Kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi bóng đen suy thoái do đại dịch
Chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phục hồi của các nền kinh tế.
Trong sáu tháng đầu năm, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được cải thiện, nhờ những nỗ lực bơm thanh khoản mạnh mẽ của các chính phủ cũng như các ngân hàng trung ương, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, mấu chốt cho việc đảm bảo sự phục hồi đồng đều trên toàn cầu vẫn là câu chuyện phân phối vaccine, đặc biệt là cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, vốn có những hạn chế hơn về nguồn lực tài chính.
Chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phục hồi của các nền kinh tế.
Khi ngày càng nhiều quốc gia gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, nhất là ở các nền kinh tế lớn, dịch đã từng bước được kiểm soát và việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng tăng tốc song hành.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trên toàn thế giới, với khoảng 16.000 tỷ USD hỗ trợ tài chính và việc bơm tiền mạnh tay của các ngân hàng trung ương.
Theo bà, nếu không có những biện pháp này, mức suy giảm của kinh tế toàn cầu vào năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với mức 3,5%.
Hồi đầu tháng Ba, IMF đã hoan nghênh gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật, đánh giá bước đi này vừa hỗ trợ tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới. Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho rằng gói cứu trợ sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ đạt 5-6% trong 3 năm tới.
Ngoài ra, nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ.
IMF nhận thấy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được cải thiện, nhờ hai động lực chính là Mỹ và Trung Quốc. Trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng 1,6% so với quý trước đó và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 18,3%.
Trong khi đó, trong quý I/2021, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,3% so với quý trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2021 ghi dấu quý suy giảm thứ hai liên tiếp của nền kinh tế Eurozone sau khi giảm 0,6% trong quý IV/2020, ngược với đà phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020.
Đà phục hồi chậm chạp tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch COVID-19 thứ ba đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt phong tỏa sau đó, trong khi tiến triển của chương trình tiêm chủng cũng như mở cửa nền kinh tế chậm chạp, và chương trình hỗ trợ tài chính cho năm 2021 yếu.
Nhà kinh tế cấp cao tại ING, Bert Colijn, nhận lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong thời gian còn lại của năm, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng cao và thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ. Các nước châu Âu hiện đang dần dỡ bỏ chính sách hạn chế, với các chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, GDP của Nhật Bản trong quý I/2021 thực tế chỉ giảm 1% so với quý trước đó và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức độ suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý I/2021 thấp hơn nhiều so với các ước tính ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh trong quý I/2021 là do tác động của tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 mà Chính phủ ban bố hồi đầu năm nay ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, và sau đó mở rộng ra 11 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi hoặc bị gánh nặng nợ nần, hoặc do lo ngại đồng nội tệ mất giá và dòng vốn "chảy ra" nên năng lực thực hiện chính sách vĩ mô ngược chu kỳ tương đối yếu, không gian tương đối hẹp, dẫn đến việc phục hồi kinh tế sau những tác động của đại dịch cũng tương đối chậm.
*Dù còn không ít rủi ro
Trước hết, đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn những trở ngại. Các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn trong vận tải biển, thiếu lao động và thiếu các nguồn cung như chất bán dẫn.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp tăng mạnh khi Mỹ thoát khỏi đại dịch và hoạt động xã hội được thúc đẩy, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ không đáp ứng kịp, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung cả vật liệu và lao động.
Khi nhu cầu vượt năng lực sản xuất, sức ép lạm phát tiếp tục gia tăng trong bối cảnh sự hỗ trợ về tài chính và tiền tệ được duy trì.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.
Tại châu Âu, dù tốc độ tăng trưởng phục hồi nhanh hơn dự kiến, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Largarde, cho rằng còn quá sớm để tranh luận về việc giảm bớt quy mô Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (hơn 2.240 tỷ USD).
Bà nói Eurozone đang ghi nhận dấu hiệu khởi sắc, nhưng sự phục hồi này cần phải ổn định và bền vững trước khi ECB có thể thảo luận về việc rút dần các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Với Nhật Bản, nhiều khả năng nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy thoái trong quý II/2021 sau khi dịch tái bùng phát, khiến chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh khác, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 9 tỉnh khác.
Tổng giám đốc IMF cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn phụ thuộc lớn vào diễn biến của đại dịch, khi tốc độ tiêm chủng vaccine không đồng đều và sự xuất hiện các chủng virus mới kìm hãm triển vọng tăng trưởng của nhiều khu vực.
Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tương đối lớn đối với hầu hết các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Nhiều nền kinh tế ở châu Á bao gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia trong những tháng gần đây đã chứng kiến làn sóng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới, trong khi tiến độ tiêm chủng ở khu vực này chậm hơn Mỹ và châu Âu.
Điều này buộc các nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Một số quốc gia châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore (Xin-ga-po) đang tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19. Diễn biến đó khá tích cực và cần được duy trì ổn định trong tương lai.
Tuy nhiên, các quốc gia khác bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa kiểm soát hiệu quả đại dịch và chưa có các chương trình tiêm chủng đủ mạnh.
Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế vẫn phải tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối vaccine, điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ chính sách cho các nước đang phát triển để thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng thoát khỏi bóng đen suy thoái do tác động của dịch.
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại những nước kém phát triển hơn, trong đó cần bổ sung nguồn quỹ để giúp các nước này mua vaccine và tái phân bổ lượng vaccine từ những nước thừa sang những nước thiếu vaccine./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận