menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chính Đức

Kinh tế toàn cầu năm 2023: Tăng trưởng chậm lại trước nhiều cơn gió ngược

Trong các dự báo mới đây, các tổ chức quốc tế đều cắt giảm mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Thậm chí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva còn cảnh báo, k

Nguy cơ suy thoái hiện hữu

Trong một bài viết đăng trên blog mới đây, Tryggvi Gudmundsson - Nhà kinh tế thuộc Văn phòng nghiên cứu của IMF nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược như cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Còn nhớ trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 10/2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,7% trong năm 2023 từ mức 2,9% như trong dự báo hồi tháng 7. Đáng chú ý IMF dự báo, 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Theo ước tính của IMF, thiệt hại toàn cầu do suy thoái kinh tế có thể lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2026, tương đương với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

Không chỉ IMF, nhiều tổ chức quốc tế lớn cũng cắt giảm mạnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm tới. Trong một báo cáo công bố mới đây, các nhà kinh tế của WB nhận định, động thái tăng mạnh lãi suất của các NHTW trên toàn thế giới trong thời gian qua có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các NHTW cần phải tăng thêm lãi suất. Đây là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Trong kịch bản này, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023. “Tăng trưởng toàn cầu đang giảm mạnh và có thể giảm hơn nữa do nhiều nước rơi vào suy thoái”, Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo.

Tương tự, trong báo cáo công bố ngày 26/9/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo OECD, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong thời gian qua là một động thái cần thiết để kiềm chế lạm phát, nhưng điều đó cũng có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Thắt chặt tiền tệ là một “yếu tố chính khiến tăng trưởng toàn cầu giảm tốc”, OECD nhấn mạnh. Theo đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 2,2%, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 6.

Gần đây nhất, ngày 5/12 hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó. “Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi”, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu (GEO) của Fitch Ratings nêu rõ.

Trong khi các dữ liệu kinh tế từ thời điểm mà các tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo trên đến nay đang cho thấy triển vọng ngày càng xấu hơn.

Theo nhà kinh tế Tryggvi Gudmundsson của IMF, chỉ số nhà quản trị mua hàng (thước đo hoạt động sản xuất và dịch vụ) của một loạt các nền kinh tế G20 xấu đi trong những tháng gần đây, cho thấy ngày càng có nhiều nền kinh tế G20 rơi vào lãnh thổ thu hẹp. “Điều đó đúng với cả các nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi, nhấn mạnh bản chất toàn cầu của sự suy thoái”, ông nói.

Phát biểu tại Hội nghị Reuters NEXT ngày 1/12/2022, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng cho biết, các chỉ số đánh giá gần đây cho thấy nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, ở dưới mức 2%.

Ứng phó thế nào?

Mặc dù lãi suất tăng cao được xem là một trong những nguyên nhân chính đẩy kinh tế toàn cầu giảm tốc; thế nhưng theo các chuyên gia, nếu không tăng lãi suất lạm phát cao có thể trở nên dai dẳng và sẽ gây ra nhiều nỗi đau hơn cho kinh tế toàn cầu. Đó đang là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách hiện nay.

“Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về sự suy giảm toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều đó đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, gây tổn hại nhiều nhất cho các nhóm thu nhập thấp và dễ bị tổn thương”, Nhà kinh tế Tryggvi Gudmundsson của IMF khuyến nghị. Theo ông, việc tiếp tục thắt chặt tài chính và tiền tệ có thể cần thiết ở nhiều quốc gia để giảm lạm phát và giải quyết các lỗ hổng nợ.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng thúc giục các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát; tuy nhiên bà cảnh báo, việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo dài.

Trên thực tế các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương lớn cũng tỏ rõ quyết tâm tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, song tốc độ và liều lượng tăng lãi suất sẽ thận trọng hơn.

Phát biểu sau quyết định tăng lãi suất cuối cùng trong năm 2022 với mức tăng chỉ là 50 điểm sau 4 lần tăng lãi suất ở mức 75 điểm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed có thể sẽ không nhất thiết phải tăng lãi suất sau mỗi cuộc họp chính sách trong năm tới, nhưng sẽ không có bất kỳ lần cắt giảm lãi suất nào.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng tuyên bố sau khi cơ quan này quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm tại cuộc họp cuối năm: “Dựa trên thông tin mà chúng tôi có được ngày hôm nay, dự đoán một mức tăng 50 điểm cơ bản khác trong cuộc họp tiếp theo của chúng tôi và có thể tại cuộc họp sau đó và sau đó nữa”.

Trong khi đó, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ là những yếu tố đang "kìm hãm tăng trưởng" kinh tế toàn cầu. Từ đó ông kêu gọi các nước tăng cường khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Theo ông, để giảm thiểu rủi ro, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp đối phó với việc tăng giá dầu và lương thực, tăng cường xóa nợ cũng như nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19.

“Những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt là rất lớn và các chỉ số kinh tế suy yếu chỉ ra những thách thức lớn hơn ở phía trước. Tuy nhiên, với hành động chính sách thận trọng và nỗ lực đa phương chung, thế giới có thể tiến tới tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện hơn”, Nhà kinh tế Tryggvi Gudmundsson của IMF cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả