóa giữa các khu vực và lĩnh vực khác nhau cũng sẽ giúp giảm bớt sự biến động trong danh mục đầu tư.

Nếu đầu tư để kỳ vọng cổ tức, tôi rất thích thị trường châu Á, trừ Nhật Bản. Trong khi đó, định giá cổ phiếu ở thị trường châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) hiện vẫn thấp hơn ở các khu vực khác khi P/E chỉ là 9,1 lần. Đây được xem là lựa chọn của các nhà đầu tư cổ phiếu khi tìm đến thị trường châu Á, bao gồm Việt Nam.

Là chuyên gia tư vấn quản lý tài sản, ông có thể đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư trẻ với nguồn thu nhập chính từ lương làm cách nào để có thể xây dựng một tương lai tài chính vững chắc?

Trước hết, để đề phòng những trường hợp không lường trước được, hãy dành một phần tiền lương làm tiền tiết kiệm. Sau đó, đặt ra các mục tiêu tài chính trung hạn, dài hạn và vạch ra kế hoạch tài chính cho bản thân. Xác định mức độ rủi ro có thể chấp nhận trong đầu tư và xem xét mức độ chấp nhận rủi ro ở những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Đối với những người không có khả năng đầu tư một lần với số tiền lớn, hãy xem xét việc tiết kiệm thường xuyên, vì nó sẽ cho phép bạn đầu tư một số tiền cố định hàng tháng.

Lời khuyên đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư trẻ là hãy bắt đầu sớm. Theo thời gian, bạn có thể khai thác sức mạnh của lợi nhuận gộp và vượt qua các giai đoạn biến động của thị trường. Sức mạnh của lợi nhuận gộp không hề bị phóng đại, vì việc tái đầu tư thường xuyên lợi nhuận và cổ tức có thể làm tăng đáng kể khoản đầu tư ban đầu.

Những rủi ro từ bên ngoài như việc Fed chậm thực hiện giảm lãi suất, đồng USD mạnh lên, các xung đột địa chính trị trên thế giới leo thang… sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2024. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường vẫn khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô như nhu cầu tiêu dùng nội địa cải thiện, môi trường lãi suất thấp, vốn FDI tiếp tục tăng, đầu tư công được thúc đẩy…, bên cạnh đó là quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,244.50 +9.80 (+0.79%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả