24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (25/9-1/10): Trung Quốc bước vào tuần lễ vàng, Rủi ro suy thoái kép ở châu Âu

Trung Quốc bước vào tuần lễ vàng, Rủi ro suy thoái kép ở châu Âu, đàm phán thương mại Mỹ-Anh tiến triển nhanh... là các tin nổi bật trong tuần qua.

Kinh tế toàn cầu

G20 cam kết áp dụng mọi biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế

Trong tuyên bố chung mới đây, các Bộ trưởng Thương mại và đầu tư của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết áp dụng mọi biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng khả năng khôi phục và duy trì các chuỗi cung ứng của quốc gia, khu vực và toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh năng lực sản xuất và thương mại, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất dược phẩm, cũng như các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe khác, đảm bảo tất cả các nước được tiếp cận những mặt hàng này. (G20)

Mỹ-Anh

Ngày 22/9, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết, các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Mỹ và Anh đã tiến triển đến giai đoạn chuyên sâu. Tại vòng đàm phán thứ 4, hai bên đã có các cuộc thảo luận về tiếp cận thị trường liên quan đến các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, dịch vụ tài chính, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, trợ cấp công nghiệp, các biện pháp phòng vệ thương mại cùng các vấn đề khác. Mặc dù tiến triển nhanh chóng nhưng có một số yếu tố bên ngoài vẫn đe dọa kết quả đàm phán, nổi bật là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ tới; các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số; và tình trạng của biên giới Ireland. (Insidetrade)

Anh-EU

Các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh đang hy vọng về một bước đột phá tại các cuộc đàm phán trong tuần này về quan hệ thương mại song phương sau khi London rời EU, còn gọi là Brexit, bất chấp những bất đồng xung quanh một dự luật gây tranh cãi của London.

Một số quan chức của EU và Anh sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) từ ngày 28/9 để nỗ lực đạt được một thỏa hiệp về các vấn đề mà hai bên vẫn còn nhiều khác biệt trong các lĩnh vực quan trọng, kể từ khi các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại song phương trong tương lai bắt đầu 6 tháng trước. Cả London và Brussels đều đồng ý rằng, hai bên phải đạt được một hiệp định thương mại tự do song phương vào giữa tháng 10/2020 để có thời gian phê chuẩn trước khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (AFP)

Mỹ

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 28/9 cho biết, do tác động của cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những thập kỷ tới và gánh nặng nợ công sẽ tăng nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Mỹ sẽ là 1,6% từ năm 2020 cho đến năm 2050, thấp hơn 0,3 điểm % so với dự báo trước đó của CBO ​​vào tháng 6 năm 2019. (TG&VN)

Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn nhằm duy trì ngân sách của Chính phủ cho đến hết ngày 11/12, sau khi Đảng Dân chủ đạt được thoả thuận với Nhà Trắng về trợ cấp nông nghiệp và hỗ trợ lương thực. Dự luật này sẽ bổ sung thêm 21 tỷ USD theo đề xuất của Nhà Trắng cho Tập đoàn tín dụng hàng hoá (CCC) - một chương trình trong thời kỳ suy thoái nhằm hỗ trợ ổn định thu nhập của nông dân với việc cho phép vay tới 30 tỷ USD từ Bộ Tài chính để tài trợ cho các hoạt động của cơ quan này. Thoả thuận cũng đáp ứng một số quan tâm của Đảng Dân chủ khi cấm bất kỳ khoản thanh toán nào cho các nhà máy lọc và các nhà nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch, đồng thời bổ sung khoảng 8 tỷ USD cho các chương trình dinh dưỡng. (Wall Street Journal)

Trung Quốc

Từ ngày 1 đến 8/10, hàng năm là thời điểm diễn ra “Tuần lễ vàng” tại Trung Quốc, khi người dân nước này chính thức bước vào đợt nghỉ lễ dài nhân dịp Quốc khánh. Năm nay, nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com dự báo trong “Tuần lễ vàng” sẽ có hơn 600 triệu lượt người đi du lịch. Con số này của cùng kỳ năm ngoái là 782 triệu lượt (tạo nguồn thu 9,5 tỷ USD), trong đó trên 7 triệu người du lịch nước ngoài.

Theo trang web đặt vé du lịch trực tuyến Qunar.com, trong giai đoạn từ ngày 14/9 đến 1/10, số lượng đặt vé máy bay tuyến nội địa ở Trung Quốc cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, do giá vé máy bay rẻ để kích cầu, du khách chịu hạn chế việc du lịch quốc tế cũng như lo ngại quy định về cách ly trên khắp thế giới nên chỉ có thể bay tới các điểm du lịch trong nước. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ đến đúng dịp Tết Trung thu và Trung Quốc đã phần nào kiểm soát thành công dịch Covid-19. (Financial Times)

Ủy ban Phát triển và Cải cách, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin và Bộ Tài chính Trung Quốc phối hợp ban hành “Ý kiến chỉ đạo về mở rộng đầu tư đối với các ngành nghề chiến lược mới, xây dựng điểm tăng trưởng, cực tăng trưởng mới”, đề xuất 20 phương hướng trọng điểm và chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển chất lượng cao các ngành nghề chiến lược mới. Về các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm cần tập trung đầu tư, ý kiến yêu cầu tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành công nghiệp thông tin thế hệ mới, đẩy mạnh đầu tư xây dựng và thương mại hóa 5G; đẩy nhanh phát triển và đổi mới ngành công nghiệp sinh học; nghiên cứu, phát triển ngành vật liệu mới, năng lượng mới. (TG&VN)

Châu Âu

Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai và nhiều khả năng kinh tế của khu vực này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh. Các nhà kinh tế học từng dự báo, Eurozone sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã làm lung lay mức triển vọng này.

Rất nhiều Chính phủ đã thông báo lệnh phong tỏa mới, hoặc giảm tốc mở cửa lại nền kinh tế do số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu ngày 22/9, 2,9 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại châu Âu. Hiện, mỗi ngày, có trên 10.000 ca mắc mới tại Tây Ban Nha và Pháp. Chính vì vậy, Chris Williamson - kinh tế trưởng tại IHS Markit cảnh báo trên CNBC rằng: “Rủi ro suy thoái kép rất lớn” trong quý IV/2020. Số liệu công bố cho thấy, đà phục hồi tại Eurozone đã chững lại trong tháng 9. Chỉ số PMI tổng hợp (theo dõi cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất) chỉ đứng tại 50,1 - thấp nhất 3 tháng. Trong quý II/2020, GDP Eurozone giảm 11,8% - thấp nhất kể từ năm 1995. (CNBC)

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24/9 đã thông qua Gói tài chính kỹ thuật số mới (DFP) nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của châu Âu trong lĩnh vực tài chính. Gói mới bao gồm một số chiến lược và đề xuất, với nội dung cung cấp sự rõ ràng về mặt pháp lý đối với tiền điện tử và mở đường cho châu Âu trở thành khối xây dựng tiêu chuẩn trên toàn cầu.

EC cho biết, DFP sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn và cơ hội hơn trong các dịch vụ tài chính và thanh toán hiện đại, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và sự ổn định tài chính. Thông qua việc đưa ra các quy tắc an toàn hơn và thân thiện hơn đối với người dùng, EC hy vọng DFP sẽ thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm trong lĩnh vực tài chính của EU, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số có tính sáng tạo cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến bảo vệ nhà đầu tư, rửa tiền và tội phạm mạng. (European Commision)

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ngày 25/9 đã giữ nguyên xếp hạng nợ của nước Anh không thay đổi ở mức AA- và triển vọng ở mức tiêu cực, sau khi hạ cấp cả hai yếu tố trên vào tháng 3.

Việc Fitch giữ nguyên đánh giá “triển vọng tiêu cực" phản ánh tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Anh và dẫn đến sự suy thoái cụ thể trong tình hình tài chính công. Fitch dự báo thâm hụt tài chính của nước này sẽ gia tăng đáng kể trong năm nay và nợ chính phủ sẽ tăng lên tương đương hơn 120% GDP trong vài năm tới. Theo Fitch, thâm hụt ngân sách của Vương quốc Anh sẽ tăng từ tương đương 2,2% GDP năm 2019 lên lên 17,7% GDP trong năm nay và cao hơn nhiều so với mức của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010. Cơ quan này nhận định, sự leo thang trên là do các hoạt động kinh tế suy giảm và cùng ảnh hưởng từ các biện pháp do Chính phủ Anh áp đặt để chống lại đại dịch. (Fitch Ratings)

Nhật Bản và Hàn Quốc

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch hỗ trợ 1 triệu Yên (9.500 USD) cho những người quyết định chuyển từ thành phố lớn về các vùng nông thôn sinh sống và làm việc từ xa.

Kế hoạch này dự kiến sẽ bắt đầu vào tài khóa tới, tức tháng 4/2021. Làm việc từ xa đã được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Xu hướng này mang tới cơ hội cho Nhật Bản để giảm bớt sự tập trung quá mức của hoạt động kinh tế ở Tokyo bằng cách hỗ trợ tài chính cho những người muốn chuyển đến các khu vực nông thôn nhưng vẫn giữ công việc hiện tại của họ. Từ năm tài chính 2021, Chính phủ cũng sẽ thiết lập một hệ thống trợ cấp 3/4 ngân sách để giúp chính quyền địa phương ở nông thôn tạo ra môi trường phù hợp cho người dân làm việc từ xa. (Nikkei)

Hyundai Motor bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ hai tại Việt Nam để nâng công suất lên 140% tại thị trường đang phát triển này. Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc sẽ đầu tư 3,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 138 triệu USD) vào tỉnh Ninh Bình và dự kiến sẽ đi vào hoạt động theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 2022.

Nhà máy này dự kiến là một trong những nhà máy sản xuất xe du lịch lớn nhất cả nước, nâng công suất sản xuất của Hyundai tại Việt Nam lên 170.000 xe/năm. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để khuyến khích các nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước chẳng hạn như bãi bỏ thuế đối với phụ tùng ô tô. Hyundai gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua liên doanh với Tập đoàn Thành Công. (Nikkei)

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

South China Morning Post mới đây nhận định, việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) tại Indonesia được đẩy mạnh trong những năm gần đây nhờ vào các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và ngày càng có nhiều công ty Indonesia làm ăn với các công ty Trung Quốc. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với thương mại song phương đạt 79,4 tỷ USD vào năm 2019, tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của đồng NDT ở Indonesia cũng được thúc đẩy bởi một Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trong ba năm được ký kết giữa ngân hàng trung ương hai nước vào năm 2018 (SCMP)
Thái Lan ngày 24/9 đã bắt đầu thực thi hành động pháp lý đối với 2 trang mạng xã hội Facebook và Twitter do đã phớt lờ yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin không phù hợp. Bộ Kinh tế Số và Xã hội Thái Lan đã gửi khiếu nại pháp lý lên cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ sau khi 2 trang mạng xã hội này bỏ lỡ thời hạn 15 ngày để thực thi đầy đủ các phán quyết của tòa án về việc gỡ bỏ nội dung thông tin, kể từ ngày 27/8. Đây là lần đầu tiên nước này sử dụng Luật Tội phạm máy tính đối với các nền tảng không tuân thủ phán quyết của tòa. (Reuters)

Theo dự báo của viện nghiên cứu Market Intelligence & Consulting Institute (MIC), đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ sản xuất khoảng một nửa các máy tính cá nhân được sử dụng trên khắp thế giới. Việt Nam và Thái Lan sẽ trở thành hai trung tâm sản xuất chủ chốt do chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc cũng như việc nhiều doanh nghiệp muốn đa dạng hóa địa điểm sản xuất dự kiến sẽ khiến cho hoạt động đầu tư sản xuất máy tính cá nhân tại Đông Nam Á ngày một nhiều hơn. (Nikkei)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả