24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế năm 2021: Giữ vững "kiềng 3 chân" trong "bếp lửa kinh tế"

Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,91%, đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây, nhưng vẫn thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều “điểm sáng”.

TS Nguyễn Đức Kiên: "Kỳ vọng Việt Nam trở thành nước thứ 29 trong khối OECD".

Trong những năm trở lại đây, chưa bao giờ kinh tế thế giới trở nên bất định và khó dự báo như hiện nay. Ngoài những yếu tố về dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu mang đến, thì còn có những yếu tố về địa chính trị, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế thế giới và mối quan hệ giữa các nước.

Kinh tế năm 2021: Giữ vững "kiềng 3 chân" trong "bếp lửa kinh tế"
TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh

Nhưng ở Việt Nam, tôi tin rằng, chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tương đối có kết quả, chúng ta có thể chủ động được hơn với nền kinh tế của Việt Nam, cho nên chúng ta tin tưởng có thể quyết định được tới 60% tình hình của đất nước.

Hiện nay, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 28 nước phát triển nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2045, tôi kỳ vọng, Việt Nam trở thành nước thứ 29 ở trong khối OECD.

TS Nguyễn Đình Cung: "Việt Nam phải xác định ở top đầu các nước thu nhập trung bình cao"

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII là xác định rõ hơn mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tầm nhìn: Đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Kinh tế năm 2021: Giữ vững "kiềng 3 chân" trong "bếp lửa kinh tế"
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Chúng ta đang kỳ vọng GDP/đầu người giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 4.700-5.000 USD một năm, đến năm 2030 đạt 7.500 USD một năm. Để mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì từ năm 2030, Việt Nam phải xác định ở top đầu các nước thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người là 10.000-12.000 USD một năm. Như vậy, ở các năm tiếp theo mới có thể tiến đến ngưỡng 15.000-18.000 USD.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được ngưỡng vọng này, bởi bản thân nội lực nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển mạnh. Quan trọng là cần phải biết cách phát huy thế mạnh, huy động tổng thể các nguồn lực và nhanh nhạy chớp thời cơ

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: "Quan trọng nhất vẫn phải kiểm soát dịch COVID-19"

Năm 2020 đã gặt hái nhiều kết quả đáng kể. Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia hiếm hoi có mức tăng trưởng dương trong một năm dịch bệnh bùng nổ. Năm 2021, tôi cho rằng có rất nhiều nhân tố giúp sức bật nền kinh tế tốt hơn. Phương án tốt nhất có thể đạt được là 6,8-7,4%.

Mặc dù đầu năm 2021, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, nhiều quốc gia mở cửa trở lại, hầu hết các nước đang thích nghi với dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh vừa vẫn trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Nhiều nước triển khai đang tiêm chủng vacxin, hiệu ứng kinh tế tốt chắc chắn sẽ hơn khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Khi nền kinh tế dần phục hồi, cầu hàng hoá thế giới năm 2021 sẽ tốt hơn, điều này thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn.

Kinh tế năm 2021: Giữ vững "kiềng 3 chân" trong "bếp lửa kinh tế"
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế độc lập nói về bức tranh nền kinh tế trong năm 2021. Ảnh: Nguyễn Bình

Nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng, như ngành công nghiệp hỗ trợ tăng 11-12%. Thứ hai là nông nghiệp, ngành này tiếp tục khẳng định trụ đỡ của nền kinh tế trong năm “sóng gió” nhờ thay đổi cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ cao.

Khu vực tư nhân ngày càng khẳng định hơn vai trò trong cơ cấu nền kinh tế, trở thành động lực tốt để phát triển. Chúng ta đang đi rất đúng hướng. Bên cạnh đó, các FTA đang tạo động lực rất tốt cho xuất khẩu.

Tôi cho rằng, đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển là yêu cầu quan trọng nhưng yếu tố cơ bản nhất vẫn là kiểm soát được dịch COVID-19 một cách tốt nhất. Việc quản lý chặt, không cho dịch bệnh tràn lan sẽ giúp doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, ổn định kinh doanh.

TS Vũ Tiến Lộc: "Giữ vững kiềng 3 chân trong "bếp lửa kinh tế"

Năm 2021 sẽ là năm với nhiều khó khăn, thách thức; nền kinh tế vẫn còn bị “đe doạ” bởi dịch bệnh COVID-19; thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đeo đẳng, gây sức ép tới nền kinh tế toàn cầu….

Từ những khó khăn đó, doanh nghiệp, doanh nhân cần phải chuẩn bị cho hành trình mới.

Kinh tế năm 2021: Giữ vững "kiềng 3 chân" trong "bếp lửa kinh tế"
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: VCCI

Một điểm sáng đầy hy vọng, đó là ba chân kiềng trong "bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam" vẫn giữ vững. Ba chân kiềng của nền kinh tế, đó là: Đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ.

Việt Nam cũng có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay. Năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả