menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Kinh tế tập thể: Cần một hệ sinh thái để liên kết hiệu quả

Với 24.000 hợp tác xã (HTX), 80 liên hiệp HTX, trên 100.000 tổ hợp tác có sự tham gia của gần 8 triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động; hàng năm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10%... kinh tế tập thể (KTTT) tiếp tục được khẳng định vị thế của mình.

Chưa đủ động năng phát triển

“Chúng ta đặt câu hỏi tại sao số lượng HTX phát triển chưa mạnh, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp?... Vấn đề cần nhất hiện nay với HTX là gì?”, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nêu vấn đề tại Toạ đàm với chủ đề “Tăng cường liên kết - phát triển kinh tế HTX” diễn ra hôm 10/9 tại Hà Nội.

Mặc dù theo đánh giá của các diễn giả tại tọa đàm, hệ thống chính sách cho việc phát triển KTHT hiện đã khá đầy đủ, tuy nhiên, các chính sách này đi vào cuộc sống chưa nhiều, thậm chí có chính sách mãi đến năm 2018 mới chính thức được thực hiện như chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc chưa bố trí được nguồn vốn riêng cho KTTT nên công tác triển khai các chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao. Như công tác đào tạo, tập huấn, mỗi năm tăng 20% với 391.284 lượt đào tạo, 34.973 cán bộ được đào tạo từ sơ cấp đến đại học trong giai đoạn 2012 – 2018, song mới chỉ chiếm 6% so với tổng số 6 triệu cán bộ thành viên HTX cả nước.

Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ phát triển hệ thống HTX - vốn được xem là điểm tựa hỗ trợ vốn cho các HTX - song đến nay cũng mới chỉ có 50/63 tỉnh thành xây dựng được quỹ này với tổng nguồn vốn là 1.554 tỷ đồng. Cộng thêm Quỹ hỗ trợ phát triển hệ thống HTX ở Trung ương khoảng 400 tỷ đồng cũng chỉ như muối bỏ bể khi nhu cầu vốn của các HTX hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nguồn ngân sách hạn chế cũng là nút thắt trong việc triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xúc tiến đầu tư thương mại và mở rộng thị trường. 5 năm qua, mới chỉ có 3.877 lượt DN được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới với tổng kinh phí 95 tỷ đồng trong đó từ ngân sách trung ương là 23 tỷ đồng. Chương trình khuyến công quốc gia cũng hỗ trợ thêm 44 HTX với kinh phí 8,2 triệu đồng. Chỉ có 4500 HTX tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và mở rộng thị trường.

Hay như thể chế hóa việc hỗ trợ giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2003, đến hết 2011 cũng chỉ có 1.588 HTX (tương đương 8,1%) được giao đất. Sau đó, dù đã mở rộng thêm cơ chế cho thuê đất, giai đoạn 2013 - 2018 cũng chỉ có 2.044 HTX được giao đất và cho thuê đất, trong đó 182 HTX nhận được tín dụng ưu đãi khi thuê đất. Gộp lại cả 2 giai đoạn, đến nay cũng chỉ có 14% HTX được thụ hưởng chính sách đất đai này.

Việc Trung ương giao cho địa phương tự cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ ưu đãi của nhà nước với HTX thêm khó đi vào cuộc sống với những địa phương chưa được cân đối thu chi ngân sách.

Liên kết, hợp tác là yếu tố sống còn

Dưới góc độ người làm thực tế, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) Lê Văn Việt cho biết, từ một HTX thành lập năm 2011 với 9 thành viên và diện tích nuôi 10 ha với định hướng khép kín chuỗi từ con giống đến bàn ăn, đến nay HTX đã có 28 thành viên với diện tích nuôi hơn 130 ha. Hiện hàng năm có cả trăm hộ dân đến xin làm thành viên, nhưng vì nội lực chưa cho phép nên HTX chưa mở rộng thêm thành viên.

Nguyên nhân dẫn tới thành công này được ông Việt chia sẻ đó chính là phải tạo ra những mắt xích liên kết bền vững trong chuỗi giá trị. Đơn cử với việc nhập khẩu giống cá chính từ Thái Lan, HTX Xuyên Việt đã giảm thời gian nuôi cá để đạt tới cân nặng 1kg từ 8 tháng xuống còn 4,5 tháng, thức ăn cho cá giảm từ 1,7kg xuống còn 1,2kg… “Muốn tốt thì phải tự khắt khe với mình để tạo ra sản phẩm có sự khác biệt, đón đầu công nghệ mới và đào thải những điểm yếu còn tồn đọng”, ông Việt chia sẻ.

Trong vai trò là Chủ tịch HTX trẻ Việt Nam, ông Việt đề nghị mỗi tỉnh nên thành lập một trung tâm tiêu thụ nông sản của địa phương nếu gắn liền với HTX càng tốt để HTX có thể trưng bày và bán cho bà con. Bên cạnh đó cần có chính sách sát sườn hơn với các HTX, như có chính sách về quy hoạch, về quyền sử dụng đất và tài sản nằm trên đất thuộc HTX để có thể dùng cơ sở này chứng minh năng lực với đối tác, tạo niềm tin làm nền tảng cho việc kết nối giao thương với đối tác trong và ngoài nước, hay đảm bảo về mặt tài sản với ngân hàng để giải quyết những khó khăn trong vấn đề nguồn vồn đầu tư…

Ông Việt cũng đề xuất mỗi tỉnh nên chọn 5-10 HTX tiêu biểu để giúp họ phát triển để thu hút, kéo cả đoàn tàu đi tạo ra nhiều HTX nhỏ vệ tinh hơn. Đồng thời nên thành lập trung tâm tư vấn trình độ cao mới chuyên gia về HTX, về nông nghiệp để hỗ trợ HTX lúc đầu thành lập.

Trong khi theo ông Đồng Mạnh Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, việc HTX chưa phát triển là do thiếu đầu kéo là các DN. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN liên kết với HTX.

Điểm ra 6 mô hình HTX đang phát triển hiện nay, Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra 4 yếu tố phát triển bền vững đối với mô hình kinh tế HTX, trong đó việc tuyên truyền để nông dân phải có niềm tin về HTX đóng vai trò quan trọng số một, tiếp đó là quản trị minh bạch và chuyên nghiệp, có định hướng thị trường rõ ràng bao gồm cả về chính sách và bản thân HTX trong câu chuyện liên kết (sản xuất gì, theo tiêu chuẩn nào); cuối cùng là ứng dụng khoa học công nghệ.

Về phía ngoài HTX, câu chuyện liên kết bao gồm đẩy mạnh sự phát triển của các tổ chức xã hội đi kèm như các tổ hợp tác, các câu lạc bộ nghề tạo môi trường để người dân tìm hiểu nhau, tin nhau cùng thành lập HTX; Phát triển các HTX có hợp đồng hay thành viên liên kết. Ông Thịnh cũng khuyến nghị, hiện quy mô của HTX nhỏ bé và đang trong giai đoạn hoàn thiện mô hình tổ chức vì vậy cơ quan quản lý không nên quy kết truy xét mô hình đúng sai mà quan trọng nhất là cam kết của người dân, họ vào thấy có quyền lợi thì họ làm với nhau.

Cùng quan điểm nhiều đại biểu, bà Chu Thị Linh - Trưởng phòng Quản lý HTX, Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) đề xuất cần tiếp tục bố trí kinh phí và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX. Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong bố trí kinh phí. Trong đó, đặc biệt chú ý sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan và các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã/phường trong triển khai thực hiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả