24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quan Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý 1 dù bất động sản còn ảm đạm

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 5,3% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự báo trong quý 1 năm nay, bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu qua đáy...

Đây là một sự tăng tốc so với mức tăng 5,2% đạt được vào quý 4 năm ngoái, đồng thời vượt xa mức dự báo tăng 4,6% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

So với quý 4/2023, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 1,6%, cao hơn so với mức dự báo là tăng 1,4% và số liệu tăng trưởng sau điều chỉnh của quý trước là 1,2%. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024, bằng với mục tiêu đặt ra cho năm ngoái.

Nhận định về số liệu tăng trưởng mà Trung Quốc vừa công bố, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nói rằng sự tăng trưởng có được một phần nhờ nhu cầu bên ngoài. Xuất khẩu quý 1 của Trung Quốc tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một báo cáo ra ngày 16/4, ông Zhang nhận định kết quả tăng trưởng mạnh mẽ của quý 1 sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc hài lòng với lập trường chính sách hiện nay. “Với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đã giảm xuống, tôi cho rằng khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cũng giảm”, vị chuyên gia nói thêm.

Ông Zhang lưu ý việc PBOC ngày 16/4 đưa ra tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ở mức 7,1028 nhân dân tệ đổi 1 USD, yếu hơn mức 7,0979 nhân dân tệ/USD của ngày hôm trước. Việc đưa ra tỷ giá tham chiếu thấp hơn cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang sẵn sàng chấp nhận để cho tỷ giá hối đoái diễn biến linh hoạt hơn - ông Zhang nói. Đồng nội tệ yếu sẽ hỗ trợ cho khu vực xuất khẩu của Trung Quốc, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nhân dân tệ đã liên tục giảm giá trong thời gian gần đây, khi kinh tế Trung Quốc vẫn đuối sức và PBOC nghiêng về nới lỏng trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng vững và Fed trì hoãn việc hạ lãi suất. Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nói rằng có hai điều cần xảy ra để chấm dứt vòng xoáy giảm giá của đồng nhân dân tệ: hoặc Fed bắt đầu giảm mạnh lãi suất hoặc đồng nhân dân tệ phải hình thành một mức đáy nào đó. Tuy nhiên, cả hai điều này đều khó xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Tỷ giá yên so với USD đang ở mức đáy của 5 tháng và đã giảm 1,9% so với đồng USD trong năm nay - một xu hướng bị đẩy mạnh do giới đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi Trung Quốc. Nếu so với thời điểm đầu năm 2023, nhân dân tệ hiện đã giảm giá 5% so với USD, từ mức 6,7 nhân dân tệ/USD về mức 7,24 nhân dân tệ/USD.

Báo cáo ngày 16/4 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 3 chỉ tăng 4,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 6%. Doanh thu bán lẻ tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 4,6%.

Nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của công ty quản lý đầu tư và tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) nhận định tăng trưởng sản lượng công nghiệp yếu hơn dự báo của Trung Quốc trong tháng 3 là một hệ quả của tăng trưởng yếu trong sử dụng công suất sản xuất công nghiệp. Cũng theo ông Pang, sự giảm tốc của doanh thu bán lẻ là một điều gây ngạc nhiên.

“Chúng tôi dự báo nỗ lực chính sách của Trung Quốc nhằm thúc đầy đầu tư trang thiết bị, cũng như làm mới và thay thế sản phẩm, có thể tiếp tục mang lại một cú huých tạm thời cho nhu cầu nội địa và đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 5%”, ông Pang nói.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 tại các thành phố lớn của Trung Quốc giảm nhẹ còn 5,2%, chấm dứt chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp.

Tuần trước, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thực của Trung Quốc năm nay lên 4,8%, từ mức 4,2% đưa ra trong lần dự báo trước. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu và lạm phát tháng 3 của Trung Quốc công bố mới đây đều yếu hơn dự báo.

Bức tranh ngành bất động sản của Trung Quốc cũng tiếp tục ảm đạm, với đầu tư bất động sản quý 1 giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích sàn bất động sản thương mại được trong quý đạt 226,68 triệu mét vuông, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, “gã khổng lồ” địa ốc Evergrande nhận được lệnh thanh lý tài sản từ toà án, trong khi một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là Country Garden đối mặt khả năng phải thanh lý.

Gần đây nhất, có thêm một “ông lớn” địa ốc Trung Quốc là China Vanke cho biết đang đứng trước “khó khăn hoạt động” và “áp lực thanh khoản ngắn hạn”.

Khó khăn của ngành bất động sản được phản ánh rõ trên thị trường chứng khoán, với chỉ số Hang Seng Mainland Property Index đo giá cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 19% từ đầu năm đến nay và giảm khoảng 50% trong 12 tháng qua.

Theo ông Pang, dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 1 là mạnh hơn dự báo, đây là sự tăng trưởng không cân bằng. “Niềm lạc quan có thể sẽ bị ghìm lại bởi sự ảm đạm của nhu cầu trong nước. Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng”, vị chuyên gia nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả