Kinh tế tê liệt, châu Âu lấy đâu ra hàng tỷ USD để... chống Nga?
Trước khi chính phủ Pháp và Đức sụp đổ, nền kinh tế châu Âu đã gặp khó khăn. Khu vực phải đối mặt với tăng trưởng yếu ớt, sức cạnh tranh chậm so với Mỹ và Trung Quốc, một ngành công nghiệp ô tô đang lao đao....
Kinh tế châu Âu đang gặp khó. (Nguồn: AP)
Một câu hỏi đặt ra rằng, trước tình trạng như vậy, châu Âu tìm đâu ra hàng tỷ USD để chống Nga và sắp tới là làn sóng thuế quan có thể đến từ ông Donald Trump?
Khoảng trống ở Pháp, Đức
Sẽ khó tìm ra giải pháp khi hai quốc gia chiếm gần một nửa nền kinh tế khu vực đồng EUR (Eurozone) vẫn mắc kẹt trong tình trạng tê liệt chính trị cho đến tận năm 2025. Pháp và Đức, hai quốc gia từng giữ nhiệm vụ thúc đẩy châu Âu tiến lên, giờ đây đã có một khoảng trống.
Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã đến Điện Elysee, đệ đơn từ chức của ông và Nội các lên Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Ông Barnier là Thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.
Theo báo chí Pháp, bất đồng trong việc xử lý thâm hụt ngân sách đã khiến chính phủ nước sụp đổ. Điều này không chỉ đẩy chi phí vay nợ của nước này lên cao mà còn gây ra làn sóng lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone.
Còn tại Đức, Liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội dẫn đầu cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp đã tan vỡ vào tháng 11, dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025. Các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ mới có thể kéo dài đến tháng 4/2025.
Đầu tàu tăng trưởng chính của châu Âu cũng trong tình trạng trì trệ kéo dài từ trước đại dịch.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi lạm phát tăng tháng thứ hai liên tiếp, đạt 2,3% trong tháng 11/2024, đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thế khó trong việc cân bằng giữa kích thích tăng trưởng và kiềm chế giá cả.
Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group cho biết, kinh tế Đức chỉ thoát "mây đen" khi cởi mở với việc nới lỏng các hạn chế theo hiến pháp về việc vay nợ để cho phép chi tiêu và đầu tư.
Còn với Pháp, đất nước này có thể phải đối mặt với "sự tê liệt hoàn toàn về vấn đề kinh tế" - ông Rahman nói.
Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group khẳng định: "Và đó rõ ràng là một vấn đề lớn đối với châu Âu. Khi Pháp và Đức không 'hoạt động hết công suất', kinh tế châu Âu khó có thể đạt kết quả như mong đợi".
Áp lực kinh tế của châu Âu
Đó chưa phải là những vấn đề duy nhất ở châu Âu. Môi trường kinh doanh trì trệ ở khu vực này cũng đang là vấn đề "đau đầu".
Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đưa ra khuyến nghị trong một báo cáo mới đây rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần đưa ra ít quy định hơn, thị trường hội nhập hơn, chính sách công nghiệp gắn kết, liên minh ngân hàng và thị trường vốn, chi tiêu cho giáo dục là hoàn toàn có giá trị.
Tuy nhiên, "điều này không thể xảy ra nếu không có sự liên kết giữa Pháp và Đức", ông Mario Draghi nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Anne-Laure Delatte, một nhà kinh tế người Pháp nhận thấy, thị trường tài chính vẫn thận trọng nhưng không quá lo lắng về tình hình bất ổn chính trị của Pháp. Dù vậy, sự yếu kém về kinh tế ở Pháp và Đức có thể có tác động rộng hơn đến khối 27 thành viên.
“Điều này có thể làm suy yếu vị thế của châu Âu trên toàn cầu hoặc chuyển giao quyền lực và ảnh hưởng sang các quốc gia châu Âu khác như Hà Lan hoặc Tây Ban Nha - những quốc gia đang hoạt động tốt vào thời điểm hiện tại”, bà nêu quan điểm.
Paris dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay và 0,8% vào năm tới. Với Berlin, nền kinh tế dự kiến sẽ giảm 0,1% trong năm nay - năm thứ hai liên tiếp suy thoái và phục hồi khiêm tốn với mức 0,7% vào năm tới.
Pháp dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay. (Nguồn: Getty Images)
Áp lực đối với nền kinh tế châu Âu còn đến từ các yếu tố bên ngoài.
Sự suy yếu của thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng của khu vực - đang gây tổn thương không nhỏ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu.
Trong khi đó, căng thẳng với Nga trên nhiều mặt trận cũng khiến các quốc gia còn lại ở châu Âu gặp khó.
Đơn cử như cuộc chiến khí đốt với Nga khiến châu Âu phải loay hoay tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới. Điều này cũng khiến khu vực tốn thêm nhiều tiền hơn khi vận chuyển dòng khí đốt mới từ những quốc gia khác như Mỹ. Giá năng lượng tăng cao cũng khiến mùa Đông ở khối 27 thành viên thêm bất ổn.
Chưa kể, những đe dọa về thuế quan từ phía Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đang "thêm dầu vào lửa" cho triển vọng xuất khẩu của khu vực.
Với vấn đề thuế quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quan chức châu Âu có thể chọn cách cố gắng xoa dịu một cuộc xung đột thương mại tiềm tàng. Cụ thể, châu Âu có thể quyết định không trả đũa bất kỳ mức thuế nào của Mỹ, do đó tránh được một chu kỳ "ăn miếng trả miếng" gây tổn hại lẫn nhau.
Tăng trưởng khiêm tốn
EC dự báo, châu Âu chỉ chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát vẫn thận trọng trong chi tiêu. Nền kinh tế Eurozone dự kiến sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và 1,3% vào năm tới.
EC cũng ước tính rằng, sẽ cần tới 500 tỷ EUR (tương đương 528 tỷ USD) trong thập kỷ tới để giúp đáp ứng nhu cầu an ninh của khối.
Ủy viên quốc phòng của EU Andrius Kubilius đã chỉ ra rằng, trái phiếu quốc phòng chung có thể huy động được số tiền khổng lồ đó. Nhưng việc "tiến lên" mà không có Đức, thành viên lớn nhất của khối, là điều khó có thể tưởng tượng.
Còn ông Mujtaba Rahman nhận thấy, các vấn đề lớn như quốc phòng và khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Nhưng hiện tại, với tình hình ở Pháp và Đức, chưa thể nói trước điều gì!
Mới nhất, ngày 13/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp, hạ 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3% và nới rộng khoảng cách với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngân hàng này đang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kiểm soát giá cả tăng cao khi lạm phát dao động quanh mức mục tiêu 2%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường