Kinh tế Thái Lan có thể tăng 1,2% nhờ mở cửa lại du lịch
Nền kinh tế Thái Lan dự kiến tăng trưởng 1,2% trong năm 2021 nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch - xương sống của kinh tế.
Dự đoán mới về tăng trưởng GDP vượt con số 1% trước đó của Bộ Tài chính Thái Lan. Với mốc này, Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith cho biết, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 có thể đạt 4,5%, vượt mức 4% mà cơ quan này từng đưa ra.
Chính sách mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm phòng được Thái Lan khởi động trong tháng này, từ đó đẩy mạnh hoạt động kinh tế trong quý cuối năm. Xứ chùa vàng đang có kế hoạch bổ sung nhiều quốc gia vào danh sách 63 vùng lãnh thổ đủ điều kiện du lịch mà không cần kiểm dịch từ tháng 12. Chính quyền cũng đang xem xét đẩy nhanh việc mở cửa trở lại các quán bar và hộp đêm sau khi dịch bệnh đã dịu đi.
Các ước tính mới của Bộ trưởng Arkhom về tăng trưởng GDP năm 2021 và 2022 phù hợp với các dự báo mới nhất từ Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan. Tuy nhiên, tốc độ đó vượt xa dự đoán của Ngân hàng trung ương về tăng trưởng 0,7% trong năm nay và 3,9% trong 12 tháng tiếp theo.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan khi quốc gia Đông Nam Á này đóng góp trực tiếp khoảng 16% vào GDP. Thời gian qua, số ca nhiễm Covid-19 và số ca nhập viện đã giảm mạnh khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Số ca nhiễm thực tế ngoài cộng đồng giảm còn hơn 87.200 ca vào ngày 21/11, thấp nhất kể từ ngày 11/7, trong khi tỷ lệ lây nhiễm trung bình giảm xuống 6.600 ca trong tuần qua, từ mức cao nhất hơn 20.000 ca. Khoảng 54% dân số nước này đã được tiêm hai liều vaccine.
Bộ trưởng Arkhom cho biết, Ngân hàng Trung ương cũng đang tìm cách tránh tăng lãi suất từ việc tăng chi tiêu của chính phủ, giá nhiên liệu và lạm phát, để vẫn giữ một chính sách tiền tệ phù hợp. Ông nói thêm, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục được đồng bộ hóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Với sự phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến vào năm 2022 và tình hình dịch bệnh vẫn có thể kiểm soát, chính phủ Thái Lan sẽ tăng cường hỗ trợ phục hồi nền kinh tế với các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư tư nhân, chi tiêu công và sự phục hồi của các doanh nghiệp. Chi tiêu của chính phủ nước này để hỗ trợ nền kinh tế cho đến nay tương đương 14,6% GDP.
Theo Bộ trưởng Arkhom, chính quyền Bangkok đặt mục tiêu quản lý các cú sốc kinh tế bằng cách thúc đẩy tăng trưởng trong mọi lĩnh vực. Bộ Tài chính cũng đang cố gắng tránh thâm hụt kép trong ngân sách và tài khoản vãng lai, đồng thời khuyến khích người Thái đi du lịch nước ngoài để giữ tỷ giá hối đoái ở mức thích hợp.
Thái Lan cũng tính đến chuyện tăng giới hạn tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 60% lên 70% để cho phép chính phủ vay thêm nếu cần thiết. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan dự kiến đạt gần 59% vào cuối tháng 9. Dữ liệu chính thức được công bố hồi cuối tháng 7 cho biết, con số này ở mức hơn 55%, tương đương 8,9 nghìn tỷ baht.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã nhiều lần cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong năm nay. Nước này từng dự đoán tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,7-1,2% vào tháng 8. Trước đó, con số được đưa ra là 1,5-2,5% vào tháng 5. Thực tế năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan giảm 6,1% khi đại dịch bùng phát khiến ngành kinh tế xương sống tê liệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận