Kinh tế Trung Quốc cần có thời gian để phục hồi
Trong một cuộc khảo sát mới đây của China Beige Book, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cho biết, quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc đại dịch Covid-19.
Theo đó, sau khoảng một năm kể từ khi Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, khoảng 2/3 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn cho biết họ không mong đợi doanh số bán hàng, lợi nhuận và tuyển dụng sẽ trở lại mức năm 2019 tại thời điểm này. China Beige Book đã thực hiện hơn 3.300 cuộc phỏng vấn từ ngày 12/11 đến ngày 11/12/2020 trong cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh hàng quý mới nhất của mình.
Triển vọng không mấy sáng sủa của cuộc khảo sát trái ngược với những dự báo lạc quan nói chung khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới, được dự kiến sẽ tăng trưởng dương trong năm nay, sau đại dịch.
Các ý kiến bình luận của Chính phủ Trung Quốc trong vài tuần qua cũng báo hiệu những lo ngại về tăng trưởng kinh tế nói chung. Trong khi các nhà kinh tế dự đoán GDP của Trung Quốc có thể sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, thì người tiêu dùng cho đến nay đã và vẫn chi tiêu ít hơn so với năm ngoái vì đa phần không chắc chắn về thu nhập của họ trong tương lai. Trung Quốc hiện đang mở rộng các biện pháp hỗ trợ tới các doanh nghiệp nhỏ nhất của đất nước, một nỗ lực phục hồi kinh tế sau cú sốc của đại dịch.
Cũng theo báo cáo khảo sát của China Beige Book, trong quý IV/2020, mức tăng trưởng doanh số bán hàng đối với hàng xa xỉ, thực phẩm và quần áo đã giảm mạnh so với quý trước. Các công ty trong các phân ngành này ghi nhận biên lợi nhuận thu hẹp hơn, cũng như khối lượng bán hàng và mức tăng trưởng tuyển dụng yếu hơn.
Tuy nhiên, điều đó lại trái ngược với hiệu quả hoạt động tốt hơn của các đại lý ô tô và nhà cung cấp đồ nội thất và thiết bị, cho thấy các hộ gia đình giàu hơn có thể thúc đẩy mức tiêu dùng tổng thể bằng cách chi tiêu cho các mặt hàng có giá cả đắt đỏ.
Trong lĩnh vực dịch vụ, China Beige Book cũng cho thấy lợi nhuận quý IV/2020 không phải do nhu cầu tiêu dùng thúc đẩy, mà đến từ các ngành phục vụ nhu cầu kinh doanh như viễn thông, vận chuyển và dịch vụ tài chính.
Báo cáo cũng cho thấy, phân khúc chuỗi nhà hàng không tăng trưởng nhiều, trong khi du lịch không tăng trưởng và dịch vụ khách sạn ghi nhận doanh thu thấp nhất. So với sự gia tăng xuất khẩu, thì nhập khẩu của Trung Quốc đã bị đình trệ kể từ khi phục hồi ban đầu sau cú sốc của quý đầu tiên trong năm 2020.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh trong nước để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các khoản cho vay dành cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Các tổ chức này đóng góp vào phần lớn tăng trưởng và việc làm ở Trung Quốc, nhưng thường khó vay vốn từ các ngân hàng hơn các doanh nghiệp nhà nước, vốn chủ yếu cũng thuộc sở hữu nhà nước.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông báo rằng, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có thể hoãn trả khoản vay trong quý đầu tiên của năm tới nếu cần. Theo một tuyên bố của chính phủ, các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp nhỏ này với sự trợ giúp của chính phủ có thể tiếp tục giữ mức hỗ trợ nếu phù hợp.
Cùng với đó, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước là một phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế bền vững của Bắc Kinh trong những năm tới. Trung Quốc đang cố gắng dựa nhiều hơn vào người tiêu dùng của mình để tăng trưởng, thay vì xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ.
Ông Nicholas Zhu, Phó chủ tịch kiêm nhân viên tín dụng cấp cao của Moody’s Investor Service, cho biết việc chính phủ phải đưa ra những chính sách này cho thấy vẫn còn những thách thức lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện tại, nền kinh tế đang dần trở lại bình thường, nhưng vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực sản xuất, cùng với đó, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang đối mặt với những thách thức đặc biệt.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn là một nơi thu hút đối với các tập đoàn trên toàn thế giới sau khi quốc gia này có thể kiểm soát dịch bệnh trong nước và trở lại mức tăng trưởng chung vào quý II.
Các trường hợp Covid-19 rải rác, gần đây nhất là ở thủ đô Bắc Kinh trong hai tuần qua, cũng như việc virus lây lan dai dẳng ra nước ngoài không còn được coi là đại dịch và cũng không phải là mối quan ngại lớn nữa đối với các nhà chức trách và doanh nghiệp Trung Quốc. Theo trang web của Cục Thống kê Quốc gia, dữ liệu kinh tế cả năm của Trung Quốc cho năm 2020 sẽ được công bố vào ngày 18/1 tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận