Kinh tế năm 2019: Vượt mục tiêu
Mặc dù tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2019 đã chững lại so với quý III khi chỉ đạt 6,79%, song kết quả chung cuộc của cả năm 2019 vẫn hết sức ấn tượng với GDP tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăn
Nhiều kỷ lục mới được thiết lập
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo tổ chức cuối tuần qua, tăng trưởng GDP năm 2019 tuy thấp hơn so với năm 2018, song đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường, như vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%, đều có mức tăng cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế.
Một số ngành, lĩnh vực khác tuy không đạt mức tăng trưởng cao, song vẫn được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh chung nhiều khó khăn, biến động. Đơn cử ngành nông nghiệp tuy đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019 do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, song chăn nuôi gia cầm và thuỷ sản vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, bù đắp vào sụt giảm của chăn nuôi lợn.
Đặc biệt trong năm 2019 nhiều kỷ lục mới của nền kinh tế đã được thiết lập. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (17,7% so với 4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính thặng dư tới 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.
Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138.100 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.
Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2019 diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm. Hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện. Điều đó thể hiện qua việc tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.
Với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế, hiệu quả đầu tư được cải thiện. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,14, thấp hơn so với giai đoạn 2011-2015.
Xốc lại bộ máy trước khi về đích
Đánh giá tích cực về các kết quả đạt được, song Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, thách thức do phụ thuộc nhiều vào bối cảnh bên ngoài, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài còn hạn chế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Còn tồn tại một số rào cản, hạn chế về thể chế kinh tế gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực. Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là DNNVV còn hạn chế…
Năm 2020 là năm về đích của cả giai đoạn 2016-2020, do đó cần nhận diện những cơ hội cũng như thách thức để có bước đi đúng đắn và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cảnh báo, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2020, các yếu tố rủi ro thách thức gia tăng, thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung… một số vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với phát triển kinh tế nước ta.
Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, ít rủi ro, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội và nguồn lực, phát huy quyền sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, tạo lập môi trường cho người dân tự vươn lên, phát huy sức sáng tạo.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế. Tập trung thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn, mặt khác hoạt động đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
“Hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên đáng kể khi cơ cấu đầu tư tập trung vào một số ngành trọng điểm như thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ do những ngành này có hiệu suất đầu tư tốt, mang lại giá trị gia tăng cao hơn các nhóm ngành khác”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Thứ ba, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay trong nền kinh tế vẫn còn tới 19 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, do đó trong năm 2020, cần khuyến khích và có giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn để nâng cao năng suất lao động của khu vực nông nghiệp, đồng thời chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn.
Thứ tư, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.Tổng cục Thống kê đánh giá, bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quy mô dân số trên 96 triệu dân và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao sẽ là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2020.
Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cuối cùng, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tổng cục Thống kê giải thích, sự phát triển của các đô thị sẽ tạo ra những cụm liên kết giữa sản xuất với phục vụ đời sống dân cư; thiết lập hệ thống hạ tầng hiện đại để giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí thương mại; các ngành nghề gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận