Kinh tế năm Rồng, chứng khoán "lên mây"
Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng vững vàng cho các doanh nghiệp niêm yết phát triển và tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024, qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên bền vững.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu. Các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra qua đó đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Bước sang năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6 – 6,5% và lạm phát kiểm soát trong ngưỡng 4 – 4,5%. Giới phân tích kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn so với năm 2023. Dù tốc độ phục hồi có phần chậm hơn so với chu kỳ 2013 – 2019 nhưng đó cũng là điều khó tránh khỏi khi kinh tế thế giới và Việt Nam đang ở trong một bối cảnh tăng trưởng khác.
Những động lực cho nền kinh tế đến từ trong nước như kế hoạch thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, cắt giảm thuế, tăng lương ở cả khu vực công và tư nhân. Ngoài ra, Quốc hội thông qua một số dự án luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở… sẽ tạo ra cơ sở pháp lý ổn định, thúc đẩy đà tăng trưởng của giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi với vị thế là một mắt xích quan trọng để duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, đang đóng vai trò kết nối giữa các cường quốc kinh tế vốn đang có sự cạnh tranh chiến lược, nhờ vào sự trung lập tích cực của mình. Vai trò của các ngành sản xuất tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khẳng định.
Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cam kết tăng trưởng xanh và bền vững, nỗ lực đưa phát thải ròng bằng 0, xu hướng điện khí hóa, hay câu chuyện về giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện tử là ngành công nghiệp bán dẫn đưa Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trải qua 2 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất của 2 tháng đầu trong vòng 5 năm trở lại đây.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) có 2 tháng liên tiếp trên 50 điểm, thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng. Điều này phần nào chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tận dụng cơ hội từ dòng vốn FDI qua đó hướng tới hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Chứng khoán "lên mây"
Bên cạnh những yếu tố trên, một điểm tích cực với kênh đầu tư chứng khoán sẽ được duy trì từ năm 2023 sang năm 2024 là chính sách tiền tệ nới lỏng. Lãi suất cố định 2 năm đầu đối với các khoản vay mới hiện tại chỉ khoảng 6-8%/năm, giảm gần một nửa so với thời điểm năm trước, ở mức 12-14%/năm.
Điều này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay qua đó củng cố lợi nhuận. Theo dự báo của Dragon Capital, lợi nhuận của 80 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất có thể tăng trưởng bình quân 15-18% trong năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái và hiện vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ vĩ mô.
Cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho tiền gửi có kỳ hạn khi lãi suất trung bình của tiền gửi 12 tháng hiện tại đã về 4,7%, so với mức đỉnh trên 10%. Theo Dragon Capital, dòng tiền được ghi nhận chảy vào lĩnh vực Công nghệ thông tin (+13,1%), Xuất nhập khẩu ( +10,9%), Nguyên vật liệu (+9,6%) và Ngân hàng (+9,1%)…
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào quỹ đạo ổn định nhờ các biện pháp thanh lọc của cơ quan quản lý trong năm 2023, được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Thêm nữa, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu ấm dần lên sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó tạo bàn đạp cho thị trường chứng khoán đi lên.
Ngoài ra, định giá hợp lý là một trong những yếu tố giúp chứng khoán Việt Nam tiếp tục hút tiền. Tỷ lệ P/E dự kiến cho năm 2024, theo dự phóng của Dragon Capital, là 10,6 lần đối với 80 doanh nghiệp hàng đầu. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan ( 16,0 lần), Malaysia (14,1 lần), Indonesia (13 lần) và Philippines (12,6 lần).
Nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ thị trường nhưng vẫn còn đó những cơn gió ngược. Khối ngoại liên tục bán ròng hơn tỷ USD từ tháng 4/2023 cho thấy những bất ổn kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã có phần chậm lại trong quý đầu năm 2024.
Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ đảo chiều khi triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi ngày càng rõ rệt. Với việc hệ thống KRX sẽ sớm được đưa vào vận hành trong năm nay cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường để hoàn thiện các tiêu chí, chứng khoán Việt Nam được dự báo có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào tháng 9 tới đây.
Nhóm phân tích của Dragon Capital cho biết, đang có khoảng 700-800 tỷ USD hiện đang được đầu tư vào phân khúc thị trường này. Điều này đồng nghĩa, nếu như Việt Nam được nâng hạng thị trường, tỷ trọng đầu tư có thể chiếm từ 0,2 – 0,24%, tương đương 1,3 -1,9 tỷ USD dòng vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận