Kinh tế Trung Quốc khó tăng trưởng trong năm 2020
Kết quả một cuộc khảo sát độc lập của China Beige Book có trụ sở tại Hoa Kỳ vừa được công bố hôm thứ Ba (23/6 - giờ Bắc Kinh) cho thấy, sự phục hồi trong quý hai từ sự suy giảm mạnh trong quý đầu năm chỉ ở mức khiêm tốn.
“Trừ khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ hơn, sự cải thiện hàng quý khiêm tốn như vừa thấy sẽ tạo ra sự thu hẹp trong cả năm 2020”, Báo cáo khảo sát được thực hiện với hơn 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc cho biết. “Mức tăng so với quý I là không đáng kể. Các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, tài sản và hàng hóa đều chứng kiến doanh thu và lợi nhuận được mở rộng”, báo cáo cho biết song lưu ý rằng các số liệu vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi liên tục trong vài tháng qua sau khi những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus đã buộc hơn một nửa đất nước phải kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất một tuần vào tháng Hai. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã bị thu hẹp tới 6,8% trong quý đầu tiên.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 3% trong năm nay. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ được dự báo sẽ thu hẹp tới 6% trong năm nay; trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia duy nhất trong số 16 được IMF liệt kê được dự báo sẽ tăng trưởng dương - lần lượt là 1,2% và 1,9%.
Báo cáo về nền kinh tế Trung Quốc trong vài tháng qua cũng có một số điểm sáng, chẳng hạn như mua sắm trực tuyến tăng và các nhà sản xuất địa phương đang cố gắng sử dụng năng lực hiện có để khuyến khích người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn. Bằng chứng là trong tháng Năm, nhập khẩu giảm mạnh nhất trong 4 năm.
Trong khi đó, sự bùng phát của coronavirus tại nhiều quốc gia trên thế giới đang khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh và điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc do xuất khẩu vẫn là một trong những trụ cột của kinh tế nước này. Theo đó, mặc dù chính phủ Trung Quốc đang cố gắng chuyển hướng nền kinh tế sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn chiếm khoảng 19,5% GDP quốc gia năm 2018, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng Năm, sau khi tăng bất ngờ trong tháng Tư. Điều đó cho thấy “những cơn gió ngược vẫn tồn tại từ thị trường nước ngoài”, Ting Ting Lu - Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai. “Chúng tôi cảnh báo rằng sự gia tăng xuất khẩu vật tư y tế liên quan đến coronavirus trong hai tháng qua phần lớn là do giá cả tăng vọt, có khả năng không bền vững”.
“Nhìn chung, sau khi hồi phục mạnh mẽ từ giữa tháng ba đến giữa tháng sáu, chúng tôi hy vọng đà phục hồi sẽ yếu hơn trong vài tháng tới”, vị chuyên gia này nói. “Chúng tôi dự báo một con đường phục hồi gập ghềnh đầy bất trắc, vì Trung Quốc bị kẹt giữa chính sách kích thích trong nước, các quy định giãn cách xã hội còn lại và nhu cầu bên ngoài sụt giảm”.
Lấy ví dụ như Quảng Đông, tỉnh xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm khoảng một phần tư xuất khẩu và 11% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên hiện Quảng Đông đang là một trong những khu vực hoạt động tồi tệ nhất ở Trung Quốc và là khu vực ven biển lớn duy nhất mà sự tăng trưởng vẫn còn bị thu hẹp trong quý II, theo Shehzad Qazi - Giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu.
“Vì vậy, sự phục hồi của các đơn hàng địa phương chắc chắn không bù đắp được sự yếu kém liên tục của nhu cầu xuất khẩu”, Qazi cho biết trong một email, lưu ý rằng 38% doanh nghiệp trong khu vực báo cáo sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nói rằng nhiều hơn 10%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận